Khốn khổ với thủy điện An Khê – Kanak

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải bảo đảm đời sống cho người dân, bảo đảm môi trường vùng hạ du thủy điện An Khê – Kanak.

Chiều 9-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai. Trong buổi làm việc này, Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm đời sống, môi trường cho người dân vùng hạ du thủy điện An Khê – Kanak (công trình “sai lầm thế kỷ” mà Báo Người Lao Động từng phản ánh).

Xem lại quy trình vận hành

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng từ năm 2011, khi công trình thủy điện An Khê – Kanak đi vào hoạt động, thì tình hình môi trường ở vùng hạ du thủy điện này chịu nhiều tác động tiêu cực. Thủy điện An Khê – Kanak đã ảnh hưởng trực tiếp đến 450.000 người dân, gần 7.000 ha đất của 7 huyện, thị xã thuộc tỉnh Gia Lai, chưa kể các địa phương khác của tỉnh Phú Yên.

“Theo báo cáo, quy trình vận hành hoạt động thủy điện cơ bản là đúng nhưng đời sống người dân vẫn rất khốn khổ. Vì thế, phải xem lại quy trình vận hành của dự án này. So với trước khi thủy điện hoạt động, lượng nước trả về hạ du thấp hơn rất nhiều” – ông Thành nêu rõ.

Theo ông Thành, năm 2015-2016, một số đoạn sông Ba ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã có hiện tượng tảo nở hoa, cả đoạn sông chuyển thành màu xanh. Người dân rất lo lắng do nước không chảy được, các loài vi sinh vật, tảo độc phát triển. Ông Thành đề nghị cần tính toán lại quy trình hoạt động của thủy điện An Khê – Kanak cho phù hợp. Có thể giảm bớt công suất nguồn điện nhưng đời sống của người dân sẽ tốt hơn.

Để ổn định cuộc sống của người dân, ông Thành đề nghị xem xét việc xây dựng các hồ điều hòa bên dưới thủy điện để điều tiết nước. “Phải tính toán việc xả nước thế nào đủ rửa trôi dòng chảy và tích nước cho người dân dọc theo dòng sông này. Cứ cho rằng quy trình vận hành là đúng nhưng người dân sẽ tiếp tục phản ứng là điều chúng tôi không mong muốn” – ông Thành bày tỏ.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nguyên tắc khi xây dựng các công trình là không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông Thắng đồng ý với quan điểm cần xây dựng một số hồ điều hòa bên dưới thủy điện và nghiên cứu thêm giải pháp dẫn nước thẳng từ hồ Kanak về hạ lưu sông Ba để phục vụ người dân.

Xả nước “đúng quy trình”!?

Tại buổi làm việc, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho hay tháng 4-2016, bộ này đã lập đoàn kiểm tra việc xả nước tại công trình thủy điện An Khê – Kanak.

“Về cơ bản, việc xả nước bảo đảm đúng quy trình nhưng có khoảng 5 ngày là xả dòng chảy tối thiểu không đúng quy định. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và xử phạt 270 triệu đồng” – ông Nhân nói. Theo ông, Bộ TN-MT đang rà soát, đánh giá các nội dung quy trình vận hành liên hồ chứa của 11 lưu vực sông, trong đó có chú ý đến lưu vực sông Ba sau thủy điện An Khê – Kanak.

Ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng trong thời gian nắng hạn vừa qua, EVN đã không ưu tiên phát điện mà tập trung nước chống hạn. “Tổng lượng nước xả phục vụ phát điện về sông Côn chỉ 25%, trong khi phục vụ công tác chống hạn sau đập An Khê là hơn 38%” – ông Lâm dẫn chứng.

Ông Lâm cũng cho biết EVN đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện An Khê – Kanak phải chấp hành nghiêm tất cả quy định về vận hành liên hồ chứa, thực hiện tất cả hoạt động điều hành theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai và Sở TN-MT trong giai đoạn suy kiệt nguồn nước.

Phải tính “bài toán ngược”

Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo EVN phải thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. EVN cần nghiên cứu, đáp ứng các nhu cầu của hạ lưu, không để vùng hạ lưu khô kiệt, không được để tác động xấu đến môi trường.

“Phải tính bài toán ngược chứ không tính bài toán xuôi. Tính bài toán xuôi là tôi chỉ cần tôi, sau đó thì kệ. Bài toán ngược là người dân phía dưới cần thế nào là phải đáp ứng như thế đó. Về mùa cạn, có những thời kỳ không được vận hành” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cho biết từng đến và thấy đời sống người dân ở 7 huyện, thị vùng hạ du sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai rất khốn khó.