Cộng đồng ASEAN: Doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình ngoài biên giới

ThienNhien.Net – Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập vào tháng 12/2015 là cột mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực. Sự kiện này thúc đẩy tiềm năng tăng trường kinh tế, cũng như vai trò của các tập đoàn quốc gia, đa quốc gia và các doanh nghiệp nhỏ hơn trong thời gian tới. Trong bài viết dưới đây, Tiến sĩ Carl Middleton, Phó Giám đốc Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đã phân tích sâu hơn về trách nhiệm của chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh mới này để có thể tạo dựng một Cộng đồng Asean phát triển công bằng, bền vững và vì toàn dân.

Tăng trưởng kinh tế thông qua hợp tác khu vực sẽ giúp người dân có thêm việc làm, gia tăng thu nhập và tăng ngân sách quốc gia cho các dịch vụ công như y tế và giáo dục. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng có thể kéo theo hàng loạt những nguy cơ như tình trạng vi phạm quyền của người lao động, chiếm dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên của các cộng đồng dân cư, tham nhũng, hối lộ và hủy hoại môi trường.

Điều đáng nói là đến nay, tất cả các tác động tiêu cực trên đã xảy ra phổ biến ở các quốc gia ASEAN. Hàng loạt các dự án kinh tế trong khu vực đã tác động nghiêm trọng tới môi trường và xã hội. Điển hình như một số vụ nhượng quyền sử dụng đất ở Campuchia và các vùng đặc quyền kinh tế ở Myanma, kết quả của tình trạng chiếm dụng đất đai của người dân.

Ngoài ra, việc xây dựng đập thủy điện ở Lào đã phá hụy hệ sinh thái sông Mê Kông, trong khi kế hoạch tái định cư cho cộng đồng ven sông chưa được quan tâm đầy đủ. Các vụ vi phạm quyền lao động trong ngành thủy sản ở Thái Lan đã bị EU và Mỹ phát hiện và danh sách vi phạm cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Do vậy, khi các quốc gia ASEAN hội nhập sâu hơn, chính phủ và doanh nghiệp các nước cần giám sát và đưa ra những dự đoán nhằm tránh các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đối với cho môi trường, xã hội cũng như con người. Và khi xảy ra vấn đề, họ phải có trách nhiệm và kế hoạch cụ thể để giải quyết một cách nhanh chóng và ổn thỏa nhất.

Ảnh minh họa: fri-indonesia.com
Ảnh minh họa: fri-indonesia.com

Trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình

Trong hơn một thập kỷ qua, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã ngày càng được chú trọng ở quy mô toàn cầu và gần đây được chú trọng hơn ở ASEAN. Hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau về điều này, một số thì cho rằng đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), trong khi số khác lại ủng hộ trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp (Corporate Accountability).

Trên thực tế thì đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên, hiện trách nhiệm xã hội đang được biết điến nhiều hơn. Có thể hiểu rằng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là những cam kết mang tính tự nguyện, còn trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp lại bao gồm các trách nhiệm đã được soạn thảo thành luật và buộc các doanh nghiệp tuân theo; do đó trách nhiệm với môi trường và xã hội hoàn toàn không còn là lựa chọn mà trở thành nghĩa vụ của các doanh nghiệp.

Quan niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang thay đổi dần, ít nhất là với những doanh nghiệp tiến bộ. Ban đầu trách nhiệm xã hội được xem là cách các doanh nghiệp đóng góp cho xã hội như một hình thức từ thiện. Điều này đang dần thay đổi đến một nhận thức rằng các doanh nghiệp đã được xã hội “cấp giấy phép hoạt động”, do vậy bên cạnh việc thu lợi cho công ty phải có trách nhiệm đóng góp lại cho xã hội.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong khu vực ASEAN chưa thực hiện trách nhiệm xã hội một cách nghiêm túc. Các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực cải thiện tình hình trên thông qua các hoạt động như thành lập Mạng lưới Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ASEAN, công bố hàng loạt các nghiên cứu của các viện hàn lâm, chính phủ, xã hội dân sự và bản thân các doanh nghiệp; tổ chức các hội thảo, tấp huấn về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Song, dường như các doanh nghiệp vẫn chỉ chăm chăm theo đuổi mục tiêu lợi nhuận.

Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên vì hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều phát triển kinh tế dựa vào nguồn nhân công giá rẻ và khai thác nguồn tài nguyên trong và ngoài nước, với thông điệp chính sách là “phát triển trước, khắc phục hậu quả sau”. Các quốc gia đã chú trọng phát triển kinh tế về lượng hơn là về chất. Điều này cho thấy các quốc gia cần quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ công như y tế, giáo dục, môi trường sống song song với phát triển kinh tế.

Theo nguyên tắc, các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp của quốc gia mà họ đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù thời gian qua các quy định về bảo vệ môi trường và xã hội của các quốc gia trong khu vực đã được thắt chặt hơn, sự hoàn thiện pháp luật giữa các quốc gia vẫn chưa tương xứng, vấn đề thực thi luật vẫn chưa đồng bộ. Hiện vẫn còn nhiều khoảng trống chính sách và đôi khi các chính phủ cố ý phớt lờ các vụ vi phạm quyền con người hoặc gây tổn hại tới môi trường để ưu tiên phát triển kinh tế.

Một vấn đề mà nhiều công ty gặp phải khi đầu tư ở nước ngoài là việc luật pháp và việc thực thi luật pháp ở nước chủ nhà không đồng bộ với nước họ. Điều này dẫn đến tình trạng là cùng một kế hoạch dự án nhưng có quốc gia cấp phép, có quốc gia không.

Năm 2009, Tòa án Hành chính tối cao Thái Lan đã tạm thời tước giấy phép 65 dự án với tổng giá trị đầu tư lên đến 8 tỷ USD tại khu công nghiệp Map Ta Phut do các vấn đề liên quan tới các quy định về môi trường và sự phản đối của người dân. Tuy nhiên, cũng tại thời điểm này, một khu công nghiệp gần thị trấn Dawei, Myanmar, rộng gấp 10 lần khu Map Tu Phut đã được chính phủ nước Myanmar cấp giấy phép thi công, nhà thầu chính là một công ty xây dựng có tầm cỡ của Thái Lan.

Rất nhiều đầu tư từ các nước Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ vào Đông Nam Á từ những năm 1980 cũng chịu tình trạng tương tự.

Trách nhiệm vượt ra ngoài biên giới

Quan điểm hạn hẹp rằng phải tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá sẽ làm suy yếu mục tiêu dài hạn là xây dựng một khu vực ASEAN phát triển bền vững, công bằng và vì toàn dân. Thay vì tập trung vào số lượng, các nước ASEAN nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện điều này, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp thực sự cần thiết.

Qua nhiều thập kỷ, các cuộc thảo luận toàn cầu về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với xã hội, bao gồm cả trách nhiệm đảm bảo quyền con người đã trở nên sôi nổi hơn. Năm 2011, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc đã công bố Các quy tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người dựa trên tiêu chí “bảo vệ, tôn trọng và bù đắp” của Giáo sư John Ruggie. Theo đó, các chính phủ phải bảo vệ quyền con người, doanh nghiệp phải tôn trọng quyền con người và cả hai bên phải tìm ra những giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề về vi phạm các quyền này.

Nếu các doanh nghiệp không thừa nhận nghĩa vụ pháp lý liên quan trực tiếp đến các hiệp ước nhân quyền quốc tế, theo Các quy tắc hướng dẫn trên thì ít nhất các doanh nghiệp cũng cần chứng minh rằng họ tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật ở nước sở tại và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không gây ra những tác động nghiêm trọng đến quyền con người – ngay cả khi luật pháp nước chủ nhà không quy định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm nhận biết khi chính phủ nước sở tại không làm tốt công tác bảo vệ quyền con người, để tránh trở thành người “đồng lõa” với chính phủ nước chủ nhà.

Các quốc gia cũng phải bảo vệ quyền con người thông qua các hành động cụ thể như hoàn thiện chính sách pháp luật để đảm bảo tính đầy đủ, mạch lạc và khả năng thực thi. Các quốc gia cũng nên theo dõi và cân nhắc các tác động đến quyền con người mà các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ nước đó có thể gây ra ở các quốc gia khác – khái niệm này được gọi là “nghĩa vụ ngoài lãnh thổ”. Tuy nhiên, hiện tại, các nghĩa vụ tuân thủ quyền con người ở các nước ASEAN hiện nay chủ yếu chỉ có thể áp dụng với quy mô một nước.

Việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) vào tháng 10/2009 là bước đầu tiên trong quá trình thực hiện “nghĩa vụ ngoài lãnh thổ” của các quốc gia ASEAN. Quy mô khu vực của Ủy ban này có thể góp phần đẩy mạnh việc thực hiện các “nghĩa vụ ngoài lãnh thổ”. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Ủy ban này đã gặp phải nhiều khó khăn do sự cam kết của chính phủ các quốc gia trong việc hoàn thiện luật pháp nhân quyền quốc tế là khác nhau. Do vậy, AICHR chủ yếu tập trung vào vai trò nâng cao quyền con người trong thông qua các hoạt động công bố các nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quyền con người. Các tổ chức xã hội dân sự cũng tỏ ra khá thận trọng khi hỗ trợ AICHR vì bản thân họ cũng khó khăn khi tìm hiểu về các vụ việc nghi ngờ có vi phạm quyền con người trong các doanh nghiệp ở khu vực ASEAN do thiếu một sự ủy thác.

Cần áp dụng trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp

Hiện chưa có giải pháp hiệu quả nào cho việc chuyển đổi kinh tế ASEAN theo hướng công bằng, bền vững, hướng đến toàn dân. Các cơ chế và cách thức quản trị hiện tại có rất nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp có thể lợi dụng và kiếm lời mà không cần quan tâm đến những tác động mà họ gây ra đối với đời sống, sức khỏe và quyền con người. Chính vì vậy, chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và công dân các nước ASEAN cần hành động để thay đổi hệ thống kinh tế hiện nay và hướng tới các mục tiêu đã đề ra.

Điểm mấu chốt để bắt đầu là tập trung hơn vào cách tiếp cận lấy quyền con người làm gốc đối với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Trách nhiệm giải trình doanh nghiệp không nên hiểu là khái niệm thay thế cho trách nhiệm xã hội doanh nghiêp, mà nên hiểu rằng trách nhiệm xã hội sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc và các tiêu chuẩn tối thiểu để từ đó phát triển lên. Do đó, chính phủ với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức dân sự và người dân cần đảm bảo rằng các quy định về xã hội và môi trường là đầy đủ và mang tính thực thi với một hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận.

Khi hội nhập kinh tế trở nên sâu rộng hơn mang theo các dòng đầu tư dịch chuyển về ASEAN thì trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp cần được áp dụng. Hiểu rõ về dạng thức và cam kết về “trách nhiệm ngoài lãnh thổ” sẽ góp phần bảo vệ quyền con người và nhanh chóng đạt được mục tiêu thành lập một ASEAN phát triển công bằng, bền vững và hướng đến toàn dân.