Giảm phát thải mà vẫn phát triển, tại sao không?!

ThienNhien.Net – Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong hai năm qua, nền kinh tế toàn cầu đã tăng 6,5%, trong khi lượng phát thải CO2 từ sản xuất năng lượng và giao thông vận tải không có dấu hiệu gia tăng. Thậm chí, lượng khí thải CO2 tại châu Âu, Hoa Kỳ, và ngạc nhiên nhất là Trung Quốc đã giảm.  Điều này đang làm bừng lên hy vọng về một xu hướng phát triển kinh tế mà không tăng phát thải CO2.

Ảnh minh họa: Adam - Flickr
Ảnh minh họa: Adam – Flickr

Những điểm sáng trong giảm phát thải

Theo phân tích của IEA, lượng khí thải CO2 toàn cầu từ các hoạt động năng lượng đã duy trì ở con số 32,1 tỷ tấn kể từ năm 2013, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu có sự tăng trưởng. Sự khác biệt đáng ngạc nhiên giữa mức độ khí thải và sự phát triển kinh tế dẫn đầu bởi hai quốc gia vốn có lượng phát thải lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ – hai quốc gia đã cam kết giảm phát thải khoảng 1,5%.

Kết quả phân tích của IEA về lượng khí thải toàn cầu cũng tương tự với kết luận của một nhóm các nhà khoa học khí hậu, do GS. Corinne Le Quere thuộc Đại học East Anglia (Anh Quốc) chủ trì. Cả hai nghiên cứu đều công nhận đóng góp lớn của Trung Quốc đối với kết quả này. Theo nhà phân tích chính sách năng lượng Trung Quốc Fergus Green tại Viện Kinh tế Luân Đôn, mức sử dụng than hàng năm của quốc gia này đã tăng hơn 8% từ năm 2000 đến năm 2013, và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng phát thải CO2 toàn cầu. Riêng năm 2011, 80% sản  lượng điện của Trung Quốc sản xuất từ than đá.

Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng về khói mù đã khiến cho nhiều nhà máy nhiệt điệnthan tại Trung Quốc phải dừng hoạt động. Lượng than đốt tại Trung Quốc giảm 3% trong năm 2015, khiến sản lượng điện từ than đốt giảm xuống còn 70%. Mặc dù khí thải từ dầu và khí đốt tiếp tục tăng, nhưng bù lại, Trung Quốc đã nỗ lực giảm nhu cầu về năng lượng bằng cách thay đổi cấu trúc nền kinh tế, hạn chế phát triển các ngành công nghiệp nặng tiêu tốn năng lượng như xi măng và sản xuất thép.

Trung Quốc hiện đang đi theo con đường từng được nhiều quốc gia phát triển thực hiện. Cường độ carbon của các quốc gia thu nhập cao thuộc OECD đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1970, tương đương mỗi USD GDP chỉ phát thải ra một nửa lượng CO2 so với trước đó.

Gần đây, mọi nỗ lực đã có bước tiến xa hơn. Mức phát thải của Hoa Kỳ đã giảm hơn một nửa trong thập kỷ này do thay thế năng lượng than đốt bằng khí tự nhiên và năng lượng gió. Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng thêm 28%, lượng phát thải giảm 6% kể từ năm 2000. Cùng lúc đó, 21 quốc gia tại châu Âu cũng đã giảm phát thải trong khi vẫn duy trì tăng trưởng GDP. Chẳng hạn, tăng trưởng kinh tế của Anh Quốc đạt 27% trong khi lượng phát thải giảm chỉ còn 20% trong giai đoạn 2000-2014.

Theo GS. Corinne Le Quere, mặc dù thế giới đã chạm ngưỡng phát thải CO2 cao nhất từ các nguồn năng lượng, những nỗ lực phát triển kinh tế đi kèm với giảm phát thải từ ba quốc gia phát thải lớn nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cho thấy những dấu hiệu mang tính khích lệ.

Dấu hiệu đầu tiên của xu hướng này đã được phát hiện từ bốn năm trước, khi một báo cáo của Cơ quan đánh giá môi trường Hà Lan và Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (JRC) cho biết trong năm 2012, lượng khí thải CO2 chỉ tăng 1,1% trên toàn cầu, trong khi GDP tăng 3,5%.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến xu hướng giảm khí thải nhà kính là tốc độ phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo. Trong năm 2015, tổng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo như điện gió hay quang năng gấp đôi vốn đầu tư vào các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, theo nghiên cứu của Viện Tài chính và Quản lý Frankfurt. Phần lớn các khoản đầu tư trên là vào các nước đang phát triển, trong đó 36% do Trung Quốc đầu tư.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là giá cả năng lượng giảm do tác động bởi các chính sách khí hậu. Chi phí cho các thiết bị quang điện (phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc) đã giảm 80% trong thập kỷ qua. Mặc dù năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện toàn cầu, đầu tư gần đây vào năng lượng xanh đã cắt giảm khoảng 1,5 tỷ tấn CO2 phát thải hàng năm, tương đương 5% phát thải từ tất cả các nguồn năng lượng khác, bao gồm cả giao thông vận tải.

Sự phát triển của năng lượng tái tạo đang kéo theo sự sụt giảm mạnh trong việc sử dụng than đốt, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Một phần tư các nước thuộc Liên minh châu Âu đã không còn sử dụng than để sản xuất điện.

Quá trình này đang được thúc đẩy bằng một dòng chuyển vốn, khi các nhà đầu tư bắt đầu lo sợ các mỏ than đắt tiền và các nhà máy điện than đốt có thể không có thị trường và trở thành “tài sản bị mắc kẹt” khi năng lượng tái tạo trên đà phát triển và giới hạn phát thải CO2 bắt đầu có hiệu lực. Ngành than đã bắt đầu thiệt hại nặng, trong đó công ty than Peabody Energy lớn nhất tại Mỹ đã vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Nhà phân tích năng lượng Anh Quốc Jeremy Leggett cho biết, tình trạng tương tự có khả năng sẽ diễn ra với các loại nhiên liệu hóa thạch khác. Mặc dù giá dầu thấp hiện nay có thể khuyến khích sử dụng dầu nhưng đồng thời cũng không khuyến khích đầu tư vào các mỏ dầu mới.

Xu hướngtách biệt giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải trên một phần cũng là kết quả của nỗ lực chuyển tỷ trọng công nghiệp nặng sang các quốc gia khác, như Trung Quốc. Nhưng đây mới chỉ là một yếu tố nhỏ. 21 quốc gia Châu Âu có mức giảm phát thải trung bình là 15%, nhưng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp trong GDP chỉ giảm 3%.

Vẫn còn đó những vùng tối

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều giảm phát thải trong phát triển kinh tế. Lượng phát thải vẫn tiếp tục tăng, phần lớn tại châu Á và Trung Đông. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ấn Độ, than vẫn còn được sử dụng rộng rãi. Thậm chí, Ấn Độ đã có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng than vốn đã rất lớn, với biện hộ rằng mức phát thải trên đầu người tại quốc gia này chỉ bằng một phần mười so với Hoa Kỳ. Những người lạc quan cho rằng, Ấn Độ bù lại cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất năng lượng mặt trời trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều xu hướng đi ngược lại mà không được kiểm toán khí thải của IEA bao quát đầy đủ. Nạn phá rừng trong nửa thế kỷ qua là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu, mặc dù đến nay đã giảm. Đáng lo ngại hơn cả khi không hề được đề cập tới trong Hiệp định Paris là phát thải từ ngành hàng không và vận chuyển quốc tế. Kế hoạch mở rộng ngành công nghiệp hàng không có thể khiến tăng gấp ba lần lượng khí thải từ ngành này vào năm 2040. Một khi kế hoạch mở rộng này được triển khai, nỗ lực giảm phát thải trong phát triển tại nhiều quốc gia sẽ hoàn toàn bị sụp đổ.

Ngành công nghiệp hàng không có thể đạt tới thỏa thuận bù đắp phát thải của mình bằng cách đầu tư vào các chương trình bảo tồn rừng của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng ngành hàng không sẽ chỉ đơn tuần tài trợ cho các dự án đã được các chính phủ hứa hẹn như một phần trong kế hoạch đáp ứng các cam kết Paris của họ, điều này không mang lại lợi ích gì cho khí hậu.

Ngoài ra, còn nhiều mối lo ngại về xu hướng của một số loại khí nhà kính khác, đặc biệt là metan – tác nhân đứng thứ hai làm trái đất nóng lên, thành phần chính của khí tự nhiên. Khi bị đốt cháy, khí đốt tự nhiên phát thải ít CO2 hơn than đá. Thế nhưng, nếu hệ thống phân phối rò rỉ một lượng khí đáng kể, tác động của khí metan có thể xóa bỏ lợi ích của việc chuyển từ than đá sang khí đốt.

Một số nhà phê bình cho rằng, lượng khí thải CO2 và các khí nhà kính khác dù có được hạn chế trên toàn cầu vẫn sẽ không thể giúp khắc phục được biến đổi khí hậu. Yếu tố lớn chi phối hiện tượng nóng lên toàn cầu không phải là lượng khí thải hàng năm mà là sự tích tụ của các khí nhà kính trong khí quyển. Trong khi metan có thể biến mất khá nhanh, CO2 vẫn còn tồn tại trong bầu khí quyển qua nhiều thế kỷ. Một số chuyên gia khác lại có quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng dù giảm phát thải trong phát triển kinh tế không thể hạn chế sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức giới hạn 2°C, song nó có thể giúp kéo dài thời gian tìm ra cách giảm lượng CO2 trong khí quyển.