Hội nhập và thay đổi của ngành gỗ sẽ thúc đẩy quản trị rừng tốt hơn

ThienNhien.Net – Bất chấp những khó khăn của thị trường thế giới, kim ngạch gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn liên tục tăng trong những năm gần đây, vươn lên đứng vị trí thứ hai châu Á. Gỗ và sản phẩm gỗ luôn có mặt trong top 10 các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đem lại việc làm, thu nhập cho khoảng 400.000 lao động trực tiếp và hàng triệu nông dân có rừng trồng. Với đà phát triển hiện tại, cùng với xu thế mở rộng hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do, ngành gỗ hứa hẹn rất nhiều triển vọng trong thời gian tới, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, nếu được cải cách đúng hướng, ngành gỗ còn góp phần quan trọng trong việc tạo ra động lực thúc đẩy quản trị tài nguyên rừng bền vững.

Con số từ Tổng cục thống kê cho thấy năm 2015 tiếp tục là một năm thành công của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ước tính kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2015 đạt khoảng 6,9 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2014, gấp 21 lần kim ngạch năm 2000 và gấp 1,7 lần kim ngạch năm 2011. Giá trị này rất gần với mục tiêu 7 tỷ USD trong năm 2020 được đặt ra trong Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp 2006-2020.

Song song với đó, hoạt động nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những năm gần đây có xu hướng giảm. Năm 2004, giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 47% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhưng năm 2015 tỷ lệ này chỉ còn 31%. Điều đáng nói là tỷ trọng gỗ nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng giảm đi nhiều. Cuộc khảo sát năm 2014 cho thấy tỷ trọng này từ mức 80% vào thời điểm 2008 về trước đã giảm xuống mức bình quân 60% tại các doanh nghiệp thuộc Hiệp Hội gỗ Bình Định, 40% tại các doanh nghiệp thuộc Hiệp Hội HAWA và 30% tại các doanh nghiệp thuộc VIFORES.

Thêm tín hiệu vui nữa là các doanh nghiệp Việt Nam hiện có xu hướng nhập gỗ từ các quốc gia và những loài gỗ ít có rủi ro hơn cũng như gỗ được khai thác từ những khu rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC FM). Chẳng hạn nhập gỗ sồi, gỗ dẻ từ Đức, Mỹ; gỗ thông từ New Zealand và Phần Lan; gỗ Tếch có chứng chỉ FSC FM từ Costa Rica; Bạch Đàn có chứng chỉ FSC FM từ Uruguay. Tuy nhiên, trong bối cảnh TPP, khi các ưu đãi chỉ dành cho những sản phẩm làm từ nguyên liệu trong nước hoặc nhập từ các nước nội khối thì việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu nên được ưu tiên từ các nước nội khối TPP xuất khẩu gỗ nguyên liệu là Mỹ, New Zeland, Chile, Australia, Malaysia.

Ảnh minh họa: Hoàng Văn Chiên/PanNature
Ảnh minh họa: Hoàng Văn Chiên/PanNature

Tính đến nay, Việt Nam đã ký 12 FTA và đang tiếp tục đàm phán 4 FTA. Đối tác của 16 FTA này là các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Đại Dương – những thị trường quan trọng nhất trên thế giới, trong đó, bốn thị trường lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong những năm gần đây là Mỹ (TPP), Nhật Bản (VJFTA, TPP), Trung Quốc (FTA ASEAN-Trung Quốc) và EU (EVFTA). Các thị trường này có quy mô rất lớn, chẳng hạn: thị trường đồ gỗ và đồ dùng gia đình của Mỹ có giá trị khoảng 160 tỷ USD/năm, nhu cầu đồ gỗ của các nước châu Âu khoảng 50 tỷ euro/năm, nhu cầu nhập khẩu gỗ của Trung Quốc khoảng 150 triệu m3/năm, quy mô thị trường đồ gỗ Nhật Bản ước khoảng 25 tỷ USD. Những con số này cho thấy cơ hội đầy rộng mở cho thị trường cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, những cơ hội này chỉ biến thành hiện thực khi Việt Nam thực sự thay đổi và đáp ứng được những yêu cầu của các thị trường đó.

Các FTA, bao gồm cả TPP – một FTA thế hệ mới, rất coi trọng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Theo đó, khai thác và kinh doanh gỗ hợp pháp là yêu cầu tiên quyết để gia nhập thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, các FTA không tạo ra nhiều rủi ro đối với ngành gỗ bởi trong nhiều năm trở lại đây, mối quan hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài đã được thiết lập trên cơ sở gỗ nguyên liệu hợp pháp hoặc gỗ nguyên liệu bền vững (là gỗ được khai thác từ những khu rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC FM hoặc PEFC) và hệ thống quản lý chuỗi hành trình gỗ có chứng chỉ FSC CoC. Do vậy, gỗ nguyên liệu tạo nên sản phẩm xuất khẩu đi EU, Mỹ, Nhật Bản luôn là gỗ hợp pháp và gỗ có chứng chỉ và không gặp bất kỳ rủi ro nào khi thực hiện theo các yêu cầu của FTA, bao gồm cả TPP.

Bằng chứng ít rủi ro thứ hai có thể kể tới là từ tháng 4 năm 2010, khi Luật Lacey bổ sung của Mỹ (cấm gỗ bất hợp pháp vào thị trường Mỹ) có hiệu lực thi hành và kể từ tháng 3 năm 2013 khi Quy chế về gỗ 995/2010 (EUTR – cấm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU) có hiệu lực thì chưa một lô gỗ và sản phẩm gỗ nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU vi phạm các quy định trên. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo của thị trường kỹ tính.

Thêm điểm đáng chú ý là hiện nay, mặc dù chứng nhận pháp lý về quyền sử dụng đất chưa được cấp cho 100% diện tích đất lâm nghiệp và vẫn còn tranh chấp đất đai lâm nghiệp, song rủi ro về nguồn gốc xuất xứ cũng không đáng kể bởi những diện tích đất này có tỷ trọng nhỏ, hơn nữa các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đa phần không mua nguyên liệu gỗ khai thác từ các diện tích đất này. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không cần hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận pháp lý về quyền sử dụng đất cho 100% diện tích đất lâm nghiệp. Ngược lại, việc này cần sớm hoàn thành để tạo nên nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu hợp pháp tối đa cho việc mở rộng chế biến gỗ xuất khẩu, mặt khác giúp cho 100% chủ rừng có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ và chuỗi giá trị (gỗ) toàn cầu, trong đó cần ưu tiên hoàn thiện giấy chứng nhận pháp lý về quyền sử dụng đất đối với đất đang có rừng trồng đã hoặc sắp đến tuổi khai thác. Việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền pháp lý về sử dụng đất lâm nghiệp sẽ làm cho mọi khu rừng đều có chủ quản lý với đầy đủ căn cứ pháp lý, giúp chấm dứt vĩnh viễn tình trạng rừng vô chủ, nhờ đó, rừng sẽ được quản lý và bảo vệ tốt hơn. Trong bối cảnh TPP, việc hoàn tất mọi thủ tục pháp lý cho hơn hai triệu ha rừng trồng sản xuất cung ứng nguyên liệu gỗ cho ngành chế biến xuất khẩu sang các nước nội khối sẽ tạo nên tiền đề vững chắc cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu gia nhập TPP có kết quả và hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu (trực tiếp hay gián tiếp) cũng cần hoàn thiện hệ thống quản lý chuỗi cung ứng gỗ để có chứng chỉ FSC CoC – chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm, đồng thời nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh để cạnh tranh thành công trên thị trường gỗ và sản phẩm gỗ quốc tế cũng như giữ vững vị trí phát triển trước làn sóng FDI trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Cuối cùng, một thực tế ngày càng trở nên hiển nhiên là muốn tham gia có kết quả và hiệu quả hơn vào thị trường gỗ và sản phẩm gỗ quốc tế trong khuôn khổ các FTA và TPP, Việt Nam phải thực hiện việc quản lý rừng bền vững, nâng cao sản lượng và chất lượng rừng trồng, sớm tăng nhanh diện tích rừng được chứng chỉ FSC FM. Thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng sẽ không chỉ góp phần nâng cao kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn đưa việc quản lý kinh doanh rừng lên một mức độ cao hơn với các mục tiêu kinh tế, môi trường, xã hội đều được đảm bảo và tuân thủ, góp phần xứng đáng vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Lê Khắc Côi, Viện Gỗ và Lâm sản ngoài gỗ