Quản lý và bảo vệ rừng: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

ThienNhien.Net – Diện tích rừng ở Hà Nội không lớn nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải thiện môi trường sinh thái, phục vụ phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung. Thế nhưng có một thực tế là do nhiều nguyên nhân, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn không ít bất cập cần tháo gỡ kịp thời.

Theo Chi cục Kiểm lâm thành phố, Hà Nội hiện có 3 loại rừng là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Nhìn chung, trong những năm qua, diện tích rừng trên địa bàn thành phố được bảo vệ tốt, hầu như không có tình trạng chặt phá trái phép. Việc khai thác rừng được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. 160516_baoverung

Thực hiện quy chế về phân cấp quản lý rừng, Hạt kiểm lâm ở các huyện có rừng đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng ở địa phương. Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tích cực chỉ đạo tăng cường ứng trực phòng cháy chữa cháy, sẵn sàng cơ động chuẩn bị tốt phương tiện, nhân lực tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt khi có diễn biến thời tiết bất thường (vào mùa nắng nóng và mùa khô hanh).

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội, việc bảo vệ và phát triển rừng Hà Nội phải gắn với phát triển toàn diện và bền vững của các ngành kinh tế và phát triển tổng thể kinh tế – xã hội của Thủ đô. Thành phố chủ trương đối với rừng tự nhiên sẽ bảo vệ diện tích còn lại, làm giàu rừng đối với rừng nghèo kiệt để vừa bảo tồn được các nguồn gen quý hiếm, tính đa dạng sinh học cao vừa phát huy chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường… Đối với rừng trồng và rừng phòng hộ sẽ bảo vệ, nuôi dưỡng diện tích rừng đã đạt tiêu chuẩn nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời cải tạo, nâng cấp rừng bằng các loài cây đa mục đích nhằm thu sản phẩm kinh tế… Đối với rừng sản xuất sẽ làm cho rừng vừa mang lại sản phẩm kinh tế, vừa phòng hộ bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, góp phần phát triển du lịch…

Tuy vậy, việc quản lý và bảo vệ rừng vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc cắm mốc giới và việc giao đất, giao rừng còn chậm. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội (đơn vị có chức năng quản lý, trồng rừng, chăm sóc, duy trì, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc…) cho biết: Đơn vị đang quản lý và bảo vệ rừng tại 8 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Hiện nay, rừng phòng hộ Sóc Sơn vẫn chưa được đo đạc, cắm mốc giới ngoài thực địa. “Đất thổ cư, ruộng vườn và nương rẫy của bà con cố định xen kẽ trong rừng phòng hộ đã gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng” – bà Hằng cho biết. Bên cạnh đó, đến nay, trung tâm vẫn chưa có quyết định giao đất, giao rừng hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Do vậy, trung tâm chỉ có thể ký hợp đồng giao khoán rừng ngắn hạn cho hơn 200 hộ dân.

Không riêng gì Sóc Sơn, ở một số nơi khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo ông Lê Quang Tiến, Hà Nội vẫn chưa triển khai giao đất, giao rừng. Nói đúng hơn, rừng chưa có chủ mà hiện tại đang giao cho UBND các xã quản lý nên dễ có tình trạng buông lỏng. Thực tế, muốn giao được rừng thì phải kiểm kê lại, phân định rõ từng loại rừng, định giá rừng và giao rừng. Đồng thời, việc cắm mốc giới, giao đất, giao rừng cần nhiều kinh phí và phải có lộ trình mới thực hiện được. Những khó khăn trên rất cần được tập trung tháo gỡ để công tác quản lý và bảo vệ rừng đạt kết quả cao hơn.