ThienNhien.Net -Theo GS Đặng Hùng Võ, dự án thủy điện trên sông Hồng dự kiến tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD là mức chi phí nhiều hơn lợi ích nhận được.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng chính phủ về việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với việc làm thủy điện của công ty TNHH Xuân Thiện. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản cho biết Thủ tướng chưa xem xét chủ trương đầu tư dự án này. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được xét duyệt chứ không hẳn là không được xét duyệt.
Việt Nam đầu tư, Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất
Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh). Theo đó, sẽ tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên một số tỉnh miền núi phía Bắc và xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.
Với mức đầu tư như trên, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng phí đầu tư nhiều hơn lợi ích nhận lại. Một loạt các chi phí có thể thấy như chi phí cho tổn thất về xã hội, sinh thái, môi trường và hàng loạt các vấn đề khác. Tuy nhiên, lợi ích nhận lại thì chưa thực sự rõ ràng. Tuyến đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội- Lào Cai vừa mới đưa vào sử dụng, vậy nên tuyến đường thủy trên sông Hồng có vẻ chưa thực sự cần thiết. Nếu xét về tiềm năng thủy điện, nguồn thu đề xuất với 6 nhà máy thủy điện nhỏ, tương ứng với 6 đập có công suất khoảng 228 MW, có thể cung cấp khoảng 1 tỉ KWh mỗi năm.“Nghe có vẻ như hấp dẫn nhưng làm thủy điện trên sông Hồng với chế độ nước như hiện nay cũng không hề đơn giản”- GS Võ lưu ý.
Theo GS Võ, đường thủy trên sông Hồng được khai thông như đề xuất thì người hưởng lợi cuối cùng là tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)- một tỉnh miền núi nghèo, gặp khó khăn về giao thông. Đường thủy trên sông Hồng sẽ mở ra một hướng mới ra biển Đông cho tỉnh này vừa tiện vừa rẻ. Như vậy người được lợi ở đây là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam.
Cả đồng bằng sông Hồng sẽ chịu tác động
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng dự án này nếu được thực hiện sẽ tác động vào nguồn nước của cả miền Bắc Việt Nam. Hơn nữa, sông Hồng có những điều kiện địa lý rất khác, bị đứt gãy thành hai nửa Đông Bắc và Tây Bắc khác nhau hoàn toàn cả về đặc điểm tự nhiên và kinh tế xã hội. Việc đắp 6 đập thủy điện trên sông Hồng sẽ làm thay đổi phân bố kết cấu trên bề mặt trái đất gắn với sông Hồng. “Liệu hoạt động này có kích thích lại các hoạt động địa chất hay không?”- GS Võ lo ngại vì thực tế trên thế giới có nhiều nước khi xây đập thủy điện rất lớn đã làm phân bổ lại sự phân bố trên bề mặt trái đất dẫn đến hiện tượng động đất gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng theo ông Võ, xây 6 bậc thủy điện trên sông Hồng là một vấn đề rất lớn vì nó có thể tác động vào tài nguyên nước, có nguy cơ gây ra các thiên tai như ngập lụt, hạn hán, tác động xấu đến hệ sinh thái vùng sông Hồng. Cụ thể, khi chúng ta khơi sâu hoặc nạo vét lòng sông sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng . Ông Võ cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước bối cảnh hiện nay khi tất cả các dòng sông đều đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống, canh tác của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Bên cạnh những nguy hại trên, theo GS Võ, cần thiết tính đến những tổn thất về mặt xã hội và tính bền vững xã hội nếu thực hiện dự án này.
Theo quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ tác động xã hội của nó sẽ cực kỳ lớn. Ví dụ với dự án thủy điện trên sông Đà mới chỉ có 3 đập thủy điện nhưng cũng không ít loay hoay trong việc tái định cư cho cộng đồng cư dân sinh sống nhờ vào dòng sông.