Đưa làng nghề gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp

ThienNhien.Net – Nhiều làng nghề ở Hưng Yên đang thải ra các chất thải làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của nhân dân cần được các cấp, ngành tỉnh Hưng Yên quan tâm đưa vào cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững.

 Nỗi lo của người dân làng nghề

Đến thôn Trai Trang thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, nơi có nghề truyền thống chế biến lương thực, thực phẩm lớn nhất tỉnh Hưng Yên, anh Đỗ Văn Thành cho biết, thôn Trai Trang có khoảng 150 hộ và doanh nghiệp làm nghề chế biến gạo, tùy theo thời vụ, sản xuất từ 300 đến 500 tấn gạo/ngày. Các hệ thống máy sát, chà đánh bóng gạo hoạt động liên tục phát thải ra bụi, tiếng ồn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân. Liền kề làng nghề Trai Trang, khu vực đoạn dọc quốc lộ 39 dài gần 5 km có gần trăm hộ có nghề đóng thùng, bệ xe ô-tô của xã Trung Hưng và thị trấn Yên Mỹ đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, hoạt động của những hộ đóng thùng bệ ô-tô không những làm ô nhiễm môi trường, còn làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông mỗi khi có xe ra vào các xưởng đóng thùng, bệ… Cử tri thị trấn Yên Mỹ đã kiến nghị nhiều lần với HĐND tỉnh Hưng Yên sớm triển khai xây dựng cụm công nghiệp để đưa các hộ sản xuất, kinh doanh gạo và đóng thùng, bệ xe ô-tô vào đó, nhưng mấy năm nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì?

Làng nghề tái chế chì, thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm là điểm “đen” về ô nhiễm môi trường. Nghề tái chế chì ở thôn Đông Mai có cách đây hơn 30 năm, ban đầu chỉ một số hộ thu mua ắc-quy hỏng, phá dỡ, nấu chì bằng phương pháp thủ công. Sau đó nghề này phát triển lan ra cả thôn, thời điểm cao nhất có tới gần 200 hộ làm nghề. Công việc phá dỡ bình ắc-quy hầu như tại nhà, các hóa chất, chì, axít trong bình chảy ra ngấm vào đất, theo hệ thống tiêu thoát nước chảy vào hệ thống kênh, mương trong thôn xã; việc nấu chì ở ngoài cánh đồng tuôn ra khói, bụi chì… Tất cả những chất thải đó đã làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Khi Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường công bố kết quả khám lâm sàng cho 109 trẻ, phát hiện 24 trẻ em dưới 10 tuổi có hàm lượng chì trong máu cao vượt ngưỡng cho phép đã làm cho nhiều người dân thôn Đông Mai hoang mang, lo lắng.

Tỉnh Hưng Yên có 59 làng nghề, trong đó có tám làng nghề truyền thống. Các làng nghề sản xuất các loại sản phẩm khác nhau được phân theo bốn nhóm: làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản với 21 làng nghề tập trung ở các huyện Văn Lâm, Tiên Lữ; nghề sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ, dệt may, với chín làng nghề có nhiều ở các huyện Văn Lâm, Phù Cừ, Yên Mỹ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 25 làng nghề tập trung ở Khoái Châu, Tiên Lữ, Mỹ Hào; nghề xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác có bốn làng nghề. Hoạt động của các làng nghề đã tạo công ăn việc làm cho hơn 34 nghìn lao động, mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Một số làng nghề sản xuất ra sản phẩm có thương hiệu lớn trên thị trường được tiêu thụ trong và ngoài nước, như: tương Bần, long nhãn, hương thôn Cao… Tuy nhiên, nhiều làng nghề ở Hưng Yên đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên, căn cứ vào Quyết định 64/2003/QĐ -TTg, ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỉnh Hưng Yên có bốn làng nghề, gồm: làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh; làng nghề tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm); làng nghề chế biến bột dong giềng Tứ Dân, xã Tứ Dân (huyện Khoái Châu); làng nghề thuộc da Liêu Xá, xã Liêu Xá (huyện Yên Mỹ) nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý. Ngoài ra, còn có hàng chục làng nghề đang hoạt động sản xuất, kinh doanh thải ra các chất thải gây ô nhiễm môi trường ở các mức độ khác nhau cũng đang cần được xử lý.

Nhiều hộ sản xuất ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm chuyển ra Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai làm ăn hiệu quả, mở rộng sản xuất.
Nhiều hộ sản xuất ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm chuyển ra Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai làm ăn hiệu quả, mở rộng sản xuất.

Đưa các làng nghề vào cụm công nghiệp

Trưởng Ban Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai Nguyễn Minh Thúy cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trong làng nghề thì phải đưa hoạt động sản xuất của các hộ vào cụm công nghiệp. Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai có diện tích hơn 11 ha, đi vào hoạt động được ba năm đã giải quyết được nhiều vấn đề: các hộ di dời sản xuất khỏi làng vào cụm công nghiệp có mặt bằng rộng, xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên, vật liệu, thành phẩm đã giúp giảm tải sản xuất trong làng; góp phần giảm ô nhiễm khu dân cư, đường thôn, ngõ xóm phong quang hơn, giảm ách tắc giao thông.

Phần lớn các hộ ra cụm công nghiệp đều mua sắm thêm máy, móc thiết bị mới, hiện đại, chi phí điện năng giảm, sản xuất mở rộng, doanh thu, lợi nhuận tăng; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động… Do vậy, nhu cầu di dời sản xuất ở làng nghề Minh Khai là rất lớn. Hơn 400 hộ sản xuất trong làng Minh Khai muốn ra cụm công nghiệp nhưng hết đất. Để đáp ứng đủ nhu cầu của làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai cần mở rộng thêm 50 ha nữa…

Phó Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên, Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định xây dựng chín khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 400 ha, trong đó có sáu cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Một số làng nghề đã di rời sản xuất ra cụm công nghiệp đã góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, phát triển ổn định. UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2025, trong đó đến năm 2015 tỉnh Hưng Yên có thêm 17 khu, cụm công nghiệp, mở rộng năm cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 660 ha. Hiện nay, việc triển khai xây dựng khu, cụm công nghiệp để phục vụ di dời làng nghề còn nhiều khó khăn, lúng túng. Ở một số làng nghề, các hộ sản xuất có nguồn lực, muốn di dời sản xuất ra khỏi làng thì chưa có mặt bằng, hoặc có mặt bằng nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu; một số cụm công nghiệp làng nghề đã có mặt bằng nhưng hộ sản xuất trong làng nghề chưa ra, do chưa đủ nguồn lực, hoặc chưa có nhu cầu dẫn đến khu, cụm công nghiệp bỏ hoang, phải cho doanh nghiệp thuê lại; chính sách khuyến khích, nguồn lực hỗ trợ xây dựng cụm công nghiệp chưa hấp dẫn, chưa thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật…

Khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, tỉnh Hưng Yên cần rà soát, tập trung hỗ trợ, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, hỗ trợ di dời sản xuất ở những làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiếp đến lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp ở những nơi người dân có điều kiện về nguồn lực, nhu cầu di dời sản xuất ra khỏi làng, hỗ trợ cho những làng nghề này phát triển để từng bước nhân ra diện rộng.

Tỉnh cần triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường khả thi, phù hợp với từng làng nghề, điều kiện ở địa phương; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hiệu quả, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý cụm công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, công nghệ, vốn vay, thuê đất… nhằm tạo môi trường hấp dẫn để các hộ trong làng nghề tự nguyện di dời sản xuất từ làng vào trong các cụm công nghiệp… Như vậy, làng nghề ở tỉnh Hưng Yên mới có điều kiện phát triển ổn định, bền vững.