Người phát ngôn Chính phủ trả lời một số vấn đề dư luận quan tâm

ThienNhien.Net – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Người phát ngôn của Chính phủ vừa trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.
Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường…

Tăng trưởng GDP quý I năm 2016 chững lại, chỉ tăng 5,46%, thấp hơn so với 6,12% của cùng kỳ năm trước và được cho là có dấu hiệu giảm sút trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn…); đồng thời, Chính phủ lại vừa được kiện toàn với nhiều thành viên mới. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết những giải pháp của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2016?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì phiên họp báo (Ảnh: Nhật Bắc/chinhphu.vn)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì phiên họp báo (Ảnh: Nhật Bắc/chinhphu.vn)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Để ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra (6,7%), Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch năm 2016, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành năm 2016, trong đó tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); kiên quyết xóa bỏ các giấy phép về điều kiện kinh doanh (giấy phép con) không cần thiết.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước; mở rộng mạng lưới tiêu thụ và phân phối sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian. Nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng phát triển du lịch.

Thứ tư, thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Chủ động khai thác các cơ hội, thuận lợi, hạn chế những tác động bất lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam – EU,…

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội dưới các hình thức hợp tác công tư (PPP) phù hợp.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vùng sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả tình trạng hải sản chết bất thường, sự cố môi trường tại một số tỉnh ven biển miền Trung; hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc phát triển nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ hải sản; hỗ trợ gạo, ổn định đời sống cho ngư dân.

Gần đây, sự việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân địa phương và khách du lịch. Xin ông cho biết nguyên nhân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Việc hải sản chết tại một số tỉnh miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và du lịch. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết vụ việc; tập trung vào những nội dung sau:

1. Yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: KH&CN, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương, trong thời gian sớm nhất làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết.

Tuy nhiên, đây là vấn đề khoa học chuyên sâu, có tính liên ngành cao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng huy động lực lượng các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học nước ngoài khẩn trương, sớm kết luận nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học, độc lập.

2. Giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân và hộ kinh doanh hải sản bị thiệt hại; bảo đảm ổn định cuộc sống, không để người dân thiếu đói do phải ngừng nuôi trồng, khai thác hải sản, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn và trường hợp bị thiệt hại nặng.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung điều tra, làm rõ các vi phạm về môi trường tại khu vực miền Trung; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xác định các đối tượng tung tin xuyên tạc, lợi dụng để kích động phá hoại, gây rối an ninh trật tự, chống Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Các bộ, ngành và địa phương trong cả nước tiến hành rà soát, tăng cường kiểm tra thanh tra công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm đúng các quy định về xả thải và quan trắc môi trường.

Giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp, khu công nghiệp xả thải ra môi trường biển, đặc biệt các cơ sở có tổng lượng thải lớn ra môi trường biển, bảo đảm khách quan, khoa học, đúng pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm và khắc phục hậu quả. Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.

5. Giao các bộ, ngành và địa phương liên quan chỉ đạo thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy hải sản, bảo đảm an toàn thực phẩm; nghiêm cấm vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh, sử dụng hải sản chết làm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức.

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, KH&CN, TN&MT và các cơ quan liên quan sớm xác định rõ độc tố (nếu có) trong các loại thuỷ hải sản ảnh hưởng đến sức khoẻ con người; khuyến cáo người dân sử dụng thuỷ hải sản bảo đảm an toàn.

6. Giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ NN&PTNT và các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản triển khai đồng bộ các giải pháp thu mua, tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ đã được xác nhận bảo đảm an toàn. Thiết lập và công bố đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngư dân.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên quan nghiên cứu phương án miễn, giảm, khoanh nợ, giãn nợ những khoản vay cũ và tiếp tục cho vay mới để ngư dân phát triển sản xuất.

8. Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa tin trung thực, chính xác, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái, kích động nhằm ổn định tình hình, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Động viên nhân dân tiếp tục khai thác hải sản xa bờ; phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin và truyền thông về sản phẩm hải sản an toàn, môi trường biển sạch, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh và du lịch tại các tỉnh ven biển miền Trung.

9. Trên cơ sở ý kiến của Bộ KH&CN về nguyên nhân, giao Bộ TN&MT – là cơ quan phát ngôn về vấn đề này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Hiện nay, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đã quyết định hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại (theo Quyết định 49/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg); cấp 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho các hộ đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng; hỗ trợ các tàu khai thác ven bờ không ra khơi được mỗi tàu 5 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ thu mua cá và dịch vụ nghề cá; hỗ trợ tiêu huỷ cá chết.

Một số dự án thuỷ điện đang chuẩn bị khởi công trong các vườn quốc gia, rừng phòng hộ như dự án thủy điện Đrang Phốk trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, hai đập thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 trong khu bảo tồn Kon Chư Răng (Gia Lai) gây lo ngại ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Có ý kiến cho rằng hệ thống hồ đập thủy điện trên nhiều dòng sông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một số hồ ở Tây Nguyên khô kiệt. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với quy hoạch và triển khai xây dựng các dự án thuỷ điện ở khu vực nêu trên?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Nước ta có tiềm năng thủy điện khá lớn, có thể khai thác được khoảng 26.000 MW (khoảng 100 tỷ kWh/năm). Đây là tài nguyên quý của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.

Về công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thủy điện, bảo đảm mục tiêu về phát điện và góp phần phòng chống lũ mùa mưa và điều tiết cấp nước mùa kiệt cho hạ du.

Dự án thủy điện Đrang Phốk nằm trên dòng chính sông Srêpốk thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, quy mô công suất dự kiến là 26 MW có trong Quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt (QĐ số 6404/QĐ-BCT ngày 07/12/2010); tuyến đập dự kiến của nhà máy có nằm trong phạm vi Vườn quốc gia Yok Đôn. Hiện nay, Dự án mới đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư xây dựng; UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo chủ đầu tư lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường Dự án, trình cấp có thẩm quyền (Bộ TN&MT) thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở kết quả thẩm định, sẽ xem xét quyết định việc có triển khai Dự án hay không.

Các dự án thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới được một đơn vị nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xem xét để thực hiện các thủ tục bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến chính thức không thực hiện các dự án này do tuyến đập (khoảng 6ha) nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang.

Về việc đấu thầu thực hiện Dự án đường ống nước sạch sông Đà số 2 như báo chí phản ánh thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc yêu cầu chủ đầu tư Dự án tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc cung cấp vật tư ống gang dẻo cho dự án để nghiên cứu, đánh giá kỹ các vấn đề liên quan đến dự án. Xin hỏi thành phố Hà Nội đã có kết quả nghiên cứu báo cáo Chính phủ chưa? Việc chọn nhà đầu tư cho dự án này sẽ như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của UBND TP. Hà Nội tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo; giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) là Chủ đầu tư dự án tiếp thu ý kiến của UBND TP Hà Nội, chỉ đạo thực hiện Dự án theo đúng quy định (văn bản số 2318/VPCP-KTN ngày 06/4/2016).

Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, VINACONEX và các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó đã tạm dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp ống gang dẻo; xây dựng quy trình kiểm định, nghiệm thu chất lượng vật tư và các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, đánh giá. UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo các sở, ban ngành, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, xem xét kỹ, có đề xuất kiến nghị cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Luật Hàng không (HK) dân dụng Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về HK dân dụng. Đây là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến an toàn con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh.

Việc xem xét, quyết định cấp Giấy phép kinh doanh (GPKD) vận chuyển HK cần được kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08/04/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển HK và hoạt động HK chung, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển HK nội địa và tạo môi trường bình đẳng, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Tháng 9/2015, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air. Do chưa đáp ứng quy định về vốn góp và xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính, hướng dẫn Vietstar Air hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mới đây, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng về việc này; VPCP đang lấy ý kiến cơ quan liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại phiên họp Chính phủ mới đầu tiên sau khi được kiện toàn cũng như trả lời phỏng vấn trên báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều thành viên Chính phủ đã nêu cao quyết tâm cải cách hành chính, quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, từ kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố, dư luận tiếp tục lo ngại về thực trạng tham nhũng, hối lộ vẫn phổ biến và có chiều hướng gia tăng trong khu vực công. Vậy xin Người phát ngôn cho biết Chính phủ có chương trình hành động như thế nào để hiện thực hóa quyết tâm ngăn chặn tình trạng tham nhũng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Tại phiên họp này, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Chính phủ liêm chính.

Chính phủ kiên quyết, kiên trì và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đề ra với phương châm “nói đi đôi với làm và làm thực chất từ những việc nhỏ nhất”. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Trong năm 2016, Chính phủ sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về PCTN giai đoạn 2012-2016 đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó  tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách PCTN và quản lý kinh tế-xã hội, nhất là tăng cường công khai, minh bạch; chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng; mở rộng việc tiếp nhận thông tin, khuyến khích phát hiện tham nhũng, bảo vệ người tố cáo đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng vu khống; làm tốt công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật PCTN để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật PCTN.

Chính phủ cũng như từng thành viên Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động một cách thường xuyên, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm vi phạm. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác PCTN, đồng thời kiến nghị các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác PCTN cũng như theo dõi, giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến giúp Chính phủ thực hiện thành công Chương trình hành động PCTN đã đề ra.

Từ một số vụ việc gây bức xúc dư luận vừa qua như vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cafe “Xin Chào”, bị Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, TPHCM khởi tố, đề nghị truy tố về hành vi vi phạm hành chính; bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, chuyên “chống cát tặc” tại Đồng Nai bị nhân viên bảo vệ rừng đánh và bị công an bắt tạm giam, báo chí dư luận đặt vấn đề về việc lạm quyền trong thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ công quyền ở địa phương. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này và sẽ có giải pháp mạnh mẽ gì để ngăn ngừa những sự việc như trên?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin Chào” bị khởi tố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND TPHCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo công an và đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao chỉ đạo kiểm tra thông tin liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn (C/v số 2754/VPCP-V.I ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ).

Ngày 23/4/2016, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao có văn bản số 48/BC-VKSTC kết luận, chỉ đạo giải quyết vụ án:

– Hành vi của ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép; Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn và công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định.

– Ngày 23/4/2016, Viện trưởng Viện KSND TPHCM đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và Kiểm sát viên Hồ Văn Son, những người trực tiếp tiến hành tố tụng vụ án này.

– Viện KSND Tối cao có chỉ đạo thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

– Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TPHCM chủ động kiểm tra, đánh giá lại vụ án và khi Viện KSND có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, Công an TPHCM đã có quyết định đình chỉ đối với cán bộ có liên quan, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.

Về vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, trú tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (C/v số 2761/VPCP-V.I ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ).

Những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, cũng cho thấy tình trạng một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ nhưng thoái hoá biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực, xử lý công việc thiếu trách nhiệm, tùy tiện, vô nguyên tắc. Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che.

Với tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện ngay một số việc trọng tâm sau đây:

– Tăng cường giáo dục cán bộ, công chức thượng tôn pháp luật; chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ.

– Khẩn trương rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

– Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi công vụ, việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc ứng xử và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

– Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, của báo chí và nhân dân.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc dư luận khi liên tiếp phát hiện các trường hợp như sử dụng hoá chất cho thực phẩm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thực phẩm bẩn,… ảnh hưởng tới sức khoẻ và gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Xin cho biết Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt gì để ngăn chặn, giải quyết triệt để các vi phạm này? Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: An toàn thực phẩm là vấn đề liên quan đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế-xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương đường lối, chính sách pháp luật, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp về tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vừa qua gây bức xúc xã hội, ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo:

Xác định đây tiếp tục là một trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Ngay trong năm 2016 phải tạo chuyển biến rõ nét trong quản lý nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y và xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng. Chấn chỉnh việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phụ gia bảo quản, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, các điểm giết mổ tập trung. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm và hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án điểm.

Đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là của chính quyền địa phương và người đứng đầu. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Có biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về bảo đảm an toàn thực phẩm; công khai thông tin và việc xử lý đối với cơ sở vi phạm, biểu dương kịp thời các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thực phẩm an toàn.

Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nguồn: