Cần hơn 100 năm để “dọn dẹp” tàn tích bom mìn

ThienNhien.Net – Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả bom mìn lớn nhất trên thế giới. Chiến tranh đã qua đi đã lâu nhưng những nguy cơ nghiêm trọng này vẫn âm thầm cướp đi tính mạng nhiều người.

Vụ nổ kinh hoàng nghi do bom nổ ở Hà Đông khiến gần chục người thương vong (Ảnh: Internet)
Vụ nổ kinh hoàng nghi do bom nổ ở Hà Đông khiến gần chục người thương vong (Ảnh: Internet)

Theo số liệu ước tính của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Kết quả dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiếm bom mìn trên phạm vi toàn quốc” cho thấy, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích vào khoảng 6,8 triệu ha. Hiện số bom mìn chưa nổ còn nằm rải rác trên cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.

HIện trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn bom mìn vẫn liên tiếp xảy ra. Theo thống kê, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết. 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Theo ông Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, nguyên nhân tai nạn chủ yếu xảy ra do người dân và trẻ em không có hiểu biết về xử lý về vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ. Đặc biệt, việc dò tìm lén lút phế liệu từ bom mìn cũng là một phần nguyên nhân chính làm tăng số lượng người tử vong và thương tích. Thống kê cho thấy tai nạn do thu nhặt kim loại phế liệu chiếm tới 34%; do canh tác, chăn thả chiếm 27%; do đùa nghịch với vật liệu chiếm 21%..

Gần đây, những vụ việc nổ bom đều xuất phát từ những vụ cưa bom của những người buôn bán, thu mua phế liệu. Ông Nguyễn Anh Thơ (Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, hiện nay luật pháp hoàn toàn nghiêm cấm việc thu gom, tàng trữ vật liệu, thiết bị có khả năng gây cháy nổ, sát thương. Tuy nhiên, có một số có chủng loại bom, đạn, mìn khác lạ, người dân không phân biệt được đã đem bán vào các cửa hàng thu mua sắt vụn. Vô tình, các cửa hàng sắt vụn này cũng không phân biệt được nên mang ra cưa và gây nổ, gây ra thương tích. Điều này là khó tránh khỏi.

Từ những vụ việc trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn và báo cho các cơ quan chính quyền ngay khi tìm thấy bom, mìn hay bất cứ vật thể lạ nào để lực lượng chức năng có biện pháp giải quyết hợp lý, tránh trường hợp thương tâm xảy ra.

Trước những tàn tích và hậu quả mặng nề do bom mìn gây ra, nước ta đã không ngừng thực hiện các dự án tiền tỷ để rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại. Tại một số địa phương như Quảng Trị và Hà Tĩnh, số bom mìn đã thu gom và xử lý được không hề nhỏ. Tại Quảng Trị, 1.645 quả bom, trong đó có nhiều loại bom mìn rất nguy hiểm như các loại bom bi, bom cam, đạn M79, bom MK-82, đạn xuyên, đạn cối, đạn phốt pho, đạn chất độc đã bị rà phá. Còn tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn và Can Lộc (Hà Tĩnh), Trung tâm xử lý bom mìn sau chiến tranh đã chi 4 triệu USD và thu gom được hàng trăm quả bom mìn, vật nổ các loại trong đó có những quả bom cỡ lớn như bom MK 84 khối lượng 900kg, bom M117 khối lượng 337kg, bom MK 82 khối lượng 226 kg…