Rừng Trung Quốc phục hồi có thể là tin buồn với các quốc gia khác

ThienNhien.Net – Rừng Trung Quốc đang bắt đầu hồi sinh sau một thời gian dài suy giảm, tuy nhiên đây chưa hẳn là tín hiệu mừng vì sự phục hồi rừng của Trung Quốc được đánh đổi bằng sự mất rừng ở các quốc gia khác. Điều này được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Michigan (MSU) công bố trong một nghiên cứu mới đây.

Sau nhiều thập kỷ khai thác gỗ, nhiều khu vực rừng Trung Quốc trở nên nghèo kiệt. Nhờ các chương trình tái sinh rừng của chính phủ, rừng Trung Quốc đang dần hồi phục. Thành công này của Trung Quốc đang được nhiều nhà bảo tồn ca ngợi và kêu gọi các quốc gia khác học tập.

Các nhà khoa học đã kết hợp sử dụng hình ảnh từ Google Earth và dữ liệu từ một nghiên cứu của NASA để ghi lại những thay đổi của rừng Trung Quốc. Kết quả cho thấy độ che phủ rừng của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2000 và 2010. Trong đó diện tích che phủ tăng 61.000 dặm vuông (khoảng 158.000 km2) tương đương 1,6 % diện tích rừng của quốc gia này; và chỉ quan sát được rừng bị khai thác trong 14.400 dặm vuông (23.175 km2) tương đương 0,38% diện tích rừng của Trung Quốc.

Ảnh minh họa: nytimes.com
Ảnh minh họa: nytimes.com

Theo ông Andrés Viña, thành viên nhóm nghiên cứu: “Kết quả khảo sát cho thấy công cuộc khôi phục rừng của Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực. Nếu xét một cách độc lập, chương trình bảo vệ rừng của Trung Quốc khá hiệu quả và giúp hấp thụ carbon, phù hợp với các chính sách hướng tới hạn chế biến đổi khí hậu. Nhưng thực tế là thế giới không chỉ có mình Trung Quốc”.

Các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Madagascar vẫn đang khai thác các khu rừng của họ để phục vụ nhu cầu gỗ từ thị trường Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng các vấn đề môi trường liên quan đến phá rừng như sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính chỉ đơn giản là chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác.

Thế giới đang tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa, bao gồm cả các sản phẩm gỗ, từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Số lượng gỗ nhập khẩu và xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc không mấy thay đổi. Do đó, tín hiệu tích cực từ việc bảo tồn rừng của Trung Quốc có khả năng là kết quả của sự suy thoái rừng ở các khu vực khác.