Làm gì nếu trời không mưa?

ThienNhien.Net – Tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL hiện đã lên đến đỉnh điểm trong khi dự báo hết mùa khô 2016 mới có mưa. Ngoài việc chờ Trung Quốc xả đập, các địa phương đã chủ động đưa ra một số giải pháp tự cứu.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, các kênh mương nội đồng đã cạn nước, mực nước tại các sông trung bình chỉ còn khoảng 0,8 m; giao thông đường thủy vùng ngọt hóa tại các huyện Trần Văn Thời và U Minh đã bị tê liệt.

Cà Mau: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Đến thời điểm hiện tại, nắng nóng, xâm nhập mặn làm thiệt hại 49.343 ha lúa, ảnh hưởng sinh trưởng 15.000 ha cây trồng. Đặc biệt, 43.000 ha rừng tràm U Minh Hạ đứng trước nguy cơ cháy tăng theo từng ngày. Trong khi đó, độ mặn tăng cao gây dịch bệnh gần 2.700 ha tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, gấp 3 lần so với cùng kỳ…

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết đã duy tu sửa chữa hệ thống đê bao, các cống ngăn mặn để hạn chế mặn xâm nhập sâu. Bên cạnh đó, kế hoạch nạo vét kênh tăng cường trữ nước phục vụ sản xuất đã được thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh. Về lâu dài, khi cống Cái Lớn, Cái Bé hoàn thành, Cà Mau có thể chủ động đưa nước ngọt từ sông Hậu về.

Trước tình trạng hạn hán dự báo còn kéo dài, trong khi hiện tại tỉnh Cà Mau không còn cách nào khác để có nước ngọt phục vụ sản xuất ngoài việc chờ mưa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phương thức canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã đề nghị các cơ quan chức năng tính toán năng lực vốn của địa phương để đề xuất trung ương hỗ trợ triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ người dân. “Chúng tôi sẽ không để cho người dân đói, khát; sẽ có hỗ trợ kịp thời, phát triển sản xuất. Về lâu dài, triển khai các giải pháp chuyển đổi quy hoạch sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” – ông Hải nói.

Nhiều nơi ở ĐBSCL dùng giải pháp tưới phun mưa cho hoa màu để tiết kiệm nước (Ảnh: Ca Linh)
Nhiều nơi ở ĐBSCL dùng giải pháp tưới phun mưa cho hoa màu để tiết kiệm nước (Ảnh: Ca Linh)

 

Một trong những giải pháp bức thiết nhằm đối phó với hạn hán trong những mùa khô tới của Cà Mau là xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã thống nhất địa điểm xây hồ tại vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ với mức hỗ trợ kinh phí 10 triệu USD. Như vậy, quy mô của hồ nước ngọt cũng sẽ được điều chỉnh thiết kế còn một nửa so với ban đầu, tức rộng khoảng 100 ha.

Khi công trình hoàn thành, địa phương sẽ chủ động được hơn 5 triệu m3 nước phục vụ cho hơn 250.000 hộ dân và phòng cháy chữa cháy rừng U Minh Hạ trong mùa khô. Về lâu dài, nếu đấu nối được với nguồn nước từ sông Hậu dẫn về sẽ bảo đảm được lượng nước ngọt phục vụ người dân quanh năm.

Bạc Liêu: 176 tỉ đồng đắp 503 đập tạm

Tại Bạc Liêu, từ đầu mùa khô đến nay, hầu như không xuất hiện mưa trái mùa, dẫn đến tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sớm và sâu hơn cùng kỳ.

Toàn tỉnh hiện đang thiếu hụt từ 20%-50% lượng nước ngọt.

Hiện tại, mực nước tại các kênh trục, cấp I, cấp II trên địa bàn tiểu vùng giữ ngọt ổn định của tỉnh này đã xuống rất thấp; nhiều công trình kênh nội đồng đã khô cạn trơ đáy, không có nước để bơm, phải đắp đập để bơm chuyền từ hệ thống kênh trục vào kênh nội đồng. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, diện tích lúa đông xuân năm 2015-2016 xuống giống 45.594 ha, đã bị thiệt hại 11.455 ha.

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức đắp 503 đập tạm để bơm chuyền và trữ ngọt. Để bảo đảm việc cấp nước phục vụ sản xuất cho vụ đông xuân cuối năm 2015, đầu năm 2016 và phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, cần phải tiến hành nạo vét 173 công trình kênh mương với tổng kinh phí đầu tư là hơn 120,8 tỉ đồng. Do đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có tờ trình xin Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí hơn 176 tỉ đồng để đắp hệ thống đập tạm bơm chuyền trữ nước ngọt, đầu tư nạo vét một số tuyến kênh thủy lợi bị bồi lắng, bơm tát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thời kỳ cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Kiên Giang: Ngọt hóa, đẩy mặn

Với dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn còn tiếp tục nghiêm trọng và kéo dài đến tháng 6, UBND tỉnh Kiên Giang cùng các cơ quan chuyên môn đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách để cứu lấy hàng ngàn hecta lúa còn chưa thu hoạch và bảo vệ sản xuất cho vụ 3 và vụ hè thu sắp tới, cũng như bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho dân.

Theo đó, tỉnh vừa phân bổ nguồn kinh phí gần 20 tỉ đồng để đắp 4 đập ngăn mặn thời vụ bằng cừ thép larsen. Hiện nay, 2 đập trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên và Rạch Giá – Long Xuyên vừa hoàn thành và đang phát huy hiệu quả. Hai đập còn lại đắp trên kênh Ông Hiển và kênh Cụt, dự kiến hoàn thành trước ngày 30-3.

Ông Tạ Minh Tài – Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang – cho biết toàn huyện hiện có gần 6.300 ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn với tổng số hộ dân bị thiệt hại là 1.484 hộ. Sau khi tỉnh đắp đập ở kênh Rạch Giá – Hà Tiên, tạm thời đã ngăn được nguồn nước mặn xâm nhập. Các địa phương đã điều tiết cống Ba Hòn để xả mặn ra biển. Qua khảo sát, đến thời điểm hiện tại, các tuyến kênh nội đồng trên địa bàn các xã Kiên Bình và Hòa Điền đã ngọt hóa, bảo vệ được 2.000 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng (chuẩn bị trổ bông). Kiên Lương cũng đang chuẩn bị sẵn sàng làm đất, trữ nước ngọt để xuống giống cho vụ hè thu.

“Đến thời điểm này, một số kênh trên nội đồng đã ngọt rồi, có khả năng bảo đảm được nước phục vụ cho vụ sản xuất hè thu tới” – ông Tài khẳng định.

Tại địa bàn huyện Hòn Đất, mặc dù lúa đông xuân đã thu hoạch xong nhưng với tình hình nước ngọt như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện xuống giống vụ thu đông và hè thu. Hiện nay, các huyện ở vùng Tứ giác Long Xuyên như huyện Hòn Đất, Hà Tiên, Giang Thành… đang tranh thủ tháo dỡ các đập tạm trước đó để xả mặn, làm đất.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, khi đắp hoàn thành 4 đập thời vụ này sẽ bảo vệ được hơn 200.000 ha lúa vụ 3 và hè thu của các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, TP Rạch Giá và một phần vùng Tây sông Hậu thuộc huyện Tân Hiệp. Nếu việc đắp đập không kịp thời thì số tiền thiệt hại trong vụ mùa tới sẽ lên tới hàng ngàn tỉ đồng. “Năm nay, chỉ tiêu của tỉnh giao cho ngành nông nghiệp là gần 4,7 triệu tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên tỉnh Kiên Giang đã bị mất mùa và sản lượng lúa đã giảm hơn 200.000 tấn so với kế hoạch đề ra. Để bù đắp vào sản lượng bị thiệt hại, tỉnh nâng diện tích sản xuất vụ 3 lên 120.000 ha, tăng hơn 30.000 ha so với chỉ tiêu đề ra” – ông Tâm thông tin.

Các tỉnh phối hợp chưa tốt

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thanh (tỉnh Vĩnh Long), Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL có cả nguyên nhân do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chủ trì là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng với đó là tính quyết liệt chưa cao, đặc biệt là trong thống nhất quản lý nguồn đầu tư cho khu vực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như các biện pháp ngăn ngừa mặn hiện nay rất là phân tán, tốn kém mà không hiệu quả. Vì vậy, cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc và phải phân công trách nhiệm rõ ràng trong quản lý lưu vực, trong quản lý tài nguyên, trong đầu tư, trong điều chỉnh quá trình sản xuất.

T.Dũng

 

Sử dụng lúa “siêu” mặn

Trong thời điểm hạn mặn gay gắt, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên gieo sạ vụ hè thu ở những mơi bị mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt. Thực tế, trong nhiều năm qua, Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa chịu được độ mặn cao. Đây là thời điểm thích hợp để gieo trồng những giống lúa như thế. Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, viện đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa OM chịu được độ mặn từ 3‰-5‰, cụ thể là OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 2395… Các giống lúa này đã được Bộ NN-PTNT công nhận và được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Trong khi đó, PGS-TS Võ Công Thành – Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ – cho biết bộ môn đã nghiên cứu ra giống lúa “siêu” mặn, chịu được độ mặn đến 10‰. Trong đó, lúa “Một Bụi Đỏ” có khả năng chịu mặn từ 6‰-8‰, lúa “Sỏi” chịu mặn trên 10‰. Ngoài chịu mặn cao, cả 2 giống trên còn chống chịu được rầy, ít nhiễm bệnh. Hiện 2 giống này được sản xuất nhiều nhất ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu với diện tích lên đến 5.000 ha, cho năng suất gần 6 tấn/ha. “Giống “Một Bụi Đỏ” rất mềm cơm, không vỡ khi xay, còn lúa “Sỏi” thì cho hạt gạo thơm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu” – ông Thành cho biết. Trường ĐH Cần Thơ đang phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau nghiên cứu ra giống lúa chịu độ mặn 12,7‰ ở giai đoạn từ sau khi trổ bông, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần.