Biển “nuốt” nhà

ThienNhien.Net – Nhiều người dân ở các làng biển tỉnh Bình Thuận đang ngày đêm nơm nớp lo sợ nhà cửa, tài sản và cả tính mạng bị cuốn trôi theo sóng dữ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, chỉ từ ngày 24-1 đến nay, sóng biển đã gây sạt lở bờ biển tại nhiều khu vực như huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết và thị xã La Gi, làm 70 căn nhà sập hoàn toàn; 350 hộ bị uy hiếp phải di dời; hàng ngàn hộ đang có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại trên 9 tỉ đồng.

Thường xuyên bị xâm thực

Tại các xã Vĩnh Hảo, Phước Thể, Bình Thạnh và 2 thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa của huyện Tuy Phong, chiều dài bờ biển bị sạt lở đã gần 1 km. Trong đó, vào đêm 25-1, riêng tại phu phố 13 và 14 của thị trấn Liên Hương, sóng biển kết hợp triều cường dâng cao đã khiến bờ biển sạt lở hơn 500 m, ăn sâu vào đất liền 20-30 m, làm sập hoàn toàn 29 căn nhà và làm hàng trăm ngôi nhà khác bị đe dọa nghiêm trọng.

 Nhiều khu vực ở tỉnh Bình Thuận bị thiệt hại nặng nề như thế này do biển xâm thực

Nhiều khu vực ở tỉnh Bình Thuận bị thiệt hại nặng nề như thế này do biển xâm thực (Ảnh: Minh Hải/nld.com.vn) 

Tại TP Phan Thiết, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, hơn 4,5 km bờ biển bị sóng xâm thực nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân nơm nớp lo âu. Trong đó, tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, đợt sóng biển kết hợp với triều cường mạnh vừa qua đã khiến 41 căn nhà bị biển “nuốt” hoàn toàn, hàng trăm hộ khác phải di dời khẩn cấp.

Trong khi đó, tại thị xã La Gi, tuyến bờ biển phường Phước Lộc thường xuyên bị biển xâm thực, chiều dài sạt lở đã kéo dài hơn 2 km, có đoạn biển ăn sâu vào đất liền gần 30 m.

Phức tạp và khó lường

Trước tình trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng tại tỉnh Bình Thuận, mới đây, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đến kiểm tra tình hình sạt lở tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nhằm tìm giải pháp khắc phục lâu dài.

Ông Tăng Quốc Chính, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai trung ương, nhận định: “Tình trạng biển xâm thực gây sạt lở bờ biển ở Bình Thuận đang diễn biến phức tạp và khó lường. Do vậy, việc bảo vệ bờ biển chống triều cường xâm thực là nhiệm vụ hàng đầu. Làm kè tạm ngăn triều cường chỉ là giải pháp trước mắt để giữ đất bờ biển nhưng về lâu dài cần tổ chức xây kè kiên cố mới có thể phát huy hiệu quả”.

Việc tổ chức xây bờ kè kiên cố để chống biển xâm thực đã được UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp kinh phí để triển khai. Tuy nhiên đến nay, kinh phí chưa về đủ nên các dự án vẫn chậm. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị đầu tư công trình kè bảo vệ khu dân cư Phước Lộc và kè bảo vệ bờ biển xã Tân Tiến (thị xã La Gi); kè bảo vệ bờ biển thôn Tiến Đức (TP Phan Thiết) với chiều dài 1.000 m, kinh phí khoảng 95 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có kè bảo vệ bờ biển khu phố 14, bờ biển Liên Hương (huyện Tuy Phong).

Thế nhưng, chỉ duy nhất mới có công trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển phường Đức Long (TP Phan Thiết) với chiều dài 550 m, tổng mức đầu tư 230 tỉ đồng là đã được trung ương bố trí 140 tỉ đồng, vẫn còn thiếu 90 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh các dự án kè bảo vệ bờ biển đã được tỉnh nhanh chóng triển khai để ổn định đời sống nhân dân.