Thủy điện phát huy vai trò chống hạn: Khai thác hồ chứa hợp lý

Bài 2: Khai thác hồ chứa hợp lý

ThienNhien.Net – Cứ vào mùa khô, do dung tích các hồ chứa có hạn nên việc điều tiết, khai thác hồ chứa thủy điện một cách hợp lý có vai trò vô cùng quan trọng trong việc vừa đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, vừa cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết qua quá trình vận hành có thể thấy nhà máy thủy điện Buôn Tua Sah đã đảm bảo phục vụ tưới tiêu của người dân dọc sông Srêpôk. Vùng hạ du nơi đây trồng được ngô, khoai mà không bị ảnh hưởng của ngập lụt.

Hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3 (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3 (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Mùa khô ở Tây Nguyên, đến tháng Tư là nước sông cạn nhưng từ tháng 12 năm trước, hồ Buôn Tua Sah đã tích được nước, tăng giờ vận hành của các nhà máy thủy điện phía dưới, đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng hạ du.

Nếu thủy điện Buôn Tua Sah ngừng phát điện thì các nhà máy thủy điện phía dưới cũng phải ngừng theo vì không có nước. Vì vậy, mục tiêu đặt ra trong các tháng còn lại của mùa kiệt năm nay đối với Công ty Thủy điện Buôn Kuốp là đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du các hồ chứa, nhất là hồ chứa Buôn Tua Srah.

Đối với hồ chứa Buôn Kuốp và Srêpôk 3 sẽ điều tiết lưu lượng xả cân bằng với lưu lượng nước đến hồ.

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng được phép tách các nhà máy ra khỏi thị trường điện kể từ ngày 8/3 vừa qua để chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du trong mùa khô năm 2016.

“Căn cứ tình hình lưu lượng nước về các hồ chứa và nhu cầu sử dụng nước của các địa phương, Công ty sẽ kiến nghị với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia có chế độ khai thác hồ chứa hợp lý,” Phó Giám đốc Nguyễn Tấn Triết chia sẻ.

Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và huyện Buôn Đôn về việc tổ chức lễ hội đua voi từ ngày 12-14/3, Công ty đã điều tiết các hồ chứa đảm bảo lưu lượng trên sông Srêpôk theo yêu cầu của lễ hội.

Krông Nô là huyện nằm ở vùng cao phía Đông Bắc của tỉnh Đắk Nông gắn liền với hai con sông Krông Nô và Srêpôk. Ông Doãn Gia Lộc Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận xét, các nhà máy thủy điện có nhiệm vụ tích nước, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du.

Từ khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động thì huyện đã khai thác được hết diện tích bán ngập từ trước và tăng được diện tích sản xuất như hiện nay lên trên 43.000ha.

Theo ông Doãn Gia Lộc, hai năm trở lại đây, ngay từ đầu tháng 12, vào mùa hạn, căn cứ vào lịch sản xuất, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cùng các Sở ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước từ các nhà máy thủy điện để các địa phương chủ động bơm tưới.

Ảnh: Lê Sen/TTXVN
Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Nhận định lượng nước các hồ dự trữ không đủ để xả về hạ du theo yêu cầu là 195m3/s trong mùa cạn, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường về tình hình thiếu nước và đề xuất lưu lượng xả về hạ du để đảm bảo duy trì được dòng chảy đến hết mùa kiệt.

Ông Nguyễn Đăng Hà, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San cho biết, về cơ bản, Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã thống nhất giảm lưu lượng xả về hạ du theo số liệu tại các báo cáo của Công ty, vì không ảnh hưởng đến yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khu vực hạ du. Đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đang xem xét để ban hành lệnh vận hành hồ Sê San 4 trong thời gian tới cho phù hợp.

Đối với các công trình thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, KrôngH’Năng, do tình hình lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện không đảm bảo duy trì mực nước hồ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, theo ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty điều tiết vận hành chạy máy phát điện nhiều lần trong ngày để các trạm bơm đủ thời gian bơm nước chống hạn và cố gắng đáp ứng khả năng cao nhất cung cấp nước chống hạn theo tình hình lưu lượng nước thực tế về hồ và theo yêu cầu của địa phương.

Riêng hệ thống thủy nông Đồ ng Cam, công trình lấy nước trên sông Ba, cấp nước tưới cho vụ Đông Xuân từ ngày 1/12 đến ngày 15/4 năm sau và vụ Hè Thu từ ngày 15/5 đến ngày 15/9 hàng năm , nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ phải phối hợp vận hành phát điện đảm bảo lưu lượng thường xuyên 35-40m3/s.

Huyện Sơn Hòa (Phú Yên), diện tích tưới dọc sông Ba là 340ha với lưu lượng cần 0,7m3/s nhưng nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ phải cung cấp khoảng 40m3/s.

Trong những năm qua, Công ty Thủy điện Ialy đã phối hợp tốt với địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong điều tiết nước và sản xuất trên đất bán ngập lòng hồ thủy điện Ialy với các xã thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Ngoài ra, hằng năm Công ty cũng luôn tuân thủ quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San, Quy trình vận hành đơn hồ và các quy định về điều tiết hồ chứa.

Phó Giám đốc Công ty Lê Văn Thuyết cho biết, trong mùa khô hàng năm, Công ty đã thông báo cho địa phương lưu lượng xả trong 10 ngày trước, dự kiến lưu lượng nước về, xả về hạ du trong 10 ngày tới.

Riêng mùa khô năm nay, Công ty Thủy điện Ialy chủ động cùng các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Sê San phối hợp với địa phương điều tiết các hồ chứa để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khu vực hạ du.

Dự kiến lưu lượng trung bình xả nước về hạ du từ tháng 3-6/2016 là khoảng 143m3/s.