“Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” (Kỳ 2)

Kỳ 2: Thôn nghèo bám trụ với rừng

ThienNhien.Net – Để giữ được những cánh rừng Tát Kẻ nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý đến ngày nay không thể không nhắc đến đóng góp lớn lao của hàng chục hộ dân thôn Tát Kẻ, xã Khau Tinh. Từ hàng đời, rừng Tát Kẻ đã như mái nhà chung của cả thôn. Mái nhà chung ấy được người dân đồng lòng gìn giữ, cho dù cuộc sống của họ vẫn chưa thoát nghèo.

Dù đất sản xuất rất ít nhưng người dân thôn Tát Kẻ không hề xâm hại đến rừng.

“Thôn cô đơn” trong lòng Khu bảo tồn

Phải mất 30 phút đi thuyền máy trên vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang và gần 2 giờ đi bộ xuyên qua những cánh rừng mai, rừng hốc chúng tôi mới đến được thôn Tát Kẻ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ lợp bằng mái phi -bờ- rô- xi măng đã được xây dựng cách đây gần 20 năm, ông Phùng Văn Phăm, trưởng thôn Tát Kẻ giới thiệu: “Cả thôn chúng tôi chỉ vỏn vẹn 29 hộ, với 122 nhân khẩu sinh sống. Trước đây khi chưa đóng cửa rừng nơi này là khu định cư của cán bộ lâm trường khai thác gỗ. Bà con ở đây phần lớn là dân tộc Tày và Dao, người Kinh chỉ có vài hộ. Nếu tính theo chuẩn nghèo mới thì thôn còn 20 hộ nghèo. Thu nhập bình quân hàng tháng theo đầu người của cả thôn khoảng hai trăm nghìn đồng”.

“Với thu nhập như vậy thì cả thôn là nghèo rồi” – Tôi nói xen vào. Ông Phăm cười xòa rồi buông giọng: “Ở đây có ai giàu đâu.  Ngay gia đình tôi cũng là hộ nghèo, nhưng tôi là cán bộ nên không đăng ký thôi. Xung quanh toàn là rừng cấm tất. Đất canh tác của thôn chỉ có hơn 20ha, bà con chủ yếu là trồng ngô, sắn, một vài hộ trồng thêm lạc nhưng năng suất thì cũng được chăng nhờ giời”.

Dẫn chúng tôi ra cổng, bên ruộng ngô xanh mướt đang trổ hoa, ông Phăm cho biết: “Ở đây chỉ trồng ngô, ruộng có rất ít và cũng chỉ trồng được một vụ vì thiếu nước. Nước ăn chúng tôi còn phải vào tận rừng sâu bắc ống dẫn về mới có”.

Từ bản Tát Kẻ ra tới trung tâm xã Khau Tinh khoảng 12km đường rừng núi, xe máy không đi nổi, chưa kể có những đoạn cheo leo vách đá, có khúc phải chèo thuyền qua hồ thủy điện. Tuy đã quen đường, nhưng mỗi lần ra thị trấn hay đi chợ, bà con mất ít nhất cũng ba giờ đồng hồ. Vì vậy, mọi nhu yếu phẩm ngoài những thứ bà con tự cung tự cấp được, còn thiếu thốn nhiều.

Cách công trình thủy điện Tuyên Quang lớn thứ ba của Miền Bắc chỉ vài km đường chim bay, người dân thôn Tát Kẻ vẫn lụi cụi lắp những cụm “thủy điện siêu nhỏ” trên ghềnh suối. Mỗi nhà được cấp hạn ngạch một bóng đèn. Vì nhiều nhà dùng chung một máy phát, cộng với đường dây điện dài vài cây số nữa nên khi thắp lên chúng chỉ sáng đỏ màu tôm rang, không xóa bớt được cái mịt mù của bóng tối.

Thôn chưa có trạm y tế, có một ngôi trường nho nhỏ bằng gỗ được dựng nên. Nếu con em thôn Tát Kẻ cố gắng theo được thì sẽ học đến lớp 4, học cao hơn thì phải ra ngoài thị trấn. Ấy vậy mà việc vận động cho các cháu được học hành đầy đủ đến lớp 4 ngay tại thôn vẫn còn chật vật. Cũng phải thôi, vì đi lại xa xôi và khó khăn quá. Thôn có 8 người mù chữ, trước đây đã được xóa nhưng có lẽ do ít có dịp dùng đến cái chữ nên họ lại tái mù.

Dân nghèo giữ rừng

Quanh thôn Tát Kẻ là mênh mông núi rừng. Trên những cánh rừng đó có nhiều loài gỗ quý, nhưng với bà con Tát Kẻ, rừng Nhà nước nghĩa là không xâm phạm.

Đất canh tác ít ỏi, những căn nhà dựng đã khá lâu, trông đã cũ và đã có dấu hiệu mối mọt, nhưng tuyệt nhiên bà con không hề động đến rừng của Nhà nước, vì theo họ: “Đó là rừng cấm, Nhà nước nói cần bảo vệ, nếu làm nhà phải xin giấy rất khó nên khi nào nhà chưa sập thì vẫn cứ ở vậy.”

Ông Lê Công Viên, Kiểm lâm viên thuộc Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Tát Kẻ – Bản Bung đóng trên địa bàn cho biết: “Người dân ở đây rất yêu quý rừng, đã lâu không xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật ở đây. Bà con ở đây nhận thức rất tốt, có người lạ đến là họ báo ngay cho kiểm lâm”.

Ông Phùng Văn Phăm, trưởng thôn Tát Kẻ "Dân chúng tôi thà nghèo chứ không để mất rừng".

Ở nơi nào cũng vậy thôi, người dân sống gần rừng hẳn phải phụ thuộc vào rừng. Nhưng họ lấy những gì từ rừng, điều đó diễn ra ở mỗi nơi một khác. Tôi nhận thấy ở Tát Kẻ, bà con  hạn chế được việc sử dụng cây rừng để phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, bà con thường chỉ vào rừng lấy rau và măng.

Nội dung tuyên truyền của kiểm lâm Khu bảo tồn có lẽ cũng đã ngấm vào bà con. Nhiều người dân chúng tôi gặp và trò chuyện họ đều vanh vách giải thích, rằng nếu bảo vệ rừng tốt thì rừng sẽ cho nước vào mùa khô, cản lũ ống, lũ quét vào mùa mưa, có nước thì mới có điện thắp sáng và trồng lúa được v.v.

Ông trưởng thôn bấm ngón tay tính rồi cho chúng tôi hay toàn thôn có khoảng 48 con trâu, 92 con lợn, gà vịt thì không đáng kể. Bà con nuôi chủ yếu phục vụ cho các ngày lễ lạt, tết nhất chứ cũng không buôn bán. Sản phẩm đem ra chợ thị trấn bán cũng chỉ là ngô, ít lúa hay mấy thứ rau rừng như củ ba mươi, măng rừng, mua về mắm muối.

Cuộc sống của người dân thôn Tát Kẻ đơn giản như cây rừng, trời cho thế nào biết thế ấy. Biết là nghèo nhưng họ vẫn cam chịu. “Người dân chúng tôi ở đây nghèo cũng là vì rừng đó. Chúng tôi sống giữa rừng nhưng không được sử dụng rừng. Nghe theo cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng của Nhà nước, chúng tôi không khai hoang ruộng nương nữa. Dân ngày một nhiều, chúng tôi nghèo cũng là đương nhiên thôi. Giữ được rừng cho nhà nước dân chúng tôi nghèo cũng được, lần nào họp thôn bà con cũng đồng ý với tôi như vậy”.

Mặc dù vô cùng khâm phục sự an phận của bà con, nhưng tôi vẫn thầm mong Ban Quản lý Khu Bảo tồn hoặc chính quyền xã sẽ tìm được dự án đầu tư vào thôn Tát Kẻ. Mong sao các nhà quản lý quan tâm hơn đến cuộc sống của 29 hộ dân nghèo nơi đây. Giúp họ có được nguồn sống ổn định và được hưởng những dịch vụ cơ bản chăm sóc sức khỏe, học hành. Họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng những điều ấy.