Cần có tầm nhìn chiến lược

ThienNhien.Net – Nguyên nhân của đợt hạn mặn lịch sử năm nay được xác định là do diễn biến cực đoan của hiện tượng El Nino. Các chuyên gia cảnh báo, trong tương lai gần, nếu như 11 đập thủy điện ở hạ lưu sông Mê Kông được vận hành sẽ tạo nên một “tác động kép”, khiến cho vùng ĐBSCL phải gánh chịu những thiệt hại khốc liệt.

6/13 tỉnh, thành công bố thiên tai…

Ngay từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta và theo dự báo của cơ quan chức năng, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino dài nhất được ghi nhận ở nước ta. Trong thời gian còn lại của mùa khô, ở ĐBSCL, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,50C, cao nhất đạt 33-370­­C, mùa mưa sẽ đến muộn, lượng mưa thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%; dòng chảy hệ thống sông thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%.

Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ TBNN gần 2 tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Hiện đã có 6/13 tỉnh vùng ĐBSCL công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An và Cà Mau. Đặc biệt, đã có hàng trăm ngàn hécta lúa, vườn cây ăn trái bị thiệt hại, gần 1 triệu dân thiếu nước sử dụng. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang, con số thiệt hại do hạn mặn gây ra đã lên đến 1.200 tỉ đồng và sẽ chưa dừng lại ở đó…

Ruộng đồng nứt nẻ do hạn mặn gây ra tại vùng ĐBSCL (Ảnh: Trần Lưu)
Ruộng đồng nứt nẻ do hạn mặn gây ra tại vùng ĐBSCL (Ảnh: Trần Lưu)

“Hiểm họa kép” từ thiên tai và các đập thủy điện

Ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang – cho biết: Nếu chỉ hạn hán xảy ra còn dễ đối phó, bởi sau đó, khi có nguồn nước là có thể khôi phục sản xuất. Còn khi mặn đã xâm nhập thì 10 năm sau kinh tế không phát triển được bởi những tác động xấu đến môi trường, đất đai. Th.S Nguyễn Ngọc Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập tại ĐBSCL – phân tích: “Hiện tại, 11 đập thủy điện thuộc hạ lưu sông Mê Kông đều chưa hoàn thành, trong khi các đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến phù sa, không gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn nước đổ về ĐBSCL. Do vậy, đợt hạn mặn lịch sử năm nay không phải xuất phát từ các đập thủy điện mà do những diễn biến cực đoan của hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, trong lương lai, khi tất cả các đập thủy điện được vận hành, nhà đầu tư sẽ tích nước để phát điện, nếu gặp phải năm hạn mặn nghiêm trọng như lần này thì ĐBSCL sẽ gánh chịu “tác động kép” với những thiệt hại khốc liệt. Các Cty bỏ tiền đầu tư, mục đích của họ là làm sao tối đa hóa lợi nhuận chứ không nghĩ đến lợi ích chung của dòng sông” – ông Thiện nói.

Th.S Thiện cho biết: Tác động từ các đập thủy điện của Trung Quốc sẽ làm giảm khoảng 50% lượng phù sa đổ về ĐBSCL mỗi năm (75 triệu tấn xuống còn 42 triệu tấn). Điều này sẽ trái ngược với quy luật kiến tạo vùng ĐBSCL, làm giảm nghiêm trọng khả năng chống chọi của vùng mỗi khi năng lượng sóng biển đập vào. “Trong tương lai, khả năng ĐBSCL bị xóa mất trên bản đồ là hoàn toàn có thể” – Th.S Thiện báo động.

Các chuyên gia khuyến cáo đã đến lúc con người cần chủ động học cách “thích ứng” với thiên tai nhiều hơn là “đối phó” kém hiệu quả. TS Dương Văn Ni – chuyên gia nghiên cứu Trường Đại học Cần Thơ – dẫn chứng: Mỗi năm, nước lũ đổ về ĐBSCL mang theo những nguồn phù sa, thủy sản dồi dào, góp phần vệ sinh, rửa mặn cho đồng ruộng. Nhưng về sau, không ít người xem nước lũ là kẻ thù, rồi hàng loạt hệ thống đê bao khép kín được dựng lên để đuổi nước đi cho bằng được. Để bây giờ, nước lũ vốn đã khan hiếm theo từng năm nay lại càng khan hiếm gay gắt hơn. “Nếu là nước mặn, chúng ta có thể chuyển sang nuôi tôm, hoặc tìm cá giống cây trồng và vật nuôi thích ứng với điều kiện thiên tai khắc nghiệt thay vì cứ khăng khăng trồng lúa vào mùa khô hạn như hiện nay” – TS Dương Văn Ni nói.

Các chuyên gia cảnh báo: Ứng phó với hạn mặn đang cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, nhưng phải thật bình tĩnh. Nếu dồn hết công sức và tiền của, sẽ rất dễ bị “lệch pha” vì đây là đợt thiên tai khoảng 100 năm mới xảy ra một lần. “Về lâu dài, chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược cho tương lai, nhưng mốc thời gian có thể chỉ trong 20 hoặc 30 năm một lần là hợp lý” – Ths Thiện đề xuất.