Vườn Quốc gia hay Khu du lịch quốc gia?

ThienNhien.Net – Nếu ví Côn Đảo như một “cơ thể” thì cơ thể này đang khoác hai chiếc “áo” rất lộng lẫy, một đậm chất bảo tồn, một thiên hướng phát triển du lịch.

Một “cơ thể” có hai “áo khoác” lộng lẫy 

Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo, có tổng diện tích tự nhiên trên các đảo nổi 7.600 ha, trong đó Côn Sơn là hòn đảo lớn nhất có diện tích 5.152 ha[1].

Côn Đảo nổi tiếng ở trong nước và quốc tế bởi có Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt – nhà tù Côn Đảo. Trong đó, VQG Côn Đảo được thành lập theo Quyết định số 135/TTg ngày 31/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) có tầm quan trọng quốc gia.

Tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó VQG Côn Đảo được tiếp tục quy hoạch là một trong 34 VQG. Diện tích VQG Côn Đảo trên các đảo nổi chiếm 78,8% tổng diện tích của cả quần đảo.

Trong các VQG của Việt Nam, Côn Đảo là một trong số ít VQG có cả 3 hệ sinh thái: rừng, đất ngập nước và biển. Hợp phần rừng chứa đựng các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia với các loài thực vật, động vật rừng đặc hữu, quý, hiếm, đã được Thủ tướng Chính phủ xác lập là một khu rừng đặc dụng. Hợp phần biển chứa đựng các tài nguyên sinh vật biển quý, hiếm, đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là một trong 16 khu bảo tồn biển tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 và được Ngân hàng Thế giới xếp vào danh sách các khu bảo tồn biển tiêu biểu toàn cầu (1995). Hợp phần đất ngập nước chứa đựng các tài nguyên thiên nhiên hoang sơ, quý, hiếm, đã được công nhận là khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới và khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam.

Để bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng Côn Đảo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển VQG Côn Đảo giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, VQG Côn Đảo được giao nhiệm vụ (i) bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên nhằm xây dựng VQG trở thành trung tâm bảo tồn ĐDSH có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế; (ii) bảo vệ rừng nhằm gia tăng độ che phủ, góp phần bảo vệ đất và duy trì sự sống trên đảo; (iii) sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng nhằm xây dựng Côn Đảo trở thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, đạt tầm cỡ quốc gia, khu vực, quốc tế.

Để phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Côn Đảo đến năm 2030. Trong đó, quy định phát triển Khu DLQG Côn Đảo trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về tài nguyên biển, rừng của VQG Côn Đảo, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái (DLST), nghỉ dưỡng cao cấp.

Như vậy, Côn Đảo đã có hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một liên quan đến quản lý bảo vệ và phát triển bền vững VQG Côn Đảo, một liên quan đến sử dụng tài nguyên của VQG Côn Đảo để phát triển DLST và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Cả hai quyết định này đều xác định mục tiêu xây dựng Côn Đảo (trong đó có VQG Côn Đảo) trở thành trung tâm bảo tồn ĐDSH và trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Nếu ví Côn Đảo như một “cơ thể” thì cơ thể này đang được khoác hai chiếc “áo” rất lộng lẫy.

Hồ sen trong Vườn quốc gia Côn Đảo (Ảnh: chinhphu.vn)
Hồ sen trong Vườn quốc gia Côn Đảo (Ảnh: chinhphu.vn)

Mặc cả hai “áo khoác” hay chỉ một?

Về lý thuyết, có nhiều tài liệu đã nói trong bảo tồn có phát triển, trong phát triển có bảo tồn. Nhưng trên thực tế bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế thường mâu thuẫn nhau, nhất là ở những nước hay những địa phương nghèo, kém phát triển. Tình trạng này xảy ra khi bảo tồn thiên nhiên chưa được quan tâm hoặc có quan tâm nhưng không có đầu tư hợp lý, thường khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà chưa chú trọng đến cân bằng sinh thái.

Trở lại trường hợp VQG Côn Đảo, Quyết định 120/QĐ-TTg chỉ đạo VQG phải bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên để làm cơ sở sử dụng tài nguyên của hệ sinh thái một cách hợp lý. Còn Quyết định 870/QĐ-TTg chỉ đạo địa phương phát triển kinh tế du lịch dựa trên việc sử dụng hợp lý các giá trị của hệ sinh thái này. Cùng một mục tiêu nhưng hai cách tiếp cận. Côn Đảo sẽ thực hiện theo cách tiếp cận nào hay theo cả hai? Ví như mặc cả hai “áo khoác” hay chỉ một? Dĩ nhiên phải thực hiện cả hai vì đều là quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến dự án mở đường du lịch xuyên VQG Côn Đảo, trong đó có việc phải phá một số diện tích rừng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt phía Tây Bắc VQG, chúng ta cần xem xét sự việc dựa trên cách tiếp cận nào của một trong hai quyết định nói trên. Liệu con đường này có góp phần đưa Côn Đảo trở thành một trung tâm bảo tồn ĐDSH hay một trung tâm du lịch có đẳng cấp quốc gia và quốc tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không?

Lâu nay, sự tăng trưởng và phát triển kinh tế vẫn được đo trên thang giá trị là tiền tức vốn đầu tư cho phát triển nhưng việc tính giá trị bằng tiền cho hệ sinh thái và ĐDSH lại tương đối khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện theo cách tiếp cận nào cũng phải tính toán trong vốn đầu tư cho một sản phẩm du lịch đạt đẳng cấp quốc tế có bao nhiêu phần trăm đóng góp của hệ sinh thái và ĐDSH. Tiếc là chưa có ai tính xem phần diện tích của VQG Côn Đảo chiếm 78,8% Côn Đảo mang lại những lợi ích kinh tế gì. Các nhà bảo tồn thì thường quan tâm nhiều hơn đến giá trị sinh học trong khi các nhà quản lý lại chú trọng hơn tới các giá trị kinh tế.

Tạp chí New York Times (11/2010) từng nhận xét Côn Đảo là một trong những điểm đến ấn tượng nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) trong hai năm liền (2011-2012) cũng đã bầu chọn Côn Đảo là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới để hưởng một kỳ nghỉ lãng mạn. Vậy làm sao có thể biến cơ hội này thành những sản phẩm du lịch có đẳng cấp, trong đó vốn đầu tư cho “ấn tượng”, “bí ẩn”, “lãng mạn” gồm cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa ứng xử với tài nguyên đó cũng có đẳng cấp. Tại sao cần đẳng cấp? Bởi những người có đẳng cấp sẽ biết mua những sản phẩm du lịch có đẳng cấp và họ cần những người biết làm ra những sản phẩm du lịch có đẳng cấp.

Làm sao để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển?

 Trước hết là nhận thức và phối hợp. Có hai chủ thể ở Côn Đảo: UBND huyện Côn Đảo là đơn vị hành chính của địa phương và Ban quản lý VQG Côn Đảo là tổ chức chủ rừng do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trực tiếp quản lý. Cả hai tổ chức này cần nhận thức đầy đủ về giá trị, đẳng cấp của thiên nhiên Côn Đảo và cùng ngồi lại để thảo luận xem cần làm những việc gì để xây dựng Côn Đảo trở thành trung tâm bảo tồn ĐDSH và khu du lịch có đẳng cấp quốc gia và quốc tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu nhìn trên không gian thì 78,8% diện tích Côn Đảo được quản lý theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật Đa dạng sinh học (2008) và Luật Đất đai (2013) với những quy định chặt chẽ về bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH và sử dụng đất rừng đặc dụng. Chỉ có 21,2% diện tích là nơi phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế. Muốn phát triển kinh tế thì phải có vốn đầu tư và có đất. Do đó, những người có trách nhiệm ở Côn Đảo hãy sớm ngồi lại với nhau với sự hiểu biết về giá trị thiên nhiên và lịch sử Côn Đảo, thiện chí và cơ chế phối hợp để gắn kết giữa quy hoạch bảo vệ và phát triển bền vững VQG Côn Đảo (do Ban quản lý VQG Côn Đảo chủ trì) với quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Côn Đảo (do UBND huyện Côn Đảo chủ trì). Đó là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để tạo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển một quần đảo đầy ấn tượng, bí ẩn và lãng mạn.

TS. Nguyễn Chí Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và Đất ngập nước

[1] Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Nguồn: