Nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia bị “xẻ thịt”: Vì đâu nên nỗi?

ThienNhien.Net – Thời gian qua, các dự án xây dựng như đường giao thông, khu du lịch hay resort trong các khu bảo tồn, vườn quốc gia (VQG) được đề xuất, triển khai khá rầm rộ bao gồm cả có phép lẫn không phép. Theo một số chuyên gia, sự “bùng nổ” này bắt nguồn từ việc kế hoạch quản lý khu bảo tồn, vườn quốc gia còn nhiều bất cập, thậm chí có khi chỉ nằm trên giấy.

Resort xây dựng trái phép tại VQG Ba Vì. Ảnh: Internet
Resort xây dựng trái phép tại VQG Ba Vì. Ảnh: Internet

Diện tích bị “ăn” dần

Gần đây, các đề xuất như dự án xây dựng đường giao thông trong VQG Cát Tiên, VQG Côn Đảo, Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cần Giờ hay cho thuê và chuyển đổi rừng để phát triển khu du lịch tại VQG Phú Quốc, VQG Hoàng Liên Sơn, bán đảo Sơn Trà và mới nhất là việc xây dựng resort trái phép tại VQG Ba Vì đã thu hút đông đảo dư luận.

Phát biểu tại chương trình Nhịp cầu báo chí số 12 do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức sáng 2-3 với chủ đề: “VQG và khu bảo tồn Việt Nam dưới sức ép phát triển: Hiện trạng và những bất cập chính sách, TS. Vũ Ngọc Thành, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Nhìn riêng từ góc độ của bán đảo Sơn Trà dễ thấy, diện tích khu bảo tồn đang dần bị thu hẹp.

Theo quy hoạch, Khu bảo tồn Sơn Trà rộng 4.000 ha nhưng nay chỉ còn 2.000 ha, trong đó 1.000 ha là còn rừng. Đáng chú ý là diện tích Khu bảo tồn sẽ ngày càng bị thu hẹp bởi Công ty Cát Tiên Sa chuẩn bị lấy 140ha/1.000 ha còn lại để làm resort. Dự kiến, sẽ có những tòa nhà cao tới 40 tầng mọc lên. Được biết, dự án xây dựng resort này đã được ký phê duyệt từ cách đây gần 10 năm nhưng không hề có báo cáo đánh giá tác động môi trường. “140ha được phê duyệt xây resort này là nơi ăn ở của 7 đàn Voọc chà vá bao gồm 700 cá thể, chiếm 1/3 đàn Voọc chà vá trên bán đảo Sơn Trà. Khi công trình được xây dựng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, ông Thành đánh giá, vấn đề bất cập còn là, các VQG hay khu bảo tồn quy hoạch bao giờ cũng có vùng lõi, vùng đệm. Như tại bán đảo Sơn Trà, vùng 600m tính từ bên trong xuống tới biển được quy hoạch là vùng đệm cho phép xây nhà, làm biệt thự, xây resort.

Tuy nhiên, trên thực tế, đó lại là nơi mà nhiều động vật ăn lá kiếm thức ăn, trong đó có loài Voọc chà vá. Hiện nay, nếu chặt hết rừng đi để xây dựng thì các loài động vật không biết sẽ đi đâu, đa dạng sinh học không biết phải bảo tồn như thế nào.

“Tất cả những vấn đề trên thể hiện rõ trong khâu quy hoạch có nhiều khiếm khuyết. Tôi đề nghị quy hoạch các khu bảo tồn, VQG phải có sự tham gia của các chuyên gia đa dạng sinh học nhằm đánh giá tác động chứ không chỉ đánh giá theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư”, ông Thành nhấn mạnh.

Cần quy về một mối

Theo TS. Nguyễn Cử, chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên: Hiện nay, khu bảo tồn do hai bộ là Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng quản lý. Tình trạng quản lý chung nảy sinh nhiều bất cập mà không được giải quyết.

Nói về câu chuyện sai phạm trong việc xây dựng resort trái phép tại VQG Ba Vì đang “nóng” lên vài ngày qua, ông Cử cho rằng những sai phạm như ở VQG Ba Vì hay một số địa điểm khác xuất phát sâu xa cũng từ nguyên nhân đồng quản lý kể trên.

Đó là không ít trường hợp, hai bộ không thống nhất trong xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn dẫn tới tình trạng có khu bảo tồn có kế hoạch, có khu không có kế hoạch. “Đối với các khu đã có kế hoạch quản lý thì đáng bàn là kế hoạch quản lý viết ra nhiều khi chỉ nằm trên giấy thôi chứ không thực sự đi vào thực tiễn”, ông Cử nói.

Ông Cử phân tích, trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn vấn đề tuần tra giám sát và thực thi pháp luật luôn được nhấn mạnh. Một khu bảo tồn có nhiều trạm bảo vệ phù hợp với diện tích. Có nơi có 10 trạm bảo vệ nhưng cũng có nơi chỉ có 2 trạm, 3 trạm.

Mỗi trạm đều được giao diện tích cụ thể để tuần tra bảo vệ hàng ngày. Do vậy nếu xuất hiện bất kỳ sai phạm gì một trạm cũng phát hiện ra rồi chứ không thể có tình trạng xảy ra sai phạm mà Ban quản lý khu bảo tồn trả lời không hề biết hay không nắm được thông tin.

Theo ông Thành, muốn công tác quản lý các khu bảo tồn, VQG tốt hơn nên thu về một mối, để cho một bộ phụ trách chứ không nên giao hai bộ như hiện nay. Ông Thành cho rằng để Bộ NN&PTNT quản lý tương đối phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc thực thi pháp luật phải được siết chặt, khi có sai phạm gì liên quan cần xử lý triệt để, tránh tình trạng “đá bóng trách nhiệm”.

Đồng tình với quan điểm thu về một mối, song TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng, giao cho bộ nào quản lý cũng đều được, mấu chốt là thể chế quản lý chứ không phải việc chia ra hay gộp vào để quản lý.