Bát cơm vơi trông thấy

ThienNhien.Net – Tình trạng hạn hán, xâm mặn nghiêm trọng ở khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay – mà nguyên nhân chính là do sự hao hụt nguồn nước từ sông Mekong – là điều đã được báo trước từ lâu, nhưng quả thực đã đến sớm và gay gắt hơn những gì các nhà khí tượng thủy văn tính toán.

Đập Tiểu Loan trên sông Lancang, Trung Quốc. (Ảnh: International Rivers)
Đập Xiaowan trên sông Lancang, Trung Quốc. (Ảnh: International Rivers) 

Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam mà còn tác động tiêu cực tới tất cả các quốc gia trong lưu vực ở những mức độ khác nhau, nhất là các quốc gia ở hạ nguồn. Ai cũng hiểu rằng lưu vực sông Mekong là “bát cơm” của châu Á, thậm chí của thế giới. Trong năm 2014, năm nước hạ nguồn sông Mekong là Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã sản xuất hơn 100 triệu tấn gạo, chiếm khoảng 15% sản lượng gạo của toàn thế giới. Không chỉ có trồng trọt, có tới 1/4 sản lượng thủy sản nước ngọt trên toàn thế giới được khai thác từ sông Mekong, nuôi sống hàng chục triệu người. Lưu vực sông Mekong còn là nơi có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thế giới, với hơn 20.000 loài thực vật và gần 2.500 loài động vật; trong đó có nhiều loài cực kỳ quý hiếm.

Thế nhưng khi những con đập thủy điện được dựng lên, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Theo tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist – tạp chí này vừa đăng tải cả một chuyên đề rất công phu về sông Mekong – năm 1995, tại Trung Quốc, Manwan – con đập thủy điện đầu tiên xuất hiện trên dòng sông Lancang (tên gọi của sông Mekong đoạn chảy qua Trung Quốc).Từ đó đến nay, trên dòng Lancang, nước này đã có thêm 5 nhà máy thủy điện khác và 14 dự án nữa đang được lên kế hoạch thi công; trong đó có dự án đập Wunonglong với công suất lên tới 990 megawatt. Con đập này dự tính dài 300 mét và cao 100 mét.

Không chịu thiệt thòi, những nước hạ lưu sông Mekong cũng đang xây dựng tới 11 con đập thủy điện trên dòng chảy chính cùng với vô số dự án trên những nhánh phụ lưu khác. Nếu tất cả thành hiện thực, trong vòng 20 năm tới, dự kiến dòng sông Mekong sẽ san sát những công trình thủy điện, “rải” từ Tây Tạng cho tới tận Phnom Penh.  Mặc dù dòng chảy được những con đập điều hòa sẽ làm giảm nguy cơ lũ lụt, tuy nhiên lượng phù sa bị mất đi sẽ khiến cho đất đai cằn cỗi, thủy đa dạng sinh học suy kiệt do thiếu hụt nguồn dinh dưỡng cũng như bị cản trở sự sinh sản và phát triển… Đó là chưa kể, theo ước tính của những tổ chức phi chính phủ, có tới hàng chục triệu người dân buộc phải tái định cư vì những dự án đập thủy điện này, buộc phải vật lộn với cuộc mưu sinh lạ lẫm và môi trường sống hoàn toàn khác biệt với tập quán từ ngàn đời nay của cha ông họ.

Lúc này đây, khi bát cơm vơi đi trông thấy, hơn bao giờ hết, các quốc gia có chung dòng Mekong cần tìm ra giải pháp hợp lý, hợp tình cho tất cả các bên.

Muộn, nhưng vẫn hơn không.