Một nửa sư tử châu Phi có thể biến mất trong 20 năm tới

ThienNhien.Net – Trên hầu khắp lãnh thổ châu Phi, hàng nghìn con sư tử đang biến mất với tốc độ báo động. Vua của sa mạc đang đứng trước thách thức nghiêm trọng, theo một nghiên cứu vừa công bố trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences.

Từ năm 1990, quần thể sư tử ở khu vực Tây, Trung và Đông Phi suy giảm nhanh chóng, một số quần thể thậm chí đã được xác nhận tuyệt chủng. Hơn thế nữa, với hiện trạng bảo tồn hiện tại, khoảng 50% số lượng sư tử tại Tây, Trung và Đông Phi được dự đoán sẽ biến mất trong hai thập kỉ tới. “Mặc dù nguy cơ đối với loài sư tử ở nhiều nơi đã được ghi nhận nhưng tỷ lệ suy giảm vẫn bị đánh giá thấp,” Luke Hunter, đồng tác giả nghiên cứu khẳng định.

Chú sư tử Cecil - biểu tượng của loài sư tử châu Phi - đã bị giết bởi một thợ săn vào tháng 6, 2015. (Ảnh: Andrew J. Loveridge, Đại học Oxford)
Chú sư tử Cecil – biểu tượng của loài sư tử châu Phi – đã bị giết bởi một thợ săn vào tháng 6, 2015. (Ảnh: Andrew J. Loveridge, Đại học Oxford)

Các chuyên gia nghiên cứu loài sư tử từ 5 viện nghiên cứu đã phân tích xu hướng biến động về số lượng của 47 quần thể sư tử tại châu Phi và kết luận sư tử tại Tây và Trung Phi đang trong tình trạng nguy cấp. Quần thể sư tử tại Đông Phi, bao gồm cả các quần thể tại những “thành trì” vững trãi cho loài sinh vật này như Maasai Mara tại Kenya cũng đang suy giảm nhanh chóng. Chỉ có 4 quốc gia Nam Phi là Botswana, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe là vẫn còn duy trì hoặc gia tăng quần thể sư tử.

Không kể đến quần thể ngoài vùng nam Phi và Ấn Độ, số lượng sư tử đã sụt giảm 50% kể từ năm 1993. “Thật không thể nào tưởng tượng được loài sư tử lại có thể biến mất nhanh chóng ngay khỏi vùng đất vốn là của chúng,” Hunter bày tỏ.

Trên thực tế, hầu hết các quần thể sư tử đã từng có số lượng trên 500 con đang giảm xuống. Việc suy giảm này có thể gây ra những tác động nghiêm trọng bởi vì sư tử giữ một trong những vị trí chủ chốt trong hệ sinh thái.

Đồng tác giả Hans Bauer, Đại học Oxford khẳng định “xu hướng giảm số lượng sư tử là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng sâu sắc mà sau cùng sẽ ảnh hưởng tới các loài vật khác đứng sau trong chuỗi thức ăn”. Nghiên cứu cũng đã chứng minh tại Đông và Tây Phi, quần thể sư tử giảm thì đồng thời quần thể động vật ăn cỏ cũng giảm theo. Ngược lại, tại Nam Phi, các loài ăn cỏ tăng lên khi xuất hiện loài sư tử.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một loạt các yếu tố đã và đang đẩy loài sư tử đến nguy cơ tuyệt chủng: mất môi trường sống, bị giết hại bừa bãi để bảo vệ con người và gia súc, nạn nhân của săn bắt tiêu khiển, thỏa mãn nhu cầu nguyên liệu dược truyền thống của Trung Quốc và châu Phi cũng như giảm sút số lượng con mồi.

Ước tính 50% số cá thể sư tử bị suy giảm từ năm những năm 1990. (Ảnh: Udayan Dasgupta)
Ước tính 50% số cá thể sư tử bị suy giảm từ năm những năm 1990. (Ảnh: Udayan Dasgupta)

Trước tình trạng số lượng sư tử giảm sút nhanh chóng trong những thập kỉ vừa qua, các nhà khoa học khuyến nghị đưa sư tử vào danh sách “Động vật Nguy cấp” tại Trung và Đông Phi trong khi loài này ở Nam Phi đứng ở danh sách “Ít được quan tâm”.

Trên thực tế, các quần thể sư tử ở một số khu vực được nghiên cứu tại Nam Phi có xu hướng gia tăng. Đó có thể là kết quả của việc cải thiện công tác quản lý động vật hoang dã ở quốc gia này, với các khu vực bảo tồn nhỏ, được rào chắn, quản lý hiệu quả và có nguồn tài trợ ổn định. Ngược lại, năng lực quản lý và nguồn tài trợ tại hầu hết các khu vực khác còn chưa đảm bảo. Thậm chí các hoạt động du lịch săn bắn và chụp ảnh hoang dã cũng không thể mang lại đủ nguồn kinh phí cần thiết để bảo vệ sư tử trên cả khu vực rộng lớn. Các quốc gia còn nhiều vùng hoang vu và bị chiến tranh tàn phá như Nam Sudan và Angola không có số liệu tin cậy về sư tử. Tình hình này đang thay đổi khi Angola đã bắt đầu có  những điều tra loài về sư tử đầu tiên.

Mặc dù vậy, một số chính phủ vẫn không tỏ ra hưởng ứng việc tiến hành các cuộc khảo sát và nghiên cứu, cho rằng loài sư tử không bị nguy hiểm và không cần được quan tâm bảo tồn. Thiếu sự ủng hộ, tài trợ, nguồn lực và số liệu, các chuyên gia vẫn tin vào khả năng bảo vệ loài sư tử, kể cả ở những khu vực rộng lớn. Các giải pháp cơ bản có thể bao gồm giúp người chăn nuôi giảm xung đột với sư tử, thúc đẩy vai trò bảo tồn của công viên quốc gia và khu bảo tồn. Những giải pháp này không hề khó khăn hay phức tạp, tuy nhiên đòi hỏi cam kết lớn từ phía người dân, các nhà khoa học và nhà tài trợ.

Mặc dù thiếu kinh phí, nguồn lực và dữ liệu, các nhà nghiên cứu tin rằng vẫn còn cứu được loài sư tử. (Ảnh: Udayan Dasgupta)
Mặc dù thiếu kinh phí, nguồn lực và dữ liệu, các nhà nghiên cứu tin rằng vẫn còn cứu được loài sư tử. (Ảnh: Udayan Dasgupta)

“Dường như không thể tin rằng một sinh vật mang tính biểu tượng như sư tử lại có thể đứng trên bờ vực tuyệt chủng tại rất nhiều khu vực, nhưng chắc chắn thực tế đáng ngạc nhiên này đã nhấn mạnh sự khủng hoảng trong bảo tồn động vật hoang dã. Nếu không thể bảo vệ được loài sư tử thì chúng ta còn có thể bảo vệ được gì cho trái đất? Nếu bất kỳ nhóm loài nào cần được công chúng ủng hộ bảo tồn, thì những chú mèo khổng lồ này cần phải được ưu tiên trên hết,” nhà bảo tồn David Macdonald, Đại học Oxford khẳng định.