Người dân Phú Yên ồ ạt làm hồ tôm trái phép

ThienNhien.Net – Không chỉ phá rừng phòng hộ ven biển, nhiều diện tích ven biển thu hồi triển khai một số dự án cũng bị người dân lấn chiếm làm hồ nuôi tôm.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ven biển các huyện Tuy An, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ồ ạt phá rừng phòng hộ ven biển, đào xới đất bãi bồi ven biển, ven sông xây hồ nuôi tôm trái phép.

UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý tình trạng này trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, đã hết năm 2015, tình trạng làm hồ tôm trái phép chưa được xử lý dứt điểm.

Dọc đường ven biển qua xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhiều cây phi lao 20 đến 30 năm tuổi vốn là lá chắn hữu hiệu mỗi mùa mưa bão nay bị người dân cưa hạ, gốc rễ nằm chỏng chơ. Trong khi đó, tại thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, người dân hì hục đào bới và gần chục máy hút cát thi nhau lấy đất từ rừng phòng hộ để san lấp hồ nuôi tôm. Hồ tôm lấn sâu 40 m – 50 m đất rừng phòng hộ và kéo dài cả cây số, mỗi hồ rộng từ 1.000 – 3.000 m².

Rừng phòng hộ bị đào bới nham nhở làm hồ nuôi tôm tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Rừng phòng hộ bị đào bới nham nhở làm hồ nuôi tôm tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Tại huyện Đông Hòa này, UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch vùng nuôi tôm 17 héc ta ở xã Hòa Hiệp Bắc nhưng hiện nay diện tích nuôi tôm đã tăng gần gấp đôi. Địa phương đã thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, việc xử lý gặp khó khăn vì vướng 17 héc ta nuôi tôm do UBND tỉnh Phú Yên cấp phép trước đây.

Ông Lê Thanh Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho rằng, những diện tích nuôi tôm được UBND tỉnh cho phép thì UBND tỉnh phải giải quyết, còn người dân tự phát xây hồ nuôi tôm, huyện sẽ xử lý trước ngày 30/6/2015.

“Hiện nay, địa phương cũng đã làm từng bước. Tức là những hộ kéo điện để rồi nuôi tôm, sẽ cắt điện toàn bộ khu vực đó và sẽ tiếp tục lập biên bản để các hộ sau này có điều kiện không nằm trong 17 héc ta đó chúng tôi tổ chức cưỡng chế”- ông Thanh Nghiêm nói.

Không chỉ phá rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhiều diện tích ven biển thu hồi triển khai một số Dự án cũng bị người dân lấn chiếm làm hồ nuôi tôm. Đã có 74.000 m2 đất ven biển của Dự án Hạ tầng khu đô thị mới Nam Tuy Hòa giai đoạn 1 bị người dân lấn chiếm hơn 30 nghìn mét vuông. Theo người dân địa phương, dự án “treo” lâu quá, bà con lấy đất này phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, khi có yêu cầu trả lại mặt bằng, các hộ dân này vẫn chưa thực hiện.

Rừng phòng hộ bị đào bới nham nhở làm hồ nuôi tôm tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Rừng phòng hộ bị đào bới nham nhở làm hồ nuôi tôm tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Ông Nguyễn Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: “Đến thời điểm bây giờ, thành phố đã chỉ đạo các phường, xã lập biên bản để các hộ cam kết xử lý theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Riêng những phần trái phép hoặc trước đây UBND phường cho thuê không phù hợp với quy hoạch thì thành phố sẽ kiên quyết xử lý trong thời gian sớm nhất”.

Hiện nay, tại tỉnh Phú Yên, một số tổ chức, cá nhân ngang nhiên chặt phá rừng phi lao, vườn cây, làm hồ nuôi tôm trái phép phá vỡ chức năng rừng phòng hộ ven biển, nước biển dễ xâm thực sâu vào đất liền, gây ra tình trạng sạt lở nhà cửa, mặn hóa nguồn nước ngầm và ô nhiễm môi trường. Sau khi UBND tỉnh Phú Yên xử lý các hộ phá rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm trái phép, chính quyền các huyện đã ra quyết định xử phạt 84 trường hợp và buộc khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, đa số các hộ dân chưa chấp hành quyết định xử phạt. Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Phú Yên giải thích: “Việc này giao cho chính quyền địa phương, các cấp chính quyền cấp phường, cấp xã. Bây giờ đã xử lý rồi, về mặt kế hoạch, còn về hiện trạng thì địa phương phải hết sức làm xong cái này. Tôi nghĩ là chưa xong. Có làm được hay không tôi nghĩ rằng là không làm được rồi. Còn lại các địa phương phải cố gắng, từ giờ đến 30-6 cho xong”.

Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Phú Yên cho rằng, chính quyền địa phương đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, chưa xử lý kịp thời nên người dân lấn chiếm đất, rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm trái phép ngày càng phức tạp.

Ông Huỳnh Tấn Việt yêu cầu các địa phương kiên quyết ngăn chặn tình trạng này: “Với tình hình như thế thì đến 30/6 năm nay sẽ làm được. Chủ tịch các huyện không làm xong phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. UBND tỉnh không làm xong, chịu trách nhiệm trước HĐND tỉnh”.

Những bãi bồi ven sông, ven biển đã góp phần giữ gìn làng xóm, ổn định cuộc sống cho người dân ven biển. Tình trạng nhiều hộ dân tự ý chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi bồi đã gây ra những hệ lụy khó lường. Tỉnh Phú Yên cần kiên quyết hơn trong việc xử lý các hộ dân xây dựng hồ tôm trái phép, trồng bù lại số rừng đã mất.

Nguồn: