3.422 MW các nguồn điện mới dự kiến vận hành trong năm 2016

ThienNhien.Net – Bộ Công Thương dự kiến, năm 2016 công suất từ các nguồn thủy điện mới sẽ tăng thêm 1.570MW, nhiệt điện tăng thêm 1.300MW.

Để đảm bảo việc cung cấp điện trong năm 2016, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia mới có đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3) đảm bảo vận hành ổn định các tổ máy Vĩnh Tân 2; Tổng công ty phát điện 1 (Genco 1) đảm bảo vận hành ổn định các tổ máy Duyên Hải 1 để có thể vận hành ở mức công suất tối đa, đồng thời chuẩn bị đủ nguồn than để phát điện các tổ máy này.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng kiến nghị EVN cần đẩy nhanh tiến độ các tổ máy Duyên Hải 3, để có thể cung cấp sản lượng ngay từ mùa khô 2016. Giữ nước cao các hồ thủy điện miền Nam và miền Trung, huy động hạn chế để tập trung đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du.

Bên cạnh đó, EVN cần làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN/PVGas để rút ngắn các công tác sửa chữa Hệ thống cung cấp khí, đặc biệt là công tác sửa chữa nhà máy khí Nam Côn Sơn đồng thời ưu tiên toàn bộ lượng khí Cửu Long để phát điện trong thời gian sửa chữa khí Nam Côn Sơn.

Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 3.
Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 3.

Đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa các công trình trọng điểm trên lưới điện truyền tải vào vận hành như: Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, các bộ tụ bù dọc trên cung đoạn từ Pleiku – Cầu Bông, đường dây 220kV liên kết Bắc – Trung Vũng Áng – Ba Đồn – Đồng Hới… để tăng cường khả năng truyền tải giữa các miền.Trước đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2016. Trong đó, điện sản xuất của toàn hệ thống là 182,62 tỷ kWh tăng 11,98% so với năm 2015, trong đó mùa khô là 88,151 tỷ kWh và mùa mưa là 94,471 tỷ kWh.

Về lưới điện, giới hạn truyền tải giữa các vùng được xác định đảm bảo N-1. Giới hạn Bắc – Trung dựa trên khả năng tải của cung đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng là 2.000 MW bao gồm cả 220kV, giới hạn giao diện Trung – Nam dựa trên tổng khả năng tải của các DZ500 và 220kV từ Pleiku vào miền Nam và đạt 3.500 MW theo giới hạn ổn định.

Dự kiến trong tháng 3/2016 sẽ đưa vào trạm 500kV Pleiku 2 và tụ bụ dọc Pleiku 2. Sau khi có thêm TBA 500kV Pleiku 2 và các bộ tụ bù dọc trên đường dây 500kV Pleiku 2 – Cầu Bông thì giới hạn truyền tải giao diện Trung – Nam được nâng lên là 4.000 MW.

Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành năm 2016 là 3.422 MW trong đó thủy điện là 1.570MW, nhiệt điện là 1.300MW. Phụ tải hệ thống điện miền Nam tiếp tục tăng cao, dự kiến lên khoảng 13.500MW (tăng khoảng 1.700MW so với năm 2015), trong khi hệ thống điện miền Nam chỉ có thêm nhà máy điện Duyên Hải 3 với 2 tổ máy 600MW (dự kiến hòa lưới tháng 4 và tháng 7).

Do đó, hệ thống điện miền Nam vẫn tiếp tục phải nhận lượng công suất và sản lượng lớn từ hệ thống miền Bắc và miền Trung, công suất truyền tải trên các đường dây 500kV liên kết Bắc – Trung – Nam thường xuyên ở mức giới hạn vào các giờ cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Vì vậy, việc vận hành ổn định các nguồn điện trong hệ thống điện miền Nam, đặc biệt là nhà máy điện mới, công suất lớn như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.