Tìm nguồn điện từ… rác

ThienNhien.Net – Nếu tận dụng được khối lượng chất thải từ 10.000- 11.000 tấn/ngày, TP HCM vừa xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường vừa tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo

UBND TP HCM vừa tổng kết 5 năm thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015. Nhiều mục tiêu đưa ra TP đã không thực hiện được, trong đó có mục tiêu về lĩnh vực quản lý chất thải rắn.

Chôn lấp 75%

TP từng đề ra mục tiêu từ năm 2011-2015 sẽ áp dụng nhiều công nghệ để xử lý, tái chế chất thải rắn. Cụ thể, tái chế – tái sử dụng 10%, đốt rác phát điện 10%, tái chế làm phân compost 40%, chôn lấp hợp vệ sinh 40%. Để thực hiện mục tiêu này, TP có kế hoạch đầu tư 3 dự án xử lý chất thải: nhà máy xử lý rác sinh hoạt theo công nghệ TBS (Trung Quốc); nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 500 tấn/ngày sử dụng công nghệ tái chế, làm phân hữu cơ vi sinh và nhà máy đốt rác phát điện với công suất 1.500-2.000 tấn/ngày.

Tuy nhiên, do khó khăn trong quá trình kêu gọi đầu tư nên TP vẫn chưa thể triển khai các dự án trên. Đến nay, theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày TP thải ra 10.000- 11.000 tấn chất thải rắn (chưa kể các loại bùn thải), trong đó khoảng 7.000-7.500 tấn rác thải sinh hoạt. Hình thức xử lý chiếm chủ đạo vẫn là chôn lấp: 75% tổng lượng rác thải sinh hoạt, làm phân compost 24% nhưng chưa có dự án đốt rác phát điện nào được triển khai. Riêng bãi rác Gò Cát lấy khí gas phát sinh từ rác chôn lấp để phát điện. Tuy nhiên, do công suất thấp, công nghệ lạc hậu vì đầu tư đã lâu, chi phí đốt cao nhưng giá điện hòa vào lưới quốc gia quá thấp, thu không đủ bù chi nên nhà máy này cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Phần lớn rác thải tại TP HCM đem đi chôn lấp, lãng phí nguồn năng lượng. (Ảnh: Minh Khang)
Phần lớn rác thải tại TP HCM đem đi chôn lấp, lãng phí nguồn năng lượng. (Ảnh: Minh Khang)

Vì vậy, TP bắt đầu nỗ lực thúc đẩy các dự án sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến, đặc biệt là tái sử dụng – tái sinh năng lượng. Trong năm 2016-2020, TP phấn đấu đạt tỉ lệ tái sử dụng – tái chế năng lượng trên 65% chất thải rắn sinh hoạt.

Nhật Bản tài trợ

UBND TP vừa chấp thuận chủ trương cho 2 doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu khả thi dự án tái chế chất thải trên địa bàn. Cụ thể, đồng ý cho Công ty Hitachi Zosen nghiên cứu khả thi dự án năng lượng từ chất thải và xây dựng mô hình thử nghiệm nhà máy xử lý chất thải rắn dễ phân hủy sinh học từ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn quận 1. Đồng thời, UBND TP cũng cho phép Công ty TNHH Kobelco-Solutions nghiên cứu khả thi dự án thí điểm áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn tái sinh năng lượng tại TP.

Được biết, Công ty Hitachi Zosen đã có một quá trình nghiên cứu về rác thải tại TP HCM khá lâu, đơn vị này cũng vừa tài trợ cho chương trình phân loại rác thải tại quận 1. Hitachi Zosen từng khảo sát dự án phát điện từ chất thải tổng hợp của TP Malang – Indonesia, nơi có tình hình quản lý, xử lý chất thải rắn khá tương đương với TP HCM. Malang đã vận hành lò đốt công suất 500 tấn/ngày, thu được 13 MW điện, trong đó 10 MW bán lại cho điện lực và 3 MW để vận hành nhà máy. Phương án này giúp Malang giảm thiểu khoảng 66.000 tấn CO2/năm.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết Công ty Hitachi Zosen dự kiến xây dựng nhà máy công suất đốt tối đa 1.000 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD. Giai đoạn đầu có thể nhà máy chỉ đốt từ 400-600 tấn/ngày, dần dần TP sẽ giao rác thêm sau khi đã sắp xếp lượng rác phù hợp cho các đơn vị xử lý trên địa bàn. Nhà máy này có vòng đời khoảng 50 năm nhưng Hitachi Zosen chỉ vận hành khoảng 20 năm, sau đó sẽ bàn giao cho

TP HCM. Giá đốt rác trên thế giới hiện nay khá cao: châu Á khoảng 50-70 USD/ tấn, châu Âu 90-100 euro/tấn. Tuy nhiên, Công ty Hitachi Zosen chào giá TP HCM khoảng 25-30 USD/tấn. Sở dĩ có giá rẻ này, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, vì dự án của doanh nghiệp này nằm trong chương trình hợp tác giữa TP HCM và TP Osaka nên những khoảng chênh lệch về chi phí đốt rác sẽ được chính phủ Nhật Bản bù vào. Ngoài ra, Công ty Hitachi Zosen cũng chuẩn bị đề xuất lên UBND TP một dự án về nhà máy xử lý rác hữu cơ từ các chợ, sử dụng công nghệ ủ biogas, công suất dự kiến 500 kg rác/ngày.

Dự án đốt rác của Công ty Kobelco, công suất khoảng 150 tấn/ngày, cũng có cơ chế bù lỗ tương tự Hitachi Zosen nhưng chưa rõ họ được bù lỗ từ nguồn tài chính nào. Theo yêu cầu của UBND TP, đến cuối năm 2015, hai đơn vị này phải khảo sát xong để tiến hành lập dự án và xây dựng nhà máy, đưa vào vận hành năm 2016.

Tập đoàn Hansol cũng muốn tham gia

Ngày 30-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà đã nghe các đơn vị liên quan báo cáo về việc Tập đoàn Hansol (Hàn Quốc) xin đầu tư nhà máy đốt rác phát điện. Dự án này có công suất 1.000 tấn rác/ngày, vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD, triển khai theo hình thức BOT. Trong đó, Tập đoàn Hansol bỏ ra 80% vốn để vận hành nhà máy trong 20 năm, TP sẽ đối vốn 20%. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực

TP HCM, tiền bán điện từ dự án 1.000 tấn/ngày sẽ được khoảng 370 tỉ đồng/năm, cộng thêm 150 tỉ đồng ngân sách TP trả cho chi phí xử lý rác (khoảng 20 USD/tấn), sau khi trừ chi phí vận hành khoảng 240 tỉ đồng thì nhà đầu tư còn thu khoảng 280 tỉ đồng/năm. Như vậy, dự kiến nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn sau gần 14 năm. Ông Lê Mạnh Hà giao Sở Công Thương, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Tổng Công ty Điện lực TP HCM nghiên cứu dự án đốt rác phát điện của Tập đoàn Hansol để sớm triển khai.