Cần một Ủy ban khu vực giám sát môi trường Biển Đông

ThienNhien.Net – Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về biển Đông vừa kết thúc tại Khánh Hòa. Một lần nữa, tại Hội thảo này các chuyên gia pháp lý, các nhà nghiên cứu quốc tế tiếp tục thảo luận về tình hình Biển Đông ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ chính trị, ngoại giao, môi trường tới luật pháp, từ đó tìm kiếm được các cơ hội và ý tưởng thúc đẩy hiểu biết và hợp tác ở Biển Đông trên tinh thần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

PV Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chu Hồi- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

PV: Vấn đề môi trường hiện hữu và bảo vệ môi trường Biển Đông được đánh giá như thế nào tại Hội thảo này thưa ông? 

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Chúng ta thấy đặc trưng của Biển Đông là sự tồn tại trên 7.000 hòn đảo lớn nhỏ, tập trung các hệ thống đảo của rạn san hô nằm chủ yếu ở phần giữa… và một số bãi cạn ngoài khơi 100% rạn san hô và có thể nói đây là một hệ sinh thái có quy mô lớn, dễ bị tổn thương có giá trị hết sức quan trọng không chỉ đối với vùng giữa của Biển Đông, mà nó còn kết nối và làm giàu cho các vùng biển xung quanh của Biển Đông.

Trong năm 2014 các nhà khoa học đã phát hiện ra Trường Sa là một trung tâm và xung quanh nó, mà đặc biệt khu vực Nha Trang, Bình Thuận trong một tam giác nhỏ với tổng số loài san hô khoảng 517 loài, trong khi tổng số loài cao nhất trên thế giới ở tam giác cạnh Philippines và Indonesia là 566 loài, có thể nói đây là vùng biển đặc biệt quan trọng về mặt sinh thái và sinh học toàn cầu, nằm trong 7 tiêu chí của Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc.

Ở đây có thể nói, ngoài những tác động của tự nhiên như biến đổi khí hậu, biển đổi đại dương thì khu vực này còn bị tác động rất mạnh bởi các hoạt động tôn tạo, mở rộng, xây dựng các đảo nhân tạo một cách dồn dập của Trung Quốc.

Theo số liệu mới nhất từ tháng 10 của Hoa Kỳ, trong các nước tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa có mở rộng tôn tạo, riêng Trung Quốc là 95%, nó đã làm thay đổi bản chất các thực thể tự nhiên, cấu trúc của san hô dẫn đến thay đổi cấu trúc hệ sinh thái, mất đi các nơi cư trú tự nhiên của loài, phá hủy toàn bộ cấu trúc không chỉ diện tích chúng ta nhìn thấy mà tính ra cả các chân của rạn san hô.

Theo điều tra gần đây của Việt Nam công bố năm 2015, trữ lượng thủy sản của chúng ta ở khu vực biển Trường Sa và khu vực bờ Tây của Việt Nam giảm khoảng 16% trữ lượng. Đó là những dấu hiệu cho thấy có những liên kết nào đó đối với những vấn đề môi trường hiện nay ở Biển Đông.

Thưa ông, vậy các diễn giả quốc tế kiến giải việc này như thế nào? Việt Nam cần ứng phó gì trước thực trạng này? 

– Thực ra đây là vấn đề chung, nên nhiều nhà khoa học khuyến cáo giải quyết vấn đề môi trường nên nó phải có những giải pháp xanh. Vấn đề môi trường Biển Đông đã có rất nhiều cam kết và nhiều lời hứa, tuy nhiên hầu như không được thực hiện, ngay cả đối với DOC cũng như trong Điều 6 nói riêng về bốn nhiệm vụ hợp tác, chủ yếu là môi trường, đa dạng sinh học và đến nay hầu như chưa có hợp tác nào được thực hiện, triển khai trong khu vực Biển Đông.

Do đó, các học giả cho rằng, đầu tiên là phải tiếp tục củng cố, nâng cấp cải thiện các cam kết, những sáng kiến đã có. Ví dụ như, tiến hành Fa 2, (giai đoạn 2) của Dự án chống suy thoái môi trường Biển Đông, do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ cách đây 10 năm cho bảy nước trong khu vực và bây giờ các nước cùng nhau thực hiện.

Thứ hai là những sáng kiến trước đây là thành lập một công viên hòa bình ở khu vực như Hoàng Sa, Trường Sa để giữ lấy những nguồn tài nguyên quý gia thì vấn đề không dễ dàng thực hiện trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền, nên phải cần có bước đi, cách tiếp cận.

Thứ ba là cần có những chương trình khu vực tiếp tục thúc đẩy hợp tác triển khai một số điểm, tạo dựng lòng tin trong Mục 6 của DOC, tăng cường hợp tác, cam kết với nhau giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như tăng cường hợp tác những vấn đề ít nhạy cảm trong đó có môi trường và đa dạng sinh học.

Thứ tư là cần minh bạch trong các thông tin về môi trường, tài nguyên và cần có một Ủy ban khu vực đề giám sát việc sử dụng hợp lý các tài nguyên không gây hủy hoại môi trường và thông qua ủy ban này để có những diễn đàn chia sẻ, cập nhật thông tin minh bạch của các quốc gia liên quan đến vấn đề hủy hoại môi trường Biển Đông để sớm có những biện pháp ngăn ngừa.

Cuối cùng, cần có một cơ chế cấp khu vực. Thể chế thì phải có cơ chế để vận hành, mà đặc biệt là chín nước trong khu vực ngồi chung một bàn điều hành, có sự hỗ trợ của các nhà khoa học và có sự giám sát của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật và tạo ra một thông tin khách quan.

Xin cảm ơn ông!