Các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch

ThienNhien.Net – Ngày càng nhiều tổ chức đầu tư tuyên bố loại bỏ các dự án nhiên liệu hóa thạch khỏi danh mục đầu tư trong khi các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục rót vốn cho các dự án kiểu này.

Đây là tổng hợp các báo cáo công bố ngày 2/12 bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp).

Luồng khí thoát ra từ một nhà máy điện chạy bằng than tại Hudson, Wisconsin(Mỹ) (Nguồn: AFP/TTXVN)
Luồng khí thoát ra từ một nhà máy điện chạy bằng than tại Hudson, Wisconsin(Mỹ) (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các số liệu khảo sát do tổ chức phi chính phủ 350.org công bố cho thấy số lượng các trường đại học, chính phủ và các quỹ đầu tư tuyên bố loại bỏ ít nhất vài dự án đầu tư liên quan tới nhiên liệu hóa thạch khỏi danh mục đầu tư đã tăng mạnh lên hơn 500 tổ chức.

Đây được đánh giá là một sự thay đổi ngoạn mục bởi chỉ hơn một năm trước, số lượng các tổ chức tuyên bố loại bỏ các dự án liên quan tới nhiên liệu hóa thạch chỉ là 181.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư dần tránh xa những nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiểm và chuyển sang các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, một báo cáo độc lập khác công bố cùng ngày lại chỉ ra các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục rót nhiều tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động khai thác than đá, trong khi danh mục đầu tư dành cho các nguồn năng lượng tái tạo lại ở mức thấp hơn rất nhiều.

Theo báo cáo của một nhóm gồm nhiều tổ chức hoạt động vì môi trường trong đó có Friends of the Earth (Những người bạn của Trái Đất), các thể chế tài chính lớn và quyền lực nhất ở hai bên bờ Đại Tây Dương vẫn tiếp tục cung cấp hàng trăm tỷ USD cho hoạt động khai thác nguồn năng lượng có mức khí thải carbon rất cao này.

Cụ thể, kể từ năm 2009, hơn chục ngân hàng hàng đầu thế giới đã đầu tư hơn 250 tỷ USD cho những dự án kiểu này.

Hội nghị COP21 do Liên hợp quốc tổ chức nhằm tìm ra biện pháp giúp hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và giúp đỡ các quốc gia nghèo ứng phó với tác động của hiện tượng này. Trong đó, việc tìm ra giải pháp loại bỏ những nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, những nguồn xả thải chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, là tiêu điểm của các cuộc đàm phán.

Theo ước tính, để thế giới đạt mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng ở mức 2 độ C so với trước thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp thì ít nhất 60% nguồn nhiên liệu hóa thạch dự trữ được phát hiện dưới lòng đất sẽ không được phép khai thác.

Nguồn: