ThienNhien.Net – Thời gian qua, Báo Đại Đoàn Kết đã liên tục phản ánh tình trạng phá rừng ở Quảng Nam. Mới đây là Hạt Kiểm Lâm rừng phòng hộ sông Tranh đã khởi tố 3 vụ án. Nhưng thật ra đó chỉ là một mảng nhỏ của bạt ngàn cánh rừng bị tàn phá.
Ngày 24/11 chúng tôi về huyện miền núi Bắc Trà My làm việc với UBND huyện và BQL RPH Sông Tranh, qua đó nhận thấy tình trạng phá rừng ở địa phương này ngày càng nóng bỏng.
Xung quanh 3 vụ án phá rừng ở xã Trà Bui và Trà Giác, huyện Bắc Trà My, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ đối tượng liên quan, cùng với đó cơ quan chức năng đang đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR).
Ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết, diễn biến tàn phá rừng ngày càng phức tạp. “Thời gian qua chúng tôi đã phát hiện 48 vụ khai thác gỗ trái phép, tạm thu giữ 294,67 m3 gỗ các loại. Phát hiện 4 vụ khai thác vàng trái phép, đã đốt phá 10 lán trại, đập phá 8 máy nổ, 4 máy phát điện, 2 bình hơi, 2 máy tời, đẩy đuổi hàng loạt đối tượng ra khỏi lâm phận. Đồng thời BQL RPH Sông Tranh cũng đã lập biên bản chuyển giao Hạt Kiểm lâm các huyện xử lý 29 vụ phá rừng làm rẫy với diện tích trên 9ha.
Tuy nhiên ông Chẩn cũng trải lòng rằng: “Chúng tôi chỉ có chức năng phát hiện lập biên bản và chuyển giao cho Hạt Kiểm lâm xử lý, chứ BQL không có quyền xử lý. Đây cũng là cái khó của BQL và các đối tượng lâm tặc dễ coi thường. Vừa qua tại địa bàn xảy ra những vụ phá rừng. Không phải chúng tôi buông tay, đầu hàng lâm tặc, cụ thể như đã nói, chúng tôi đã phát hiện đến 48 vụ khai thác gỗ trái phép và chuyển Hạt Kiểm lâm nhưng đến nay chỉ khởi tố 3 vụ án”.
Ngoài ra, theo ông Chẩn, BQL rừng phòng hộ Sông Tranh còn nhiều cái khó, địa bàn QL-BVR quá lớn, không chỉ địa phận Bắc Trà My mà cả Nam Trà My và một phần huyện Phước Sơn diện tích lên đến gần 60.000ha, địa hình vùng núi phức tạp, lâm tặc manh động. Trong khi đó lực lượng chỉ có 42 người mà biên chế là 12 người. Rõ ràng chúng tôi đứng trước quá nhiều khó khăn”.
Ông Chẩn cũng cho biết, một trong những áp lực lớn với công tác QL-BVR là việc bố trí nhân dân vào tái định cư trong lâm phận. Từ đây, tình trạng xâm canh lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm, khoáng sản trái phép thường xuyên xảy ra, gây phức tạp cho công tác QL-BVR. Lâm tặc ngày càng tinh vi, khai thác ban đêm, có cảnh giới, thông báo cho nhau bằng điện thoại.
“Anh hỏi tôi, tại sao lâm tặc khai thác hàng chục mét khối gỗ mà BQL rừng phòng hộ không biết. Thật ra có những vụ không kịp thời chứ không phải không biết. Bởi lâm tặc khai thác ban đêm, có tổ chức, ngụy trang kỹ, khi chúng tôi phát hiện lập biên bản chuyển Hạt Kiểm lâm xử lý thì trong khi đó lâm tặc manh động cũng tìm cách tẩu tán gỗ!” – ông Chẩn nói.
Thực tế cho thấy, nếu bố trí dân tái định cư vào rừng phòng hộ mà thiếu đất cho dân sản xuất, thiếu công ăn việc làm thì người dân sẽ quay ra tấn công rừng để có thu nhập.
Tại buổi chúng tôi làm việc với BQL rừng phòng hộ Sông Tranh còn có một cán bộ của huyện, vị này cho biết QL-BVR rất cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan như Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội. Cần phải tìm ra những lâm tặc cụ thể để khởi tố bị can, chứ chỉ dừng lại ở mức khởi tố vụ án thì chưa đủ tính răn đe, nghiêm minh.