Đất nông, lâm trường: Lo ngại nông dân bị bần cùng hóa

ThienNhien.Net – Việc thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư ở địa phương để khơi gợi nguồn lực, phát huy lợi thế, tiềm năng, phát triển kinh tế là điều rất đáng mừng.

Đó còn là chỉ dấu khẳng định sự thành công của chính quyền mỗi tỉnh. Vậy nhưng, rất nhiều lãnh đạo địa phương cùng những người trong cuộc khi chúng tôi tìm hiểu đều tỏ rõ sự băn khoăn, cẩn trọng.

Ông Vương Quốc Tú từng là nông trường viên của đội Sao Đỏ thuộc Nông trường Thống Nhất nay là hộ nhận khoán của Cty TNHH bò sữa Thống Nhất - Thanh Hóa (đơn vị 2 thành viên) lo lắng liệu rồi đây có phải đóng thuế thay cho DN khi canh tác ngay trên chính mảnh đất từng được mang tên mình?
Ông Vương Quốc Tú từng là nông trường viên của đội Sao Đỏ thuộc Nông trường Thống Nhất nay là hộ nhận khoán của Cty TNHH bò sữa Thống Nhất – Thanh Hóa (đơn vị 2 thành viên) lo lắng liệu rồi đây có phải đóng thuế thay cho DN khi canh tác ngay trên chính mảnh đất từng được mang tên mình?

Đừng đẩy nông dân ra đứng đường

Thực tế tìm hiểu cho thấy, có rất nhiều vấn đề đặt ra song hành cùng quá trình sắp xếp, chuyển đổi đất đai nói chung và nông, lâm trường nói riêng.

Ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, lo ngại trước việc tài sản của Nhà nước bị thâu tóm mà công nhân nông trường trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất do họ gây dựng nên để rồi quyền lợi bị chiếm dụng, thậm chí rơi vào cảnh phát canh thu tô… “Có trường hợp, nông lâm trường bán lại cổ phần cho cổ đông không phải người lao động. Vậy là, quyền sử dụng đất của Nhà nước đã bị chuyển thành quyền sử dụng của một nhóm cổ đông”, ông Sinh nói.

Dẫn chứng điều này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh cho hay: Một công ty ở Tây Bắc, trước đây nông trường viên nhận khoán với nông trường – là doanh nghiệp của Nhà nước; sau khi chuyển đổi thành công ty, nay người lao động lại tiếp tục nhận khoán nhưng là làm thuê trên đất của công ty tư nhân, vì vốn liếng đất đai đã cổ phần hóa. Vậy thì khi chuyển đổi, người dân được gì, Nhà nước được gì? Không những không được mà còn mất đi. Chúng tôi đi giám sát về cứ buồn mãi cho đến tận bây giờ.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh, việc chuyển đổi các nông lâm trường quốc doanh thành công ty cổ phần chỉ giống như biện pháp “hà hơi thổi ngạt”, còn nửa vời, nếu không muốn nói là bình mới rượu cũ.

Cũng phải nói thêm rằng, đối với những nông lâm trường đang ôm đồm rất lớn diện tích và tài sản của Nhà nước nhưng SXKD kém hiệu quả, đẩy nông trường viên vào thế “phát canh thu tô” thì cũng cần phải “thay máu” bằng việc “mở cửa” cho các Tập đoàn kinh tế có điều kiện về vốn, KHKT vào đầu tư. Nhà nước tạo cơ chế và giám sát việc sử dụng đất đúng mục đích cũng như những cam kết của doanh nghiệp khi được giao nguyên trạng các nông lâm trường.

Cũng về thực trạng nông dân mất đất, ĐBQH Chu Sơn Hà (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho hay xã Ba Vì (huyện Ba Vì – Hà Nội) có 2.000 cử tri, 100% dân tộc ở đó là đồng bào Dao. “Tôi đi giám sát rất đau lòng khi biết đồng bào không có đất sản xuất phải đi sang làm thuê ở Trung Quốc, đối mặt với rất nhiều rủi. Trong khi đó, đất ven vùng đệm của VQG Ba Vì thì lại giao cho các cá nhân, tổ chức ở nơi khác đến chứ lại không giao cho đơn vị sở tại”, ĐB Hà bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, tích tụ đất đai là đúng nhưng làm thế nào để người nông dân không mất đất, không bị đẩy ra đứng đường thì phải tính toán kỹ, thận trọng, không thể làm ồ ạt được.

ĐB Đỗ Văn Đương phần nào lo ngại doanh nghiệp lấy đất, đưa vào sản xuất chỉ phần nào, cái quan trọng liệu có phải chiếm hữu đất đai không? “Chúng ta biết rằng toàn bộ tài sản của Nhà nước, mồ hôi công sức do lớp lớp các nông trường viên nghe theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới. Họ đã gây dựng nên bao nhiêu năm chẳng lẽ bị mất trắng khi không thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghệ cao?”, ĐB Đương đặt câu hỏi.

Không vòng vo trước thực trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích diễn ra lộn xộn như lâu nay, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thẳng thắn nêu quan điểm, nếu không kiên quyết, minh bạch và tính toán hợp lý thì rất dễ xuất hiện một tầng lớp địa chủ mới làm bần cùng hóa người nông dân.

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho rằng, đổi mới, sắp xếp kiểu gì thì cũng đừng đẩy nông dân ra đứng đường
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho rằng, đổi mới, sắp xếp kiểu gì thì cũng đừng đẩy nông dân ra đứng đường

Liệu có “bình mới rượu cũ”?

Đưa vấn đề lấy đất nông lâm trường giao cho các Tập đoàn kinh tế làm ăn lớn, ông Nguyễn Thanh Trúc, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, đã là đất rừng sản xuất thì phải sản xuất lâm nghiệp. Nếu chuyển đổi thì phải có quá trình nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng thật khoa học, không nên nóng vội.

Còn ông Nguyễn Bá Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho rằng phải để người dân sống ở rừng có đất rừng sinh kế. doanh nghiệp thuê đất thì sản xuất phải hiệu quả hơn trước, đảm bảo 3 yếu tố: môi trường, đời sống dân sinh và không để người dân bị mất đất ra đứng đường. Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong đi đầu thực hiện việc đổi mới, sắp xếp các nông lâm trường. Cách mà địa phương này đã và đang làm là chuyển đổi các nông lâm trường thành Công ty trách nhiệm hữu hạn 2TV. Một số tỉnh ở phía Bắc cũng đang làm theo cách đó. Việc chuyển đổi này, hiện các đơn vị đã có đề án sắp xếp.

Điểm mấu chốt trong các đề án này chính là đất đai và việc làm của hàng ngàn con người. Hầu hết công nhân và hộ nhận khoán đất ở các Công ty Nông lâm nghiệp đều gắn bó qua nhiều thế hệ. Liệu mai này, lớp thế hệ đang có hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn 2TV nghỉ chế độ thì quyền lợi của thế hệ kế tiếp được giải quyết ra sao? Gia đình họ sẽ sống bằng gì nếu không có đất để sản xuất hoặc với việc sử dụng công nghệ cao, ít lao động thì những người chưa qua đào tạo sẽ sinh sống ra sao?

Nhiều hộ nhận khoán lo ngại rằng, đất được giao cho hộ dân sản xuất nông nghiệp trong khi Nhà nước đã miễn thuế nông nghiệp, còn doanh nghiệp thuê đất thì phải đóng thuế, không cẩn thận vẫn là “phát canh thu tô”. Riêng đề án của tỉnh Hòa Bình cho thấy vấn đề sắp xếp số lao động dôi dư sau khi chuyển đổi đang là bài toán nan giải. Giải pháp mà đề án đưa ra là số lao động dôi dư này sẽ được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước (?!).

Rõ ràng, vấn đề cấp bách sau chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty chính là việc làm cho người lao động. Ai cũng biết rằng, quy mô sản xuất của các Công ty trách nhiệm hữu hạn 2TV sẽ rất lớn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn được áp dụng công nghệ KHKT tiên tiến hiện đại, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp. Và điều tất yếu sẽ xảy ra là khi nông nghiệp phát triển mạnh, công nghệ càng cao thì sẽ dư thừa một lượng lớn lao động.

Bài toán đó giải quyết ra sao nếu không có một lộ trình? Chẳng hạn đi kèm với việc hoàn thiện đề án, dự án thì cần triển khai ngay việc tổ chức đào tạo, học nghề cho nhóm đối tượng là công nhân, nông dân vùng bị ảnh hưởng dự án để khi triển khai đồng loạt thì những lao động này không bị bỡ ngỡ và có thể nhập cuộc ngay. Qua đó, nhà đầu tư có đủ thời gian đánh giá, lựa chọn, bố trí lao động ở những vị trí phù hợp.

Đây cũng là vấn đề quan trọng nhất được Hội đồng cơ quan thường trực sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp (Bộ NN – PTNT) khi tiến hành thẩm định đề án của các địa phương đều đưa ra những yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết. Đồng thời lưu ý, việc kinh doanh của các Công ty trách nhiệm hữu hạn 2TV chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chuyên gắn với KHCN, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; không đầu tư vào sản phẩm và ngành nghề khác sản xuất nông nghiệp; không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có hành động được như những gì thể hiện trong các bản đề án được hoàn chỉnh thì may ra đây mới là cuộc cách mạng thực sự làm chuyển biến mạnh mẽ hoạt động công ty nông, lâm nghiệp, bằng không thì vẫn là “bình mới rượu cũ”, tệ hơn là tích tụ đất đai vào một số đối tượng mà thôi.

Lao động nông nghiệp qua đào tạo chiếm 5,09%

Vĩnh Phúc, một tỉnh đầu tư hàng đầu cho công tác đào tạo nghề cho nông dân “hậu công nghiệp”, tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh thì đến 1/10/2014, tổng số lao động của Vĩnh Phúc từ 15 tuổi trở lên là 518.477 người (trong đó 514.023 là người Vĩnh Phúc).

Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo là 22,33%. Cơ cấu lao động ngành nông nghiệp là 191.955 người.

Điều đáng nói, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ chiếm 5,09%. Đặc biệt, trung bình lao động nông nghiệp hiện tại chỉ dành 1/3 thời gian. Nếu sử dụng 100% thời gian cho lao động nông nghiệp thì 2/3 lao động nông nghiệp sẽ dôi dư, dẫn đến thừa lao động, thiếu việc làm ngày càng tăng.

Thời gian tới mỗi năm Vĩnh Phúc có từ 6.000 – 7.000 lao động tăng mới và khoảng 9.000 – 10.000 lao động có nhu cầu chuyển dịch khỏi ngành nông nghiệp thì áp lực chuyển đổi lao động và việc làm ngày càng gay gắt. Vấn đề này đã được tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia hàng đầu đến tham vấn, tuy nhiên câu chuyện hiện vẫn đang hết sức bế tắc.