Những phận người mòn mỏi bên rừng vàng

ThienNhien.Net – Người dân không được trồng cây lâu năm có giá trị, nghiêm cấm việc đào ao thả cá, san đất làm nền nhà. Nghèo đói, họ lại vào rừng để rồi trở thành lâm tặc. Đó là tình trạng đáng buồn đang diễn ra với hàng trăm hộ dân thuộc Vườn Quốc gia Bến En (Thanh Hóa).

Diễn tích đất canh tác cho các hộ dân trong vùng lõi rừng không nhiều lại phụ thuộc tự nhiên nên sản lượng không cao, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân
Diễn tích đất canh tác cho các hộ dân trong vùng lõi rừng không nhiều lại phụ thuộc tự nhiên nên sản lượng không cao, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân

Nghèo giữa rừng vàng 

Trải qua một đoạn đường dài khó đi, tôi tìm đến thôn Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân. Đón tôi là Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Sỹ, ông nói: “Chúng tôi sinh sống ở đây đã nhiều năm, mãi sau này Vườn Quốc gia (VQG) Bến En mới được thành lập. Hơn 20 năm qua, chúng tôi xin huyện cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài mà không được”.

Đầu những năm 1980, khi kinh tế đất nước còn khó khăn, Lâm trường Như Xuân được đặt tại vị trí thôn Xuân Đàm ngày nay. Sau khi lâm trường giải thể, một số công nhân không trở về quê cũ mà ở lại khai hoang đất. Do có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, một số hộ dân ở Nghệ An cũng từ biệt quê hương về đây lập nghiệp. Họ trở thành lớp người đầu tiên đặt nền móng cho việc ra đời thôn Xuân Đàm sau này. Năm 1987, thôn Xuân Đàm được thành lập với 15 hộ dân trực thuộc xã Hóa Quỳ và ông Nguyễn Hữu Sỹ được bầu làm Bí thư Chi bộ cho đến tận bây giờ.

Mùa xuân năm 1992, người dân trong vùng vô cùng mừng rỡ khi biết khu rừng của làng đã trở thành vườn quốc gia. Ông Sỹ chua xót kể: “Lúc đầu là vui mừng, sau này đến chán nản khi nghe tin làng giờ đã nằm trong vùng lõi của rừng nên sẽ không được cấp sổ đỏ, muốn trồng cây keo, cây gỗ để làm nhà cũng khó. Muốn trồng thì phải trồng trộm, nếu kiểm lâm phát hiện mình trồng họ sẽ nhổ cây lên. Nhiều cây keo trước kia được trồng đến thời kỳ thu hoạch nay bị cấm không cho chặt. Nhà dột nát, mối mọt, không có gỗ thay thế, dân vào rừng chặt cây về sửa nhà sẽ bị quy thành lâm tặc rồi bị xử phạt, tịch thu tang vật.

Nhiều nhà đông con, có con lớn xây dựng gia đình, muốn ở riêng cho rộng rãi, vậy mà ra vườn của nhà mình san cái nền đất làm nhà cũng bị phạt. Thấy máy xúc, máy ủi vào làng là kiểm lâm lại đuổi ra. Cứ như thế này, dân chúng tôi sống thế nào đây”. Trong thôn có anh Vi Văn Hải – thuê máy múc về đào nền nhà trên mảnh đất của gia đình – bị kiểm lâm phạt mất 3 triệu đồng. Người dân muốn đào thêm ao để thả cá theo mô hình VAC là điều không thể.

Tôi tìm đến nhà trưởng thôn Lô Văn Trung, ông bộc bạch trao đổi: “Làng tôi thành lập trước khi Vườn Quốc gia Bến En ra đời, hơn 20 năm qua, chúng tôi xin làm sổ đỏ mãi mà không được, bởi đất Xuân Đàm là đất của Bến En nên không thể cấp”.

Ông Trung đưa ra một hình ảnh so sánh khiến tôi hết sức thương cảm: “Nếu đứng trên đỉnh con dốc nơi có đặt trạm kiểm lâm kia nhìn Xuân Đàm và thôn bên cạnh sẽ có sự khác nhau rất nhiều. Chỉ cách nhau một con dốc thôi, bên kia dốc thôn người ta được trồng đồi keo, đồi caosu phát triển kinh tế nên giàu lắm, còn chúng tôi chỉ được trồng các loại hoa mầu ngắn ngày như sắn, ngô, lúa phụ thuộc tự nhiên, thị trường bấp bênh thì làm sao mà phát triển kinh tế, như thế thì lấy cái gì để xây dựng nông thôn mới đây?”.

Trong công sở làm việc của xã Hóa Quỳ, tôi có trao đổi câu chuyện với ông Bùi Văn Tỉnh – Bí thư Đảng ủy và bà Hoàng Thị Lương – Phó Bí thư Đảng ủy xã thì được chia sẻ: “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi có đứng ra kêu gọi các đại biểu xem xét giải quyết những thắc mắc cho người dân nhưng vẫn không có kết quả. Chúng tôi chỉ biết động viên người dân cố gắng vượt qua mà thôi”.

“Nghèo đói buộc chúng tôi làm lâm tặc”

Gặp tôi tại hội trường thôn, bà Lê Thị Phương – Phó Chi hội Người cao tuổi – bùi ngùi: “Trồng một vài cây ăn quả lâu năm xung quanh vườn phục vụ cho gia đình thì kiểm lâm cho trồng nhưng nếu trồng với quy mô lớn, diện tích vài ba sào thì không được, kiểm lâm sẽ nhổ lên. Nuôi con trâu, con bò không được chăn thả rông vào rừng, kiểm lâm sẽ đuổi ra vì họ sợ làm ảnh hưởng đến nguồn gen di truyền. Như vậy thì lấy đâu ra cái để mà xóa đói giảm nghèo, xóa đói giảm nghèo bằng cái gì được đây? Không có tiền mua gạo ăn, vào rừng hái ít măng đem bán cũng bị quy thành lâm tặc. Nếu nghèo đói buộc chúng tôi làm lâm tặc thì sao!”.

Nếu bà Phương lo lắng về cái nghèo, thì ông Lô Văn Chiều (70 tuổi) lại lo cho cái nghĩa địa “hậu sự” của người dân: “Chúng tôi sống vô gia cư, chết không nghĩa địa chôn cất, có nhà mà như không vì không có quyền sử dụng chính mảnh đất của mình, chết thì phải vào rừng đào một khoảng đất hẹp dưới gốc tre để chôn”.

Quả thật, những đòi hỏi về quyền lợi của người dân đến các cơ quan chức năng không phải không có lý khi ông Nguyễn Hữu Sỹ đưa ra con số thống kê “chắc như đinh đóng cột” và lấy cả uy tín của gần 30 năm làm Bí thư Chi bộ của mình ra khẳng định: Xuân Đàm có 50 hộ dân với 228 nhân khẩu, trong khi toàn thôn chỉ có 6ha đất trồng lúa gồm 2ha đất lúa một vụ, 4ha đất lúa 2 vụ. Do hệ thống thủy lợi tưới tiêu không có, nên 6ha lúa hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên theo dạng “được ăn cả, ngã về không”. Thu nhập bấp bênh nên có tới 90 người dân trong thôn phải sang các làng, xã bên cạnh làm thuê.

Đưa cho tôi Quyết định 24 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, ông Lô Văn Trung và ông Lê Văn Hảo Chi – Hội trưởng chi hội nông dân – cho biết: “Cứ tưởng Trung ương sẽ hỗ trợ cho mỗi thôn theo như quyết định đã hướng dẫn là 40 triệu đồng/ năm. Ba năm qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ kể trên”.

Tôi đem những thắc mắc của ông Trung, ông Hỏa trao đổi với ông Lê Bá Thọ – Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bến En, ông Thọ cho biết: “Chủ trương hỗ trợ 40 triệu đồng/năm cho mỗi thôn là có nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ do thiếu kinh phí Nhà nước. Mỗi năm, Nhà nước chỉ cấp kinh phí hỗ trợ cho 2 thôn nên 3 năm qua chúng tôi mới hỗ trợ được 6 thôn trong tổng số 34 thôn. Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho những thôn đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới”. Nếu đúng như ông Lê Bá Thọ trao đổi thì trong vòng 3 năm qua, Nhà nước đã nợ 34 thôn với số tiền lên tới hàng tỉ đồng.

Các hộ dân thôn Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân phản ánh với phóng viên
Các hộ dân thôn Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân phản ánh với phóng viên

Vẫn còn nhiều “Xuân Đàm”

Hiện tại, Vườn Quốc gia bến En có 34 thôn trực thuộc rừng đặc dụng, trong đó có 9 thôn: Xuân Đàm (xã Hóa Quỳ), Tân Thành, Tân Thịnh (xã Xuân Quỳ), Sơn Bình, Đức Bình, Thanh Bình, Sơn Thủy, Làng Lung, Dọc Nái (xã Tân Bình) huyện Như Xuân nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng. Đây là những thôn chịu nhiều thiệt thòi nhất vì khu vực họ sinh sống không có rừng sản xuất nên không thể trồng cây lâu năm để phát triển kinh tế. Riêng 25 thôn còn lại thuộc vùng đệm rừng đặc dụng tiếp giáp với rừng sản xuất, có thể trồng cây lâu năm nên kinh tế phát triển hơn so với 9 thôn nằm trong vùng lõi.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Bến En – cho biết: “9 thôn trên thuộc vùng lõi rừng nên theo đúng quy định sẽ không được cấp sổ đỏ, các hộ dân không được san ủi làm nền nhà, trồng cây lâu năm, đào thêm ao thả cá trên mảnh đất mà người dân đang ở, đó là quy định rồi nên không thể làm sai được. Riêng 25 thôn thuộc vùng rừng đệm lại có rừng sản xuất nên được trồng cây lâu năm. Vùng rừng đệm được cấp sổ đỏ nên người dân được làm nhà, san ủi đất, trồng cây lâu năm, đào ao thả cá trên mảnh đất của họ”.

Trong những năm qua, lãnh đạo Vườn Quốc gia bến En đã tiến hành nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân vùng lõi rừng, nâng cao việc bảo vệ rừng với phát triển kinh tế, ổn định đời sống các hộ dân. Gặp tôi tại cơ quan làm việc, ông Đặng Hữu Nghị – Giám đốc kiêm Hạt trưởng kiểm lâm – cho biết: “Chúng tôi đang làm tờ trình lên chính phủ đề xuất phương án cắt đất rừng giao cho các hộ dân, nếu chính phủ đồng ý chúng tôi sẽ tiến hành cắt đất giao quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ dân”.

Cùng chung biện pháp giải quyết như ông Nghị, ông Lê Bá Thọ – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia bến En – mở ra một tia sáng mới cho các hộ dân vùng lõi rừng: “Chúng tôi đã làm đề án cắt đất rừng giao cho các hộ dân và gửi lên chính phủ. Nếu cắt đất rừng từ 50ha trở lên theo luật phải được Quốc hội đồng ý. Quốc hội đồng ý, chúng tôi sẽ cắt đất giao quyền sử đất lâu dài cho các hộ dân vùng lõi. Khi đó, trên mảnh đất của mình các hộ dân có quyền san lấp nền nhà, đào ao thả cá, trồng cây lâu năm…”.