Khai thác khoáng sản: Lợi nhuận và trả giá

ThienNhien.Net – Khai thác khoáng sản được coi là một trong ba lĩnh vực có số vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất. Người lao động làm nghề này vừa phải đối mặt với ô nhiễm, thậm chí là nguy hiểm cả tính mạng. Trong khi đó, hầu hết người tới lao động trong lĩnh vực này lại không được huấn luyện, đào tạo về an toàn lao động (ATLĐ) đúng quy trình.

Công nhân mỏ đá
Công nhân mỏ đá

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, tai nạn lao động tại các mỏ khai thác đá xảy ra ngày càng nhiều là do công tác bảo đảm ATLĐ còn kém. Theo đó, các chủ cơ sở khai thác đá chưa chú ý tới việc đào tạo công nhân làm việc, như việc đánh mìn không theo quy trình. Trong khi đó, các phương tiện như máy móc, thiết bị khai thác tại các mỏ đá còn thiếu, máy móc cũ kỹ nên không đảm bảo ATLĐ và vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, qua kiểm tra tại các mỏ đá, số cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về khai thác mỏ, địa chất có trình độ trung cấp trở lên chưa nhiều, số công nhân làm việc trực tiếp tại các mỏ đá được đào tạo chính quy tại các trường công nhân nghề mỏ là rất ít. Từ đó dẫn đến hoạt động khai thác không đảm bảo quy trình.

Đơn cử như Thanh Hóa hiện có gần 300 mỏ, điểm mỏ với 42 loại khoáng sản. Những năm qua, hoạt động chế biến, khai thác đá đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) trong khai thác đá vẫn còn nhiều bất cập, bởi một bộ phận người lao động, chủ sử dụng lao động thực hiện chưa nghiêm túc công tác ATLĐ, khiến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra…

Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH Thanh Hóa, năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 44 vụ tai nạn lao động tại 33 doanh nghiệp, làm 21 người chết, 31 người bị thương, trong đó 17 vụ có người chết, 5 vụ có từ 2 người chết trở lên. Còn ở tỉnh Phú Thọ, năm 2014, toàn tỉnh cũng đã xảy ra 16 vụ tai nạn lao động với 17 người gặp nạn trong đó có 4 người chết, 2 người bị thương nặng, 1 người bị thương nhẹ.

Trong giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản có quy định doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít doanh nghiệp khai thác thực hiện nghiêm túc quy định này.

Về phía chủ các doanh nghiệp khai thác đá cũng chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật khai thác, trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân. Nhận thức của bản thân người lao động về vai trò của công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh sản xuất, phòng chống tai nạn cho chính bản thân cũng còn hạn chế.

Một nguyên nhân quan trọng khác ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình khai thác ở các mỏ đá thời gian qua là sự phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá giữa các cấp, ngành địa phương còn chưa rõ ràng, thống nhất, thiếu các chế tài xử lý vi phạm, nhất là những vi phạm về kỹ thuật an toàn trong thiết kế và thi công khai thác đá. Đặc biệt, chính quyền ở các địa phương, vẫn để cho tình trạng khai thác trái phép, không phép xảy ra trong thời gian dài.

Để không còn những vụ tai nạn thương tâm các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương có các mỏ đá trên địa bàn cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, rà soát mức độ bảo đảm an toàn của các mỏ đá, kiên quyết dừng khai thác, rút giấy phép và không cấp phép mới đối với những mỏ không đảm bảo an toàn trong khai thác.