Gần một nửa số sinh vật biển đã biến mất chỉ sau một thế hệ

ThienNhien.Net – Những yếu kém trong công tác quản lý đại dương đã dẫn đến tình trạng gần một nửa các sinh vật biển có vú, chim chóc, bò sát và các loài cá trên thế giới biến mất chỉ sau một thế hệ. Đây là khẳng định của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) trong một ấn phẩm khẩn cấp của Báo cáo Living Blue Planet (tạm dịch là Hành tinh xanh đang sống).

Ấn phẩm tiết lộ, quần thể sinh vật biển có xương sống đã giảm 49% trong giai đoạn từ 1970 đến 2012. Con số này lên tới gần 75% đối với một số loài cá. Chẳng hạn, họ Cá bạc má gồm cá thu, cá ngừ đã giảm 74% từ năm 1970 đến năm 2010.

Đó là lí do vì sao ấn phẩm trên được gắn mác “khẩn cấp”. Tình trạng này cũng được Tổng giám đốc WWF Quốc tế, ông Marco Lambertini dùng hai từ “khủng hoảng” để miêu tả trong lời mở đầu báo cáo.

Rùa xanh bơi ở biển thuộc bang Queensland, Úc (Ảnh: WWF)
Rùa xanh bơi ở biển thuộc bang Queensland, Úc (Ảnh: WWF)

Báo cáo đã rà soát 5829 quần thể của 1234 loài và cung cấp một cái nhìn bao quát hơn về tình trạng của đại dương so với các nghiên cứu trước đó.

Trước thực trạng các loài phục vụ cho thương mại thủy sản và thực phẩm toàn cầu đang bị suy giảm nghiêm trọng, báo cáo nhấn mạnh tác động của ngành thủy sản và vai trò của khối tư nhân trong nỗ lực giảm tỷ lệ đánh bắt quá mức.

Một ví dụ về trách nhiệm của khối tư nhân là cam kết theo hướng bền vững giữa công ty cá hồi Australia Tassal và nhà bán lẻ Coles. Theo đó, chính sách cung ứng bền vững năm 2015 của Coles đối với nhãn hiệu cá ngừ đóng hộp là “không sử dụng nguyên liệu cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây xanh phía Nam hay cá ngừ mắt to, tất cả các loài bị đánh bắt quá mức, hoặc có nguy cơ bị khai thác quá mức”. Tuy nhiên, chính sách đã bị phát hiện vi phạm vào cuối tháng 8 vừa qua.

Chú chim cánh cụt bị bao phủ bởi dầu do sự cố tràn dầu ngoài khơi bờ biển của đảo Robben, Nam Phi (Ảnh: Martin Harvey / WWF)
Chú chim cánh cụt bị bao phủ bởi dầu do sự cố tràn dầu ngoài khơi bờ biển của đảo Robben, Nam Phi (Ảnh: Martin Harvey / WWF)

Trách nhiệm trên không chỉ thuộc về ngành thủy sản mà còn thuộc về chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới. “Đại dương chưa được tập trung bảo tồn như các hệ sinh thái khác, đặc biệt là tại các Quốc đảo như Solomon, Papua New Guinea, Philippines và Indonesia – nơi phần lớn dân số coi đó là kế sinh nhai. Chúng ta luôn chỉ nghĩ tới các khu bảo tồn như một giải pháp môi trường chứ không nghĩ đến lợi ích sinh kế – một lợi ích không kém phần quan trọng đối với con người”, Richard Leck, Giám đốc chương trình Đại dương của WWF Australia khẳng định.