Nghiên cứu mới tiết lộ mối nguy cho thực vật có hạt

ThienNhien.Net – Từ lâu, chúng ta đều quan niệm rằng các loài động vật có thân hình to lớn đều chỉ ăn các loại hạt lớn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học New South Wales Australia công bố trên Tạp chí Global Ecology and Biogeography đã bác bỏ điều này.

Trong nghiên cứu này, Nghiên cứu sinh Si Chong Chen cùng Giáo sư Angela Moles (Khoa Khoa học Môi trường, Trái đất và Sinh vật – Đại học New South Wales Australia) đã thu thập, phân tích dữ liệu hơn 13.000 kiểu tương tác giữa các loài động vật và thực vật có hạt, dựa trên các nghiên cứu liên quan đã được công bố trước đó.

Voi Châu Phi đang ăn lá cây Balanites wilsonia (Ảnh: theecoreport.com)
Voi Châu Phi đang ăn lá cây Balanites wilsonia (Ảnh: theecoreport.com)

Đây là nghiên cứu quy mô lớn, toàn diện đầu tiên về mối quan hệ giữa trọng lượng cơ thể động vật và kích thước hạt mà chúng tiêu hóa.

Nghiên cứu được tiến hành trên toàn bộ các nhóm động vật có xương sống (từ cá, động vật lưỡng cư, bò sát tới chim và thú) và ở nhiều khu vực địa lý khác nhau (từ vùng đất đóng băng lâu năm ở Bắc Cực tới các rừng mưa nhiệt đới).

Loại hạt nhỏ nhất được nghiên cứu là hạt của loài dâu dại trên núi và là thức ăn của loài động vật nhỏ nhất trong nghiên cứu, loài thằn lằn bóng chân ngắn sống trên đảo Chatham gần New Zealand.

Hạt lớn nhất trong nghiên cứu dài 9cm, là hạt của cây Balanites wilsonia ở rừng nhiệt đới Châu Phi. Hạt cây Balanites wilsonia cũng là thức ăn của loài voi Châu Phi, loài động vật lớn nhất trong nghiên cứu với trọng lượng khoảng 4 tấn.

“Trước đây, chúng ta thường cho rằng kích thước cơ thể động vật tỷ lệ thuận với kích thước hạt mà chúng ăn. Những động vật lớn ăn các loại hạt lớn của những quả có nhiều thịt. Tuy nhiên, giả thuyết này không đúng vì khi quan sát kỹ sẽ thấy các loài động vật lớn như trâu, bò, nai và ngựa vằn cũng tiêu hóa hàng trăm loại hạt nhỏ khi chúng gặm cỏ trên những cánh đồng.” – Ông Chen nói.

Phát hiện của nghiên cứu có nhiều ý nghĩa với công tác bảo tồn, làm thay đổi quan điểm về ảnh hưởng của việc mất các động vật lớn (do nạn săn bắn, mất môi trường sống và biến đổi khí hậu tới) tới các loài thực vật nhỏ. Nếu các động vật lớn tuyệt chủng, thì không chỉ các loài cây hạt lớn mà cả cây hạt nhỏ đều gặp nguy hiểm vì thiếu những đối tượng phát tán hạt quan trọng.