Cá sư tử đe dọa cân bằng sinh thái tự nhiên vùng biển Panama

ThienNhien.Net – Cơ quan Quản lý tài nguyên dưới nước Panama (ARAP) đã chính thức tuyên chiến với loài cá sư tử, có tên khoa học là Pterois volitans – loài động vật xâm lấn đang đe dọa cân bằng sinh thái tự nhiên tại vùng biển Caribe.

ARAP đã xây dựng một dự luật về phòng chống loài cá này, trong đó bao gồm việc khuyến khích ngư dân, các nhà hàng tích cực đánh bắt và tiêu thụ loài cá này bằng việc giảm thuế cấp địa phương, thu 0,25 USD của mỗi du khách quốc tế tới một số địa phương ven biển của Panama… Tiền thu được sẽ chi cho công tác kiểm soát loài cá này.

Cá sư tử đe dọa cân bằng sinh thái tự nhiên của vùng biển Panama (Nguồn: sercblog.si.edu)
Cá sư tử đe dọa cân bằng sinh thái tự nhiên của vùng biển Panama (Nguồn: sercblog.si.edu)

Báo cáo của ARAP cho biết dù chỉ có chiều dài từ 30-40cm khi trưởng thành, nhưng cá sư tử đang trở thành mối đe dọa lớn nhất tại vùng biển Caribe với tốc độ sinh sản nhanh chóng (cứ 5 ngày 1 con cái có thể đẻ ra từ 15.000-30.000 trứng), khả năng thích nghi cao (có thể sống ở độ sâu từ 10-170m, trong nhiều điều kiện môi trường và hệ sinh thái biển khác nhau), và tính cách dữ tợn khi săn tìm thức ăn.

Những chiếc gai tua tủa của loài cá này có nọc độc làm tê liệt con mồi. Đối với con người, nọc độc này có thể gây đau đớn và chỉ có thể xoa dịu bằng cách dùng nước ấm.

Loài cá ăn thịt này có khả năng “dọn dẹp” tới 90% lượng sinh vật của một rạn san hô, bao gồm nhiều loài cá nhỏ, đa số có giá trị thương mại, các loài nhuyễn thể và giáp xác, kể cả tôm hùm con.

Một số hiệp hội ngư dân Panama cho biết sản lượng đánh bắt của họ có lúc đã sụt giảm tới 50% trong những năm qua do bị cá sư tử “cướp mồi.”

Cá sư tử có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương và phía Tây của Thái Bình Dương. Các nhà khoa học cho rằng chúng di cư tới biển Caribe là do tình cờ và tại môi trường không có các kẻ thù tự nhiên này, chúng tăng trưởng với tốc độ không kiểm soát nổi.

Nguồn: