TP.HCM: Sắp có hai tuyến “xe buýt” đường thủy

ThienNhien.Net -UBND TP.HCM vừa đồng ý phê duyệt dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOO) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là vào thời gian cao điểm, giảm thiểu thời gian lưu thông và ô nhiễm khí thải trong nội đô thành phố.

Phạm vi dự án là khu vực thuộc vùng nội đô trung tâm thành phố, đi qua các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ.

Cụ thể, tuyến Bặc Đằng – Linh Đông dài 10,8km, có 7 bến, đi qua các quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2 và quận Thủ Đức. Lộ trình: Từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông – Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại.

TPHCM với lợi thế có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, có tiềm năng rất lớn trong hoạt động vận tải hành khách và phát triển du lịch bằng đường thủy (Ảnh: Lao Động)
TPHCM với lợi thế có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, có tiềm năng rất lớn trong hoạt động vận tải hành khách và phát triển du lịch bằng đường thủy (Ảnh: Lao Động)

Tuyến Bạch Đằng – Lò Gốm dài 10,3km, cũng có 7 bến dừng đi qua quận 1, 4, 5, 6, 8. Tuyến bắt đầu từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ và kết thúc ở Bến Lò Gốm (quận 6) và ngược lại.

Khu bến trung tâm của 2 tuyến sẽ được xây dựng ở quận Thủ Đức với diện tích khoảng 3ha gồm các hạng mục: Bến đón trả khách, Khu vận hành bảo dưỡng và neo đậu tập kết tàu về đêm; Khu nhà điều hành và các công trình khác phục vụ hoạt động, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.

Ngoài ra, các bến khác có diện tích khoảng 50m2 gồm khu đón trả khách, kiốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh… Riêng bến Bạch Đằng sẽ do thành phố quy hoạch và xây dựng.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 128 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Nguồn thu của dự án chủ yếu từ hoạt động bán vé. Nhà đầu tư phải đảm bảo nguồn thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Ngân sách thành phố sẽ không cấp bù nếu doanh thu không hiệu quả.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020 đơn vị sẽ đầu tư 10 phương tiện có sức chứa tối thiểu 60 chỗ. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.

Theo Sở GTVT TP.HCM với lợi thế có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, với tổng chiều dài đường thủy có thể khai thác vận tải hơn 1.000km, thuận lợi và có tiềm năng rất lớn trong hoạt động vận tải hành khách và phát triển du lịch bằng đường thủy.

Việc đầu tư xây dựng hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là vào thời gian cao điểm.