Chuỗi liên kết lâm nghiệp: DN chưa chủ động tìm đến người dân

ThienNhien.Net – Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ cần chủ động liên kết với nông dân để tối ưu hóa lợi nhuận của các bên.

Chiến lược phát triển của ngành gỗ là giảm dần tỷ trọng gỗ nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh nguồn cung trong nước, đặc biệt từ rừng trồng, tạo nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ.

Từ thực tế thành công bước đầu của một số mô hình liên kết theo chuỗi sản phẩm lâm nghiệp, ngoài cơ chế khuyến khích của nhà nước, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ cần chủ động liên kết với nông dân để tối ưu hóa lợi nhuận của các bên, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Người trồng rừng vẫn “tự bơi”

Anh A Lăng Mười – Trưởng thôn Bút Nga, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết, thôn hiện có 46 hộ thì có tới 32 hộ nghèo. Những năm qua, nhờ trồng rừng xen canh nên nhiều hộ thoát nghèo và đỡ nghèo hơn. Tuy nhiên, diện tích đất rừng của mỗi hộ hiện nay còn thấp so với nhu cầu, chủ yếu rừng trồng là do đất cha ông để lại nên diện tích không đồng đều, trung bình mỗi hộ chỉ có 1 – 2 ha.

Thiếu đường lâm nghiệp, nhiều người dân thôn Bút Nga vẫn phải vận chuyển gỗ rừng trồng qua con suối nhỏ này.
Thiếu đường lâm nghiệp, nhiều người dân thôn Bút Nga vẫn phải vận chuyển gỗ rừng trồng qua con suối nhỏ này.

Không chỉ thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, các hộ trồng rừng còn gặp khó khăn trong vận chuyển gỗ vì chưa có đường lâm nghiệp từ rừng ra nơi tập kết gỗ. Hầu hết người dân trong thôn Bút Nga cũng như xã Sông Kôn hiện nay tự thỏa thuận với tư thương để bán gỗ: “Rõ ràng là manh mún, thiếu tập trung. Khi cây đến tuổi, hai bên thống nhất với nhau giá bán xong, mới làm giấy xin khai thác”, anh A Lăng Mười cho hay.

Phân tích thông tin về sự manh mún, ông Đặng Công Quang, Phó TGĐ Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam ví von: “Trồng rừng ở ta bây giờ như trồng lúa. Bình quân mỗi hộ có trên dưới 1 ha rừng, mỗi nhà một mảnh. Đến khi khai thác cũng không đồng bộ, có cây trồng chưa đủ tuổi nhưng vì cần tiền, nhiều hộ vẫn cứ bán. Trong khi nguồn vốn ưu đãi hạn chế, kỹ thuật lạc hậu nên chất lượng, giá cả thấp.”

“Manh mún, đơn lẻ” không chỉ diễn ra ở một địa phương, ông Nguyễn Như Độ, Chi cục trưởng chi cục Kiểm Lâm Cà Mau cho biết: “Một trở ngại cho xu thế liên kết ở tỉnh này là diện tích giao khoán cho các hộ dân nhiều nhất từ 2- 4 ha đối với rừng đước; 3- 5 ha đối với rừng tràm tạo nên những mảnh rừng nhỏ, không tập trung”.

Đến nay cả nước đã giao đất, giao rừng cho hơn 2 triệu chủ rừng, bao gồm các DN, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Theo ông Hứa Đức Nhị – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đa số chủ rừng hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết. Nhiều quyền và nghĩa vụ của chủ rừng rất khó thực hiện đối với mỗi chủ rừng đơn lẻ, nhất là hộ gia đình, cá nhân.

Chủ động liên kết với nông dân

Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, một DN trực thuộc sở Nông nghiệp tỉnh, đã cổ phần hóa từ năm 2006. Công ty hiện có gần 1700 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và đang quản lý 4.100 ha rừng trồng tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng, trong đó nhiều diện tích theo hình thức khoán, đặt hàng với các hộ ở địa phương.

Với quy trình khép kín từ trồng rừng, khai thác, chế biến đến xuất khẩu, công ty luôn chủ động sản xuất các đơn hàng lớn, chủ động về giá sản phẩm vì có nguồn nguyên liệu ổn định. Riêng mặt hàng đồ gỗ ngoài trời, DN này xuất sang EU mỗi năm khoảng 4 triệu USD bằng gỗ hợp pháp theo quy chế gỗ của châu Âu.

Một mô hình nữa được coi là thành công bước đầu. Đó là mô hình hợp tác, liên kết giữa HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (Hải Lăng) với Công ty TNHH MTV Quảng Trị.

Ông Đặng Công Quang - PTGĐ Cty CP Lâm đặc sản XK Quảng Nam.
Ông Đặng Công Quang – PTGĐ Cty CP Lâm đặc sản XK Quảng Nam.

Theo khảo sát của Vụ Quản lý Sản xuất lâm nghiệp (TCLN), những năm qua, 30 hộ dân của HTX Phú Hưng cùng nhau trồng 275 ha rừng sản xuất gỗ lớn và trồng, chăm sóc 105 ha rừng thông lấy nhựa. HTX làm đại diện, liên kết các hộ trồng rừng để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm giảm chi phí, nên đã có hàng nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ này. Năm 2014, tổng doanh thu của HTX đạt 5,5 tỉ đồng, thu nhập của xã viên ổn định và tăng liên tục so với trước.

Để tiêu thụ được sản phẩm và giúp nông dân yên tâm lao động, Công ty TNHH MTV TM Quảng Trị liên kết với HTX Phú Hưng. Theo cam kết, Công ty ứng trước 4 triệu đồng/ha đối với diện tích rừng của các thành viên HTX chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Toàn bộ sản phẩm được DN thu mua với giá cao hơn so với thị trường từ 17%- 20% để sản xuất gỗ ghép thanh xuất khẩu sang EU, Hoa Kỳ và sản xuất viên gỗ nén năng lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Trên thực tế, mô hình hoạt động và liên kết như hai doanh nghiệp trên chưa nhiều. Đa số doanh nghiệp hiện vẫn mua nguyên liệu qua trung gian, còn người trồng rừng vẫn phải “tự bơi” nên hai bên chưa thể đạt tối đa lợi ích do các khâu của chuỗi giá trị lâm nghiệp bị cắt khúc.

Để doanh nghiệp và chủ rừng liên kết

Theo Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), hiện cả nước có gần 2 triệu ha rừng trồng là rừng sản xuất được giao cho các hộ gia đình, cá nhân. Cách làm này đang bộ lộ nhiều hạn chế, yếu kém, thu nhập và đời sống của đa số người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn, trong khi nhiều lâm trường, công ty lâm nghiệp nhà nước đổi mới chậm và tình trạng phá rừng trái phép vẫn tiếp tục xảy ra.

Sau 2 năm Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp được triển khai, đến nay vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu lâm nghiệp tại địa phương mình, do đó, mối liên hệ giữa sản xuất với tiêu thụ thường thông qua trung gian nên không ổn định, thiếu minh bạch và bị ép giá, ép cấp làm thiệt hại cho người sản xuất.

Mặt khác do tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn tiếp diễn nên nhiều hợp đồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu giữa người trồng rừng với DN không thực hiện được. Đây là những “lực cản” chủ yếu đối với chuỗi liên kết, hợp tác trong lâm nghiệp thời gian qua.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngoài việc tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ rừng liên kết, trong năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành “Nghị định về phát triển rừng sản xuất gắn với chế biến và thương mại lâm sản”. Trong đó chú trọng khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi sản phẩm trong lâm nghiệp.

Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách phát triển rừng sản xuất đối với một số hạng mục về xây dựng nguồn giống, hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống chất lượng, đường lâm nghiệp, chi phí vận chuyển lâm sản, vì hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn vốn.

Từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết, theo ông Đặng Công Quang, Phó TGĐ Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam: “Cần nhanh chóng sắp xếp, tạo cơ chế thuận lợi cho các nông, lâm trường, HTX trồng rừng. Khi đáp ứng yêu cầu về sản xuất theo chuỗi, nông dân vừa là cổ đông, vừa là người lao động, ngoài lương họ vẫn được hưởng cổ tức”.

Về sử dụng hiệu quả đất rừng, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Tuyên Quang – Nguyễn Công Lâm, đề xuất: “Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích tích tụ đất canh tác, đa dạng hình thức huy động vốn, đầu tư giống tốt, canh tác đúng kỹ thuật, kịp thời vụ là khâu then chốt quyết định sự thành công trong sản xuất rừng”.

Đối với DN, các chuyên gia về lâm nghiệp đưa ra “lời khuyên”: “Không có cách nào tốt hơn là các DN trên từng địa bàn phải chủ động làm nòng cốt trong mối liên kết với các nông hộ thông qua các tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện. Cần bắt đầu từ việc hỗ trợ đầu tư sản xuất, thực hiện bao tiêu sản phẩm nguyên liệu, chế biến sâu và phát triển thị trường ổn định, bền vững”.

Được biết, thời gian tới Hội Chủ rừng Việt Nam sẽ được thành lập để giúp chủ rừng nắm bắt thông tin các quy định về quản lý rừng; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ rừng trên cả nước, hướng tới mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

“Tổng sản lượng gỗ trong nước có khả năng cung cấp cho công nghiệp chế biến đến năm 2015 là 10,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu; năm 2020 là 14,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nguyên liệu. Đến năm 2030 là sản lượng nguyên liệu gỗ nội địa đạt 24,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu”(Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT)
Nguồn: