Trang bị kỹ năng sống cần thiết để an toàn trước thiên tai

ThienNhien.Net – Ngay sau trận “cuồng phong” gây thiệt hại lớn cho Thủ đô Hà Nội, phóng viên baotainguyenmoitruong.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Thông tin KTTV và Phòng tránh thiên tai, Cục KTTV & BĐKH, Bộ TN&MT về những phương pháp phòng tránh những hiện tượng thời tiết cực đoan cục bộ xảy ra đặc biệt là với các đô thị.

Ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Thông tin KTTV và Phòng tránh thiên tai, Cục KTTV & BĐKH, Bộ TN&MT trả lời phỏng vấn Báo TN&MT chiều 15/6. (Ảnh: Việt Hùng)
Ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Thông tin KTTV và Phòng tránh thiên tai, Cục KTTV & BĐKH, Bộ TN&MT trả lời phỏng vấn Báo TN&MT chiều 15/6. (Ảnh: Việt Hùng)

PV: Thưa ông, hiện tượng dông lốc cục bộ với mức gió giật cấp 8, cấp 9 xảy ra vào chiều 13/6 vừa qua tại Hà Nội có thể nhìn nhận đó là một trong những hiện tượng thời tiết đặc biệt hay không?

Ông Nguyễn Đức Cường: Dông, lốc là hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra trong thời gian chuyển tiếp sau những ngày hay mùa nắng nóng và ngày mưa hay mùa mưa. Tuy nhiên, dông lốc với sức gió giật mạnh như đã xảy ra vào chiều 13/6 vừa qua thì là những hiện tượng thời tiết rất hiếm gặp. Theo thống kê của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thì đây là cơn dông, lốc mạnh nhất trong khoảng 30 năm trở lại đây. Sức gió đo được ở một số nơi lên đến trên 100 km/h.

Với những thiệt hại cho Thủ đô mà các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đưa tin, có thể nói đây là một trong những hiện tượng thời tiết cực đoan cục bộ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nhất trên địa bàn Thủ đô trong thời gian gần đây.

PV: Trước những hiện tượng thời tiết cực đoan như thế này, ở Việt Nam đã có những quy định về cảnh báo, dự báo như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Dông, lốc là một trong các loại hình thiên tai cực đoan mà đến nay thế giới cũng như Việt Nam chưa thể dự báo được trước. Các thông tin cảnh báo về thiên tai này chỉ có thể đưa ra trước trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 giờ trở lại. Ví dụ như ở Mỹ cũng chỉ đưa ra cảnh báo về lốc xoáy, vòi rồng trước khoảng 15 phút, còn ở Việt Nam với trang thiết bị và công nghệ dự báo hiện tại có thể cảnh báo dông, lốc xảy ra ở một số thành phố lớn trước khoảng từ 1 giờ hoặc 2 đến 3 giờ trở lại. Cụ thể ngày 13/6 vừa rồi, Trung tâm dự báo KTTV Trung ương đã đưa ra bản tin cảnh báo về cơn dông này vào lúc 16h15 tức là trước khi cơn dông xảy ra khoảng 40 – 45 phút. Thông tin này đã được đăng tải trên Website của Trung tâm.

PV: Như vậy là đã có cảnh báo, và theo quy định thì bản tin này sẽ được công bố như thế nào đến với người dân thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Dông lốc là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có diễn biến rất nhanh, nên rất khó cảnh báo sớm. Năm nay, với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, nắng nóng sẽ nhiều hơn, kèm theo đó mưa dông cũng nhiều hơn, nên cơ quan dự báo mong muốn tiếp tục được sự sát cánh của các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo cho cơ quan chỉ đạo và người dân để chủ động phòng, tránh.

Như đã nói ở trên, dông lốc là một trong những thiên tai hiện nay vẫn chưa thể dự báo được, vì vậy theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, thì dông lốc sẽ được cảnh báo và ban hành theo bản tin độc lập, hoặc lồng ghép trong bản tin dự báo thời tiết phù hợp với các thời  điểm dự báo của cơ quan KTTV. Bản tin cảnh báo này sẽ được cung cấp tới các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan chỉ đạo phòng chống và người dân trong thời gian chậm nhất là 15 phút sau khi hoàn thành bản tin.

PV: Nói như vậy, có nghĩa trước và trong mỗi mùa mưa bão, chính quyền các cấp cần phải có những biện pháp phòng tránh phổ biến đến người dân?

Ông Nguyễn Đức Cường: Đúng vậy, trước mỗi mùa hàng năm, từ cấp Trung ương đến tỉnh, thành và chính quyền cấp huyện, thị đều phải kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và xây dựng kế hoạch đồng thời cập nhật, tuyên truyền những biện pháp phòng tránh và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013, dông lốc là một trong những thiên tai được quy định cấp độ rủi ro thiên tai. Cùng với đó, Luật cũng quy định phải xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng loại thiên tai theo từng cấp độ. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã đưa ra định hướng hướng dẫn để các địa phương xây dựng phương án, và theo kế hoạch  trong năm 2016 các địa phương phải xây dựng các phương án để ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn mình. Trong thời gian từ nay đến 2016 các tỉnh, thành, địa phương cần tăng cường các biện pháp, phương án, tuyên truyền, trang bị kiến thức để người dân hiểu rõ và có biện pháp tự chủ động phòng tránh những hiện tượng thời tiết cực đoan, những loại hình thiên tai có thể xảy ra.

PV: Cụ thể, theo ông, người dân cần những kỹ năng gì để đối diện với loại hình thiên tai này?

Ông Nguyễn Đức Cường: Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế, phòng tránh dông lốc, sét không quá phức tạp, người dân có thể giảm thiểu thiệt hại của loại thiên tai này bằng các biện pháp sau: Trước khi mùa mưa đến người dân nên thường xuyên chằng, chống, tu sửa lại nhà cửa đảm bảo chắc chắn và kín gió, nên xây dựng các hầm, hay nơi trú tránh an toàn trong gia đình nếu có dông, lốc xảy ra. Không để cây cao gần nhà ở đề phòng gió lốc làm đổ cây, gẫy cành, sét đánh gây hại cho người và nhà cửa. Các nhà lợp brô xi măng hay tôn phải liên kết kèo với cột, tường chắc chắn, đóng cửa kín khi gió lớn tránh bị tốc mái nhà.

Khi có dông, lốc xoáy, mưa đá, mọi người không được chạy ra ngoài mà cần tìm nơi ẩn nấp.Trong cơn mưa khi có hiện tượng sấm chớp, gió mạnh người dân nên không đi đứng ngoài đồng trống hoặc ở các vị trí cao, không đứng gần những mục tiêu cao, trơ trọi như cột thu lôi, cột ăng ten. Không cầm hay đứng gần các dụng cụ lao động, máy móc bằng kim loại như; cuốc, xẻng,… Không nên ngồi gần các cửa sổ có khung sắt, không nên nghe và gọi điện thoại khi trời đang mưa dông, không nên cho con em tắm mưa nhất là khi mưa có dông, sét… Chính quyền các cấp bằng nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân địa phương cách phòng tránh dông, lốc, sét. Các gia đình nên chỉ dẫn biện pháp phòng tránh cho con em mình, những người có kinh nghiệm nên phổ biến, hướng dẫn những người xung quanh. Nếu những biện pháp phòng tránh dông, lốc, sét được phổ biến rộng rãi, thì sẽ giảm thiểu đáng kể những thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân.

Có thể nói, để sống một cách an toàn nhất trước những hiện tượng thời tiết cực đoan, mỗi người dân đều cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, những kỹ năng sống cần thiết để chủ động tìm ra các biện pháp an toàn nhất cho bản thân.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!