Mắc ca: Lường trước tình huống xấu

ThienNhien.Net – Chưa trả lời được câu hỏi về chất lượng quả và cây nên quy hoạch vùng trồng mắc ca ba năm qua vẫn chưa ký được. Do vậy, Bộ NN- PTNT sẽ nhanh chóng công bố chính thức quy hoạch ngành hàng trong năm nay. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN- PTNT, Hà Công Tuấn với DĐDN.

15062015_maccaluongtrctinhhuongxau-Thưa ông, mặc dù chúng ta đã trồng được 20.000 ha nhưng đến nay, quy hoạch về ngành này vẫn còn “lơ lửng”?

Cây mắc cao được đưa vào VN từ năm 1994 nhưng 20 năm qua, đến đầu năm 2014, Bộ mới công nhận được 10 giống mắc ca. Nhiều giống dù trồng ở nước ngoài có hiệu quả cao song về VN lại không có quả. Đáng nói hiện nay tại một số địa có một số người đang nhân cơ hội xã hội đang quan tâm phát triển cây mắc ca để đưa giống kém chất lượng.

Do vậy, về dài hạn, chúng tôi đang hoàn thiện xem xét quy hoạch ngành hàng cây mắc ca. Ở VN có nhiều vùng thổ nhưỡng đất đai, khí hậu có thể trồng được cây mắc ca, nhưng quy hoạch ngành hàng là phải đạt mục đích cuối cùng là hiệu quả cao nhất, đảm bảo phát triển bền vững.

– Có thông tin Bộ đã quy hoạch phát triển cây mắc ca 10.000 ha từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, con số này thực chất đã vượt quá quy hoạch, bởi diện tích trồng mắc ca thời điểm này đã là 5.000 ha, thưa ông?

Con số 10.000 ha thực chất là định hướng ngắn hạn chứ chưa phải là quy hoạch. Trước tình trạng giống kém chất lượng, chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát vì tình trạng chất lượng giống không đảm bảo hết sức nguy hại.

Qua khảo nghiệm, nhiều giống thực sinh trồng mất thời gian 7-9 năm nhưng có nhiều cây không có quả. Vì thế người nông dân chỉ trồng giống cây mắc ca được trồng từ giống ghép, giống có chất lượng, được trồng từ những vùng đã khảo nghiệm, đánh giá có hiệu quả. Qua đây chúng tôi cũng thiết tha đề nghị người trồng tự mình cố gắng phải thực hiện những cái có lợi cho mình, thưc hiện theo đúng khuyến cáo của Nhà nước, không bất chấp trồng bằng mọi giá bởi người thiệt hại trước hết là người dân.

– Ngoài giống và quy hoạch, ông có khuyến cáo gì đối với người dân muốn đầu tư sản xuất loại cây này?

Muốn phát triển sản xuất, dứt khoát phải gắn với điều kiện chế biến và bảo quản. Để đảm bảo chất lượng tiêu thụ ở thị trường thế giới, chúng ta không thể cứ thu lượm rồi mang phơi như hạt cà phê, như vậy sẽ làm hỏng chất lượng mắc ca và ngay cả các cơ sở chế biến cũng sẽ không mua.

Tôi được biết, quả mắc ca trong 24 tiếng sau khi thu lượm phải chế biến và sau 3 tiếng khi tách hạt ra khỏi vỏ phải đưa vào sấy nhiều tuần, rồi bảo quản trong điều kiện nhà kho đặc biệt, đảm bảo điều kiện thích hợp không quá 16 độ C và độ ẩm không quá 10%.

Những điều kiện đó phải đi liền với nhau từ DN, chế biến đến người nông dân. Nếu chúng ta chỉ ngắt từ cây trồng ra trái nhưng không giải quyết tốt việc bảo quản sau chế biến thì rất dễ lặp lại bài học của Nam Phi. Họ cũng có sản lượng mắc ca cao tương đương Australia nhưng thu nhập tổng thể của họ chỉ bằng nửa, do không làm tốt việc bảo quản, thu hoạch, phân loại. Nếu chúng ta không làm tốt từ khâu thu hoạch đến bảo quản thì thậm chí, còn không tiêu thụ được.

– Xin cảm ơn ông !