"Chúng ta không giàu tài nguyên như vẫn nghĩ" – Kì cuối

ThienNhien.Net – Vấn đề khai khoáng ở nước ta, bên cạnh việc cấp phép theo cơ chế "xin – cho" dễ dãi là sự thiếu nghiêm túc, chặt chẽ trong giám sát quá trình khai thác và hậu kiểm. Tồn tại phố biến tình trạng doanh nghiệp lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong khai thác khoáng sản, chủ yếu để đối phó với cơ quan chức năng. Việc làm chiếu lệ này của doanh nghiệp khiến mối họa ô nhiễm môi trường ở nước ta do khai khoáng ngày càng bức bách.


“Đắng lòng” khi môi trường bị đầu độc

Nhiều địa phương cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhưng lại không kiểm soát được nạn quặng tặc bùng phát. Để rồi hàng trăm lượt công văn giấy tờ, quyết định của ủy ban nhân dân các cấp bàn các biện pháp giải tỏa, cùng hàng chục cuộc phối hợp liên ngành từ tỉnh, huyện, xã để truy quét quặng tặc… tốn tiền  của nhà nước nhưng đều vô tác dụng.

Tại tỉnh miền núi Cao Bằng, Ban giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên cấp nước Cao Bằng đã bao năm mỏi cổ kêu lên các ban ngành, rồi cả Ủy ban nhân dân, Tỉnh ủy Cao Bằng mà vẫn không cứu được nguồn nước sông Hiến, có thời điểm độ đục gấp tới 400 lần quy định cho phép, do khai thác vàng sa khoáng trái phép ở thượng nguồn sông Hiến – nguồn cùng cấp nước sinh hoạt cho hơn 5 vạn dân thị xã Cao Bằng và các huyện lỵ, gây ra.

Tại tỉnh Yên Bái, hoạt động khai thác khoáng sản đã làm mất đi một số cảnh quan núi đá đẹp, đặc biệt là khu vực hồ Thác Bà và ở huyện Lục Yên. Ông Lê Đình Đạo – Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái cho biết: “Phần lớn các các bãi thải của các mỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều xây không đúng phương án đã dược duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí chúng tôi còn phát hiện có mỏ không xây dựng bãi chứa rác thải nên đã gây bồi lấp dòng chảy, đồng ruộng của nhân dân, ô nhiễm nguồn nước”.

Những vi phạm như không lập Đánh giá tác động môi trường bổ sung khi nâng năng lực khai thác khoáng sản là khá phổ biến ở nhiều địa phương. Ví dụ như ở Quảng Ninh, qua kiểm tra 68 mỏ than nâng năng lực khai thác năm 2007, Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh phát hiện chỉ 38 mỏ có báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐMT) bổ sung, chiếm tỷ lệ 55%, còn lại là không!

Việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác lộ thiên khiến độ che phủ của rừng Quảng Ninh bị suy giảm nhanh chóng. Những khu vực như bắc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, rừng tự nhiên bị giảm tới 70 – 80%. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp bị lấp bởi bùn và rác thải của khai thác khoáng sản các loại ở khu vực ven biển thị xã Cẩm Phả là 225 ha vào năm 1985 và 238 ha vào năm 1997.

Địa hình đất nước ta khá đa dạng, từ miền núi, trung du đến vùng đồng bằng ven biển. Ở đâu có khoáng sản là ở đó có khai thác và tất nhiên có hậu họa môi trường do khai khoáng để lại.

Vùng cát vàng Hà Tĩnh với thảm tràm gió đặc trưng, trải dài thuộc địa phận 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà, chứa khá nhiều quặng inmenit. Nhưng sau hơn chục năm ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng inmenit xuất hiện tại đây, thì Cẩm Xuyên và Thạch Hà giờ chỉ còn là những dải dài cồn cát khô nóng, không thảm thực bì, không còn bóng dáng của những thảm tràm gió, vì “cơn lốc” inmenit cuốn bay mọi thảm thực vật trên bề mặt dải cát.

Du khách thập phương có cơ sở khi lo cho tương lai của những địa điểm du lịch nổi tiếng Nam Trung bộ như Phan Thiết, Mũi Né, Hòn Rơm, Hòa Thắng… khi mà những khảo sát địa chất gần đây của chúng ta đã phát hiện ra sự hiện diện của quặng inmenit tại các tỉnh duyên hải miền Trung với trữ lượng lớn nhất cả nước.

Và nỗi lo ấy đang ngày một hiển hiện rõ nét, hiệu ứng titan (chế biến từ quặng inmenit) đã và đang gây bao cảnh tượng “cười ra nước mắt” ở tỉnh Bình Định, với 33 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, mỗi năm các doanh nghiệp rút khỏi lòng đất hơn 700 triệu tấn quặng. “Những vấn đề ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông bị xuống cấp do hoạt động vận chuyển quặng, nạn cát bay, nguồn nước bị nhiễm mặn trong khi nguồn tài nguyên của địa phương bị khai thác bị “bóc trần” và lãng phí đang là những nan giải mà tỉnh Bình Đinh phải đối mặt” – ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết.

Cần “lột xác” cho Luật Khoáng sản

Tiến sĩ Đào Trọng Hưng (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho rằng việc quản lý khai thác tài nguyên theo ngành dọc và theo địa phương, như hiện nay vẫn tồn tại không ít chồng chéo, bất cập, khiến môi trường nơi bản địa bị ảnh hưởng nặng. Lấy ngành than làm dẫn chứng, Tiến sĩ Hưng nói: “Với việc quản lý khai thác khoáng sản theo ngành dọc thì TKV (Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam) cứ khai thác tự do, còn hậu quả về môi trường thì bên phải gánh chịu là tỉnh Quảng Ninh. Đã có lần chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hà Tu khi gặp chúng tôi, than phiền rằng: “Mọi hậu quả ô nhiễm môi trường thì cứ đổ lên đầu phường, còn con tàu than thì nó đi đến tận đâu, phường không biết và cũng không với tới được”.

Quy định về tiêu chuẩn xả thải đã được xác định rõ trong luật pháp, tuy nhiên khi xả thải ra môi trường, còn rất nhiều doanh nghiệp không đạt điều đó. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh, kiểm tra 11 công ty than quý IV/2006 cho thấy, nước thải của công ty than Hà Lầm có hàm lượng BOD vượt 5,7 lần, COD vượt 5,3 lần, TSS vượt 3,9 lần quy định cho phép, thậm chí có công ty (Công ty CP than Dương Huy) có hàm lượng chất TSS cao gấp 15,6 lần quy định cho phép.

Việc xử lý hành chính như chúng ta đang làm dường như chỉ mang tính cảnh cáo, hay mang tính “điểm mặt chỉ tên” những doanh nghiệp gây ô nhiễm mà thôi, chứ chưa tạo được sức mạnh luật pháp răn đe, ép buộc đơn vị khai khoáng phải chấp hành theo quy định của luật.

“Phí bảo vệ môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường hiện nay đã phù hợp chưa? Theo luật, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản được quy định tính theo sản lượng quặng khai thác. Như vậy, phí môi trường không phụ thuộc vào đặc điểm của từng vùng miền có là công bằng, mặt khác, các yếu tố khác gây ảnh hưởng đến môi trường như, phương pháp khai thác, tuyển quặng… coi như được miễn phí bảo vệ môi trường?” – Ông Phạm Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển, băn khoăn.

Phải đấu giá tài nguyên, đấu giá cả quyền thăm dò và khai thác tài nguyên. Tài nguyên – thuộc sở hữu toàn dân – sau khi được doanh nghiệp bỏ tiền đấu giá, thì tài nguyên đó đương nhiên thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, do đó họ sẽ có ý thức khai thác, tránh gây lãng phí tài nguyên, và sẽ khắc phục được việc thất thu ngân sách của nhà nước vì việc không trung thực của doanh nghiệp (nếu như không đấu giá) khi khai báo sản lượng khoáng sản khai thác được… Nhiều chuyên gia ngành địa chất, khoáng sản đã có ý kiến như vậy, và mong chờ vào các phiên họp bàn thảo Dự thảo Luật Khoáng sản của Quốc Hội sẽ có những quyết sách sáng suốt xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi 2010.

Việc ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ở những nơi khai khoáng ở nước ta hiện nay có nguyên do là sự bất cập trong các văn bản luật. Và chừng nào nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước ta còn chưa được tôn trọng đúng mức, chưa được quản lý, khai thác và sử dụng trên cơ sở bảo tồn nguyền tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, thì chúng ta không thể có được viễn cảnh một ngành công nghiệp khai khoáng bền vững, bức tranh tài nguyên tươi sáng và ổn định.

“Chúng ta không giàu tài nguyên như vẫn nghĩ” – Kì 2

“Chúng ta không giàu tài nguyên như vẫn nghĩ” – Kì 1