Trung Quốc quyết tâm đóng cửa thị trường ngà voi

ThienNhien.Net – Chính phủ Trung Quốc vừa qua đã tuyên bố sẽ đóng cửa thị trường ngà voi hợp pháp trong nước trước sự ngạc nhiên của các nhà bảo tồn.Đây chính là một cú hích mạnh mẽ đối với nỗ lực ngăn chặn vấn nạn sát hại voi lấy ngà trên toàn cầu.

Tuyên bố được đưa ra trong sự kiện công khai tiêu hủy 662 kg ngà voi lậu. Ông Zhao Shucong, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Nhà nước Trung Quốckhẳng định nước này “sẽ kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động chế biến và buôn bán ngà voi cho đến khi các hoạt động này được ngăn chặn.”

Voi Châu Phi (Ảnh: mongabay.com)
Voi Châu Phi (Ảnh: mongabay.com)

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cam kết đóng cửa thị trường ngà voi hợp pháp trong nước – vỏ bọc che giấu cho thị trường ngà voi bất hợp pháp mà trong đó Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lớn nhất. Bởi vậy, tuyên bố ngay lập tức được các nhóm bảo tồn hưởng ứng.

Ông Zhou Fei, Giám đốc Văn phòng đại diện của tổ chức TRAFFIC tại Trung Quốc cho rằng quyết định này sẽ tác động lớn đến hoạt động bảo tồn voi và buôn lậu ngà voi. Về phía Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), Chủ tịch – Giám đốc điều hành Cristián Samper khẳng định quyết định trên thậm chí có thể thay đổi số phận của những chú voi còn sót lại tại Châu Phi – đối tượng của các tổ chức tội phạm máu lạnh trên khắp khu vực tiểu Saharan để phục vụ nhu cầu ngà voi trên khắp thế giới.

Phát ngôn từ Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC, Mỹ), Ông Andrew Wetzler, Giám đốc phụ trách về Đất Đai và Động vật hoang dã cũng có đồng quan điểm khi cho rằng tuyên bố của Trung Quốc có thể tạo nên một sự thay đổi ngoạn mục. Phần lớn ngà voi từ Châu Phi được đưa đến Trung Quốc và thị trường chợ đen này là tác nhân chính cho sự bùng nổ nạn săn bắn trên khắp Châu Phi trong thập kỉ qua. Ông cũng cho rằng, bước tiếp theo cần làm là giám sát chi tiết kế hoạch của Trung Quốc, bao gồm thời gian và các bước thực hiện, kiểm toán độc lập lượng ngà voi lưu trữ và sự tuân thủ các cam kết quốc tế trước đó.

Đầu năm nay, Cục Lâm nghiệp Nhà nước Trung Quốc đã công bố danh sách các nhà nhà máy điêu khắc ngà voi có đăng kí, các đại lý bán lẻ ngà voi hợp pháp và các đơn vị buôn bán. Danh sách này đã loại 10% các nhà máy và đại lý bán lẻ so với danh sách trước đó. Với tuyên bố mới, Trung Quốc được mong đợi sẽ có kế hoạch đóng cửa một số lượng lớn các nhà máy còn lại.

Theo Samper của WCS, tuyên bố của Trung Quốc cũng sẽ tạo động lực cho cam kết từ các quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh phá hủy ngà voi, Trung Quốc cần đưa ra các phương án chống buôn lậu hiệu quả, chẳng hạn như khởi tố, xử phạt hành chính, bắt giam hay tịch thu tài sản.

Tiêu hủy ngà voi ở Trung Quốc (Ảnh: washingtonpost.com)
Tiêu hủy ngà voi ở Trung Quốc (Ảnh: washingtonpost.com)

Các sự kiện tiêu hủy ngà voi không nên chỉ dừng lại ở đó mà cần có các hành động tiếp nối nhằm đảm bảo các quốc gia tiếp tục tuân thủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) nhằm xóa bỏ hoạt động kinh doanh ngà voi bất hợp pháp. Thúc đẩy thi hành luật là chìa khóa của thành công, Zhou bình luận.

Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra vào đúng thời điểm nạn săn bắn voi đạt đến đỉnh điểm. Trong những năm qua, hơn 100.000 con voi đã bị tàn sát ở Châu Phi. Số lượng voi bị sát hại hàng năm tại Châu Phi để lấy ngà dao động từ 22.000 đến 35.000 cá thể, tương đương 96 con bị giết/ngày với tỉ lệ 15 phút một con. Theo một báo cáo mới được công bố, riêng Mozambique đã mất một nửa số voi chỉ trong vòng 5 năm, trong khi số lượng voi rừng ở Châu Phi nói chung thậm chí còn suy giảm thảm hại hơn. Một số phân tích chỉ ra mối liên hệ giữa buôn lậu ngà voi với các hoạt động tội phạm khác như buôn lậu vũ khí, săn bắn tê giác và thậm chí khủng bố.

Bên cạnh ngà voi, Trung Quốc còn là thị trường lớn nhất của nhiều sản phẩm có nguồn gốc hoang dã như các bộ phận của hổ, vảy tê tê, mật gấu, vây cá mập … Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng mới đây đã mang đến niềm hi vọng về một các tiếp cận chủ động hơn từ phía chính phủ trong vấn đề buôn bán ĐVHD.