Dự báo nắng nóng còn gay gắt, cấp bách chống hạn

ThienNhien.Net – Trước tình hình nắng nóng đạt ngưỡng kỷ lục đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành công điện khẩn gửi các Bộ, ngành nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả hạn hán đang có nguy cơ xảy ra trên diện rộng.

Dự báo khu vực miền Trung sẽ còn nắng nóng gay gắt kéo dài. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Dự báo khu vực miền Trung sẽ còn nắng nóng gay gắt kéo dài. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Thiêu đốt ruộng đồng

Những ngày vừa qua, toàn miền Bắc và miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận đã trải qua giai đoạn nắng nóng cao điểm kể từ đầu năm 2015 đến nay. Nhiệt độ luôn dao động ở 40 độ C, một số nơi nhiệt độ trên 40 độ C.

Báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước tưới để làm đất, xuống giống hơn 10 vạn hécta lúa hè thu do hạn hán kéo dài.

Tại Quảng Nam, từ ngày 20/5 nông dân tỉnh này bước vào gieo sạ 44.000ha lúa hè thu, trong đó có gần 9.000ha phải sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng và hoạt động của bốn nhà máy thủy điện gồm Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, A Vương và Sông Kôn 2 ở thượng nguồn thiếu ổn định đã khiến dòng chảy trên hệ thống sông này thấp hơn mức bình thường nên không cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp khiến nhiều diện tích đất gieo sạ lúa đứng trước nguy cơ thiếu nước và mất mùa do hạn hán.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, mực nước tại các công trình thủy lợi và sông suối trên địa bàn đang ở mức rất thấp khiến nhiều diện tích nông nghiệp bị thiếu nước. Hiện tỉnh đã có hơn 5.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do hạn hán; trong đó, hơn 3.700ha đất trồng lúa thiếu nước, hiện có 2.900ha lúa phải dùng bơm tưới, nhưng lượng nước tại các hồ đập gần như cạn đáy nên thiếu nước trầm trọng. Theo thống kê sơ bộ, Khánh Hòa hiện có 133ha lúa mất trắng do nắng hạn…

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành khí tượng, đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất từ đầu năm 2015 đến nay và cũng là đợt nắng nóng kéo dài nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1971, số ngày nắng nóng đã kéo dài tới 30 ngày liên tục. Một số nơi, nắng nóng đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử của ngành quan trắc khí tượng.

Cấp bách ứng phó

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Mùa hè 2015 được dự báo ảnh hưởng của El Nino pha nóng, do vậy nền nhiệt trung bình các tháng từ đầu năm 2015 đến nay đều cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó từ tháng 3 đến hết tháng 5, nền nhiệt cao hơn TBNN khoảng 2 độ C. Thêm vào đó, mùa mưa ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đến muộn hơn so với TBNN.

Cơ quan này nhận định nền nhiệt độ trong tháng 6/2015 trên phạm vi toàn quốc sẽ cao hơn so với TBNN từ 1 – 2 độ C, trong đó tại các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ sẽ là những nơi cao nhất so với các khu vực khác. Dự báo nhiệt độ có thể lên tới 40 – 42 độ C tại khu vực từ Thanh Hóa đến Nam Trung bộ. Đặc biệt, trong tháng 6/2015 cũng sẽ liên tục có các đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ ở mức cao trên 42 độ C. Do đó, khu vực Bắc bộ và Trung bộ sẽ tiếp tục có số ngày nắng nóng nhiều hơn so với TBNN. Dự báo sẽ có thêm 10 ngày nắng nóng gay gắt trong tháng 6/2015.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện khẩn gửi các Bộ, ngành nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do nắng nóng. Theo đó, trong thời gian tới thời tiết nắng nóng, khô hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài, vì vậy các Bộ, ngành, địa phương cần có những biện pháp cấp bách nhằm chủ động ứng phó, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thiên tai.

Công điện khẩn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, cập nhật liên tục tình hình nắng nóng, hạn hán để có những chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức; tăng cường kiểm tra, đánh giá và quản lí chặt nguồn nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp điều tiết, vận hành hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương lên kế hoạch chống hạn, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp; Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương trong việc điều hành và cấp nước bổ sung.