Chịu đựng ô nhiễm

ThienNhien.Net – Nhiều vùng ngoại thành TP HCM đang bị ô nhiễm do những cơ sở sản xuất nằm đan xen trong khu dân cư.

Thời gian qua, Báo Người Lao Động đã nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư ở ngoại thành TP HCM gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Bán nhà, dọn đi nơi khác

Theo người dân phường Đông Hưng Thuận, quận 12, từ nhiều năm nay, các cơ sở dệt, nhuộm, giặt, tái chế giấy ở khu phố 4 liên tục xả khói bụi ra khu dân cư.

“Cứ đều đặn 5 giờ và 19 giờ, họ lại xả khói bụi. Sống trong cảnh ô nhiễm, người lớn nhức đầu, sổ mũi còn trẻ em thì ho khan cả cổ, bị hen suyễn. Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư nhưng hơn 10 năm qua, họ vẫn sản xuất và chúng tôi vẫn phải cắn răng chịu đựng” – chị Nguyễn Thị Hương (đường Nguyễn Văn Quá) bức xúc.

Khói bụi từ Công ty TNHH Sản xuất nhựa và Thương mại Thông Hưng trên Tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng khiến người dân khốn khổ. “Bụi thải ra từ công ty dạng sợi li ti, khi dính vào da gây ngứa ngáy, gãi chừng nào thì ngứa chừng nấy. Không chỉ vậy, công ty còn xả thải trực tiếp ra kênh khiến dòng nước đen ngòm, hôi thối” – ông Nguyễn Văn Thanh và nhiều người dân ở Tỉnh lộ 10 cho biết.

Ống khói của Xí nghiệp Casumina Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) thải mùi hôi nồng nặc ra khu dân cư. (Ảnh: Sỹ Đông) 
Ống khói của Xí nghiệp Casumina Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) thải mùi hôi nồng nặc ra khu dân cư. (Ảnh: Sỹ Đông)

Một số cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên đường Nguyễn Văn Quỳ (phường Tân Thuận Tây, quận 7) cũng thường xuyên thải ra khu dân cư mùi hôi khó chịu vào mỗi buổi tối. Anh Nguyễn Thanh Phương (ngụ đường số 8, khu dân cư Nam Long) lo ngại: “Khoảng 2 năm nay, từ 20 giờ trở đi là mùi hôi bay khắp xóm. Nhà tôi cách xa hàng trăm mét nhưng vẫn ngửi thấy mùi này”.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thanh Hương (ngụ chung cư An Hòa 5, phường Tân Thuận Tây) cho biết vì không chịu nổi, nhiều hộ dân ở chung cư đã phải bán nhà hoặc chuẩn bị dọn đi nơi khác. Những ai không có khả năng đành phải đóng các cửa, “cố thủ” trong nhà chịu đựng. Người dân đã phản ánh lên UBND phường, yêu cầu di dời những cơ sở hoạt động gây ô nhiễm nhưng kết quả chẳng đến đâu.

Trong khi đó, dù bị xử phạt nhiều lần nhưng từ 9-16 giờ hằng ngày, cơ sở nhuộm sợi ở 55/11/7 Phú Châu, phường Tam Bình, quận Thủ Đức vẫn xả chất thải nhiễm hóa chất ra hệ thống cống trước nhà dân. Cũng ở quận Thủ Đức, Xí nghiệp Casumina Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh) liên tục xả khói đen ngòm có mùi hôi nồng nặc bay khắp khu dân cư…

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Trước phản ánh của người dân về cơ sở nhuộm sợi ở địa chỉ 55/11/7 Phú Châu, đại diện UBND phường Tam Bình cho biết đã phối hợp với Phòng Kinh tế quận Thủ Đức đến kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh nên UBND quận đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, yêu cầu ngưng hoạt động. “Hai lần kiểm tra mới nhất, phường ghi nhận chủ cơ sở đã ngưng hoạt động và chấp hành đóng phạt” – một cán bộ phường nói.

Đối với Xí nghiệp Casumina Bình Lợi, ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết tháng 9-2014, Phòng Tài nguyên – Môi trường quận Thủ Đức và UBND phường đã kiểm tra về môi trường. Xí nghiệp này có đủ hồ sơ về môi trường và phòng cháy chữa cháy. Theo kế hoạch, cơ sở này phải di dời khỏi khu dân cư vì không phù hợp quy hoạch.

Còn theo UBND phường Tân Tạo, phường đang phối hợp với UBND quận Bình Tân kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm của Công ty TNHH Sản xuất nhựa – Thương mại Thông Hưng.

Riêng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm xen cài trong khu dân cư tập trung ở khu phố 4 và khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, UBND TP HCM đã có chủ trương di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3. Ngày 20-5, UBND quận 12 đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCX-KCN TP, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn triển khai chủ trương của UBND TP về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm tại khu phố 4 và khu phố 5  vào KCN Lê Minh Xuân 3.

Kết quả, 16 cơ sở đồng ý di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3, các cơ sở còn lại tự di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Các cơ sở muốn di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3 đều có ý kiến xin giảm phí sử dụng hạ tầng, đồng thời kiến nghị Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM cho phép được khai thác nước ngầm vì nước máy không phù hợp với sản xuất nhuộm.

Từ tháng 5-2015 đến nay, UBND quận 12 đã tăng cường kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, lập hồ sơ chuyển Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM xử lý 9 trường hợp (3 trường hợp thuộc diện bị cấm hoạt động).