Tận dụng từng mét khối nước để chống hạn

ThienNhien.Net – Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 4 đến tháng 10, tình trạng thiếu nước, khô hạn diễn ra trên diện rộng ở khu vực Trung Bộ, trong đó các tỉnh Trung và Nam Trung bộ sẽ kéo dài đến khoảng giữa và cuối tháng 9.

Tình trạng khô hạn, thiếu nước đã xảy ra trên diện rộng từ Nghệ An đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Trong các tháng mùa khô, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm mạnh; các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 30-80%; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận thấp hơn từ 60-80%. Riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80-90%, khu vực Tây Nguyên đầu mùa thấp hơn từ 30-40%, cuối mùa thấp hơn khoảng 20%. Nhiều khả năng ở hạ lưu các sông xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ hoặc thấp nhất lịch sử. Để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, vừa bảo đảm sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội, các Nhà máy thủy điện đã và đang điều tiết hợp lý từng mét khối nước.

Thủy điện Buôn Kuốp. (Ảnh: Hànộimới)
Thủy điện Buôn Kuốp. (Ảnh: Hànộimới)

Chủ tịch Hội đồng quản trị – kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương (AVC) Nguyễn Trâm cho biết, ngay từ khi vẫn còn trong mùa mưa năm 2014, AVC đã chủ động liên hệ và họp bàn với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam để xây dựng kế hoạch phát điện, cung cấp nước cho đồng bào vùng hạ du năm 2015. Mực nước hồ Nhà máy Thủy điện A Vương vào đầu năm 2015 chỉ đạt 370,3m (thiếu hụt gần 10m so với mực nước dâng bình thường là 380m, trong khi đầu năm 2014 đã tích được đến 380m) và trong tháng 1, tháng 2 năm nay, do có sự phối hợp tốt với Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 nên Nhà máy thủy điện A Vương đã phát điện ở mức trung bình để dự trữ nước làm nhiệm vụ cung cấp nước cho hạ du trong giai đoạn nhu cầu tăng cao. Căn cứ nhu cầu nước cần cung cấp cho hạ du tăng cao kể từ tháng 3-2015, Nhà máy Thủy điện A Vương đã tăng cường lượng nước xả qua tuabin máy phát để đáp ứng nhu cầu cho đồng bào vùng hạ du (Lưu lượng nước về hồ trung bình trong tháng 3/2015 là 15,2m3/s, lưu lượng nước xả qua tuabin máy phát trung bình trong tháng 3/2015 là 27,8 m3/s).

Tại Phú Yên, tình trạng thiếu mưa và khô hạn tiếp tục kéo dài. Hệ thống thủy lợi Đồng Cam- công trình lấy nước trên sông Ba đã được Nhà máy thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ đã vận hành phát điện đảm bảo lưu lượng đưa về đầu mối đập Đồng Cam thường xuyên 40m3/s để trạm bơm Nam và Bắc đập Đồng Cam lấy được 29,24m3/s tiếp nước các trạm bơm chống hạn cho 14.540ha cây trồng ở hạ du.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ Đặng Văn Tuần cho biết, từ ngày 16-12-2014 đến 15-4-2015, thời tiết khô hạn, hầu như không có mưa, lượng nước về hồ rất thấp, lưu lượng chỉ bằng khoảng 58% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do đã có chuẩn bị tích nước hồ chứa từ những tháng cuối năm 2014, nên vẫn đảm bảo chạy phát điện cung cấp nước từ 8 đến 14 giờ/ngày, tăng thời gian bơm tưới ở các trạm bơm. Từ ngày 15-4 đến 15-5 là thời gian dừng cung cấp nước giữa hai vụ nông nghiệp, Công ty chủ động giảm thời gian phát điện để tích nước cho vụ Hè Thu với thời gian chạy máy từ 4-6 giờ/ngày để cung cấp nước phục vụ nước sinh hoạt cho bà con nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện Sơn Hòa. Bắt đầu từ ngày 15-5, Công ty thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương để điều tiết cung cấp nước trong điều kiện thời tiết chưa xuất hiện lũ tiểu mãn như mọi năm. Dự báo, tháng 6, tình hình thời tiết sẽ còn nhiều thay đổi phức tạp, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ hồ chứa trên lưu vực sông Ba, như: Kroong H`năng, Sông Hinh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, huyện Sơn Hòa, các Hợp tác xã vùng hạ du sông Ba để có kế hoạch cung cấp nước phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là cố gắng để đảm bảo đáp ứng khả năng cao nhất cung cấp nước cho hạ du, phục vụ tốt vụ hè Thu năm 2015.

Từ tháng 3, Tây Nguyên bước vào mùa cạn kiệt. Do trong năm 2014, lượng mưa trên toàn lưu vực sống Srêpôk thấp hơn rất nhiều so với những năm trước, thêm nữa, mùa mưa chấm dứt sớm hơn mọi năm (từ đầu tháng 10-2014), làm ảnh hưởng lớn đến lưu lượng nước về các hồ trong những tháng đầu năm 2015. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm, lưu lượng trung bình về hồ Buôn Tua Srah đạt tần suất 73% (lưu lượng 28,6%/s); hồ Buôn Kuốp đạt tần suất 90% (61,6%m3/s); hồ Srêpôk 3 tần suất đạt 88% (78,6%m3/s). Như vậy, cả 3 hồ đều rơi vào năm nước kiệt. Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết, do tình hình hạn hán trên lưu vực tiếp tục kéo dài nên ngày 5-5-2015, Cục Điều tiết Điện lực đã tách 3 nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 ra khỏi thị trường điện để đảm bảo khai thác nước linh hoạt tại các hồ trong việc cung cấp đủ nước tưới tiêu nông nghiệp theo yê cầu của địa phương. Hồ thủy điện Buôn Tua Srah là hồ đầu nguồn có dung tích lớn nhất (5,226 triệu m3) và là hồ duy nhất trên lưu vực sông Srêpôk có chế độ điều tiết năm. Trong các tháng mùa kiệt, lưu lượng nước về các hồ bậc thang dưới như hồ thủy điện Buôn Kuốp, Srêpôk 3…phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác hồ thủy điện Buôn Tua Srah. Vào thời điểm cuối tháng 5, mực nước hồ thủy điện Buôn Tua Srah đạt 471,30m (mực nước dâng bình thường là 487,5m); cột nước hữu ích chỉ còn 6,3m (cột nước bình thường là 22,5m) và dung tích chỉ còn 103,8 triệu m3 (dung tích bình thường là 522,6 triệu m3).

Theo tính toán của Công ty thủy điện Buôn Kuốp, với tình hình hiện tại và giả sử lưu lượng nước về hồ Buôn Tua Srah xấp xỉ 25m3/s; lưu lượng xả 90m3/s; thời gian xả hàng ngày từ 12-14 giờ/ngày thì hồ Buôn Tua Srah có khả năng cung cấp đủ nước phục vụ nông nghiệp cho khu vực hạ du cho đến cuối tháng 6-2015.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tổng diện tích cây trồng đang trong tình trạng thiếu nước tưới là khoảng 25.000 ha; trong đó có trên 6.000 ha lúa, gần 6.500 ha cà phê và 12.500 ha cây trồng khác. Nếu không được cung cấp nước kịp thời, diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, lượng mưa ở hầu hết các khu vực đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, mùa mưa có khả năng đến muộn hơn bình thường.

Mặc dù EVN đã lập và triển khai kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Theo đó, có một loạt hồ chứa thủy điện sẽ được xả nước đến 31-8 để cung cấp nước cho các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận và Ninh Thuận, Đăk Lawk, Gia Lai, Kon Tum…; các địa phương trong vùng bị hạn cũng đã kiện toàn ban chỉ đạo chống hạn các cấp và xây dựng phương án phòng chống hạn cho vụ hè thu và vụ mùa, tuy nhiên, trong điều kiện không có lũ tiểu mãn thì các địa phương không để nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch vì việc này có thể gây căng thẳng, tranh chấp nguồn nước. Để tận dụng tốt nguồn nước từ hồ chứa thủy điện, các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng lấy nước khi có nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.