Kho thuốc BTVT ở Nghệ An: Nỗi lo không của riêng ai! (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Từ thập niên 60 đến 80, tại nhiều huyện của Nghệ An, tồn tại hàng trăm kho chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của các đơn vị bộ đội, bệnh viện. Đến nay, các kho thuốc không còn nhưng hậu quả để lại vẫn rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân. Mặc dù đã kêu cứu nhiều nơi liên quan, nhưng hàng chục năm nay, người dân vẫn phải sống trong tình trạng ô nhiễm thuốc BVTV.

Kỳ 2

Thực trạng đáng báo động

Chúng tôi tìm về xóm 1, xóm 2, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đúng vào những ngày thời tiết nóng nực. Đây cũng là thời điểm mà 202 hộ dân, 968 nhân khẩu sống trên các vùng kho hoặc cạnh kho trước đây phải hứng chịu mùi thuốc BVTV bốc lên nồng nặc. Người dân ở đây cho biết trong những ngày thời tiết thay đổi, đặc biệt là mùa hè nắng nóng, mùi thuốc bốc lên “nặng” nhất. Hàng chục năm qua họ vẫn phải chịu đựng sống trong tình trạng đó, các cơ quan chức năng cũng đã có những nỗ lực nhất định nhưng kết quả chưa được bao nhiêu.

Đến thăm một trường hợp “điển hình” của những nỗi đau do những kho thuốc bảo vệ thực vật đưa đến, gia đình ông Võ Văn Việt. Mới ngoài 50 tuổi, nhưng tóc ông Việt đã bạc trắng, khuôn mặt đầy những nếp nhăn khắc khổ. Sinh được 3 người con, nhưng cả ba đứa đều mắc những chứng bệnh rất khó hiểu. Tuổi thơ của chúng luôn đồng hành với bệnh tật. Đầu tiên là đứa con gái lớn, lúc 15 tuổi tự nhiên bị liệt một chân. Gia đình phải chạy chữa khắp nơi, bệnh tình của cháu mới thuyên giảm.

Chuyện đau lòng về đứa con gái cả chưa nguôi thì đến đứa thứ hai. Cháu Võ Thị Anh, năm lên 16 tuổi tự nhiên đôi mắt cứ mờ dần. Ông đã đưa cháu đi khám khắp các bệnh viện huyện, rồi tỉnh đều không tìm ra nguyên nhân. Hàng ngày ngồi nhìn đôi mắt mờ dần đi của đứa con gái, lòng ông đau như cắt. Ông đưa con ra bệnh viện Việt Nhật chữa chạy. Cũng may, bệnh viện xác định được bệnh, nên mất vài tháng điều trị, cháu Anh dần sáng mắt. Đổi lại gia đình ông mất đi nửa gia tài cho tiền thuốc thang. Đứa con gái thứ hai vừa chữa khỏi bệnh thì đến cậu con trái út lăn đùng ra ốm. Hết bệnh đau đầu rồi nổi u ở dưới xương cằm. Các con bị bệnh đã khiến gia đình ông lao đao nhiều phen. Vậy mà nỗi ám ảnh bệnh viện vẫn chưa buông tha gia đình ông. 10 năm qua, vợ ông mắc bệnh đau dây thần kinh không sao chữa khỏi được. Còn ông cũng nổi u to bằng nắm tay ở hông. Những hôm trở trời, cả nhà ông cùng ốm. Ông Việt lo lắng: “Bệnh đau đầu, uống thuốc chỉ đỡ được thôi, chứ nỏ khỏi được mô”.

Chưa dừng lại ở đó. Em trai ông Việt là anh Võ Văn Trung cũng rơi vào tình cảnh bi đát. Năm 1993, vợ anh sinh được cháu trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, cháu bé càng lớn càng không bình thường, các bộ phận của cháu bé hầu như không phát triển. Cháu bé cứ nằm như vậy trong suốt 10 năm. Anh Trung đã đưa con đi khám ở khắp các bệnh viện, nhưng không mang lại kết quả. Năm 2003, cháu bé đã trút hơi thở cuối cùng. Nỗi buồn về đứa con đầu của anh chưa nguôi thì nỗi đau khác đã ập đến. Đứa con thứ hai ra đời bị câm, điếc bẩm sinh, 12 tuổi rồi mà giao tiếp với mọi người chỉ ú a, ú ớ. Cháu thứ ba năm nay đã 6 tuổi mà vẫn chưa biết đi.

Xã Nghĩa Trung có nhiều gia đình rơi có hoàn cảnh giống như gia đình ông Việt. Chị Nguyễn Thị Linh đã bốn lần sinh con nhưng chỉ có hai cháu sống, hai cháu mất sau khi sinh. Hai đứa nhỏ sống được nhưng ốm quặt ốm quẹo, hàng ngày uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. “Vợ chồng tôi cũng thường xuyên mắc bệnh đau đầu, nhà có bao nhiêu của nả là dành tiền mua thuốc chữa bệnh cho cả nhà hết” – Chị Linh buồn rầu.

Tại xóm 2, xã Nghĩa Trung, sức khoẻ của hàng trăm hộ dân cũng đã và đang bị ảnh hưởng bởi tồn dư của thuốc BVTV trong đất và nước sinh hoạt. Anh Hồ Trung Mạnh, trưởng xóm 2 cho biết: “Nước giếng của nhiều hộ dân trong xóm có màu vàng. Xóm có 15 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp vì sống gần các kho thuốc. Do môi trường sống, nguồn nước ăn bị ô nhiễm, nên nhiều người dân trong xóm thường bị “ngất ngơ, ngất ngưởng” và mắc các bệnh như rụng tóc, bệnh ngoài da, đau đầu…”. Theo anh Ngô Sỹ Tiến, Trạm trưởng Trạm y tế xã Nghĩa Trung, những người sống ở khu vực có kho thuốc BVTV bị mắc bệnh đau đầu và một số bệnh khác hay tỷ lệ các cháu bị dị tật cao hơn nhiều so với người dân sống ở các xóm lân cận của xã.

Trưởng xóm đi tìm nguồn cơn

Trước năm 2000, những gia đình ở xóm 1 không hề biết đến nguyên nhân nào dẫn đến chuyện con cái họ bị bệnh. Khi bà con đang hoang mang thì ông Võ Trung Việt, khi ấy là trưởng xóm tình cờ xem được thông tin trên đài truyền hình Việt Nam nói về tác hại của thuốc 666 và DDT. Ông Việt mới sực tỉnh, hoá ra cả xóm mình đang sống trên kho thuốc độc. Trong số 100 hộ dân thì có 6 nhà sống trực tiếp trên kho thuốc. Mỗi khi trời mưa, mùi thuốc 666 bay khắp xóm. Nguy hiểm hơn là giếng khơi (nguồn nước ăn và sinh hoạt) của gia đình cũng đầy mùi thuốc 666. Ông Việt đưa ra nhận định: Có thể những căn bệnh mà cả xóm ông đang mắc phải là do ăn và ngửi phải kho thuốc sâu này. Ông đã đến từng gia đình để ghi triệu chứng bệnh của từng người. Ông tổng kết được các triệu chứng bệnh mà mọi người thường mắc giống nhau như đau khớp, đau đầu, trẻ con phát triển không bình thường… Từ năm 1980 đến nay, cả xóm có 17 người mất mạng vì bệnh ung thư, trong đó phần lớn là người trẻ. Ngay trong năm 2000, ông đã nhiều lần làm đơn lên xã, lên huyện để phản ánh về tình trạng này. Tuy nhiên, khi ấy các cơ quan chức năng đều bỏ “ngoài tai”.

Chúng tôi được tiếp chuyện với ông Việt một lúc, tự dưng thấy đầu óc bị choáng váng. Ông Việt liền bảo: “Chúng tôi ngửi quen rồi, chứ người lạ như các anh đến nhà tôi chơi, ai ngồi được một lúc cũng thấy đau đầu”. Nói chưa dứt câu ông liền dẫn chúng tôi ra kho thuốc sâu phía sau nhà. Ông vừa bới nhẹ cái rãnh nước cạnh bờ rào đã nhìn thấy thuốc 666. Ông Việt càng đào sâu thì lượng thuốc càng thấy nhiều. Cầm một ít thuốc trên tay, ông bức xúc nói: “Từ nhiều năm nay, nhiều người dân sống và trồng cây trên mảnh đất này, không mắc bênh mới là chuyện lạ? Bữa ni còn đỡ, chứ những hôm trời mưa mùi thuốc bốc lên nồng nặc, chẳng ai gửi được”. Chưa đầy 5 phút sau, bà con xóm 1 đã vây kín lấy chúng tôi. Anh Võ Văn Trung bế đứa con nhỏ đẩy về phía chúng tôi: “Các anh nhìn đi. Đứa con 6 tuổi của tôi mà vẫn phải bế đây này”. Cũng may mà từ ngày ông Việt nói cho mọi người biết tác hại của thuốc 666, nên họ mới không vào lấy thuốc đi bón rau, bón lúa nữa. Tuy nhiên, bệnh tật vẫn đang hàng ngày, hàng giờ hành hạ cái xóm nghèo này.

Không thể dửng dưng trước nỗi đau của gia đình mình cũng như bà con làng xóm. Suốt những năm qua, ông Việt không quản ngại đường xa, điều kiện kinh tế eo hẹp, ông vẫn mang đơn “kêu cứu” gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Ông Việt tâm sự: “Tôi chỉ mong họ về tìm hiểu cho rõ nguồn cơn. Chứ cứ để tiếp tục nỗi đau này kéo dài thì khổ lắm. Nhiều gia đình sợ con mình bị nhiễm bệnh đã phải gửi con cái ở nhà người quen. Thanh niên bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Ai cũng muốn đi khỏi cái xóm 1 này càng xa càng tốt. Chứ ở đây sống mòn, sống mỏi thì nguy lắm”.


* Bài báo này được hoàn thành với sự hợp tác của Báo Khoa học & Đời sống và Trung tâm Con người & Thiên nhiên (PanNature)

(Còn nữa)