Sơn La: Phá rừng tập thể, hậu quả khôn lường

ThienNhien.Net – Chỉ trong một buổi sáng, hơn 20 ha rừng phòng hộ đã bị 131 hộ dân của 5 bản chặt phá

Phá rừng làm nương rẫy không còn là chuyện mới ở các tỉnh Tây Bắc. Nhưng cả tập thể ra nghị quyết, rồi cùng “chung tay” phá rừng là chuyện ít xảy ra.

Một vạt rừng bị phá (Ảnh minh họa: VOV.VN)
Một vạt rừng bị phá (Ảnh minh họa: VOV.VN)

Gần 1 năm đã trôi qua, nhưng người dân ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vẫn chưa quên vụ việc các hộ dân tại cụm 5 Bản Cát, xã Mường Hung tổ chức phá rừng trái pháp luật. Sau cuộc họp gồm đại diện của 5 bản: Lọng Tòng, Nà Nỏng, Nà Hựa, Bản Cát, Phiêng Lươn, một biên bản thống nhất phá rừng phòng hộ đã ra đời. Hậu quả là chỉ trong một buổi sáng, hơn 20 ha rừng phòng hộ đã bị 131 hộ dân của 5 bản chặt phá. Từ đây, khu rừng phòng hộ xã Mường Hung rơi vào nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Rất nhiều nguyên nhân được đề cập sau khi vụ việc bị chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý, nhưng theo các hộ dân ở đây, họ chỉ đơn giản nghĩ phá rừng là để lấy đất sản xuất.

Anh Cà Văn Cương, một hộ dân ở Bản Cát, xã Mường Hung cho biết: “Để đảm bảo cho đời sống, bà con nhân dân trong bản đã không nhận thức được hành vi của mình, đã tự ý đi phá khu rừng phòng hộ làm đất sản xuất”.

Tương tự trước đó, 7 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, thuộc địa phận bản Phát, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai cũng bị xóa sổ chỉ trong 4 ngày do các hộ dân trong bản ra tay chặt phá. Điều đáng nói là việc phá rừng này đã được Chi bộ bản lập thành nghị quyết, với sự nhất trí của 22 trong tổng số 25 đảng viên trong chi bộ. Và khi Nghị quyết thông qua, 131 trong tổng số 133 hộ dân trong bản đã tán thành. Sau khi triệt hạ, toàn bộ diện tích này được chia tính theo nhân khẩu của mỗi hộ để làm đất sản xuất.

Ông Lù Văn Dung, nguyên Bí thư Chi bộ Bản Phát, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Vì người dân không có đất sản xuất, ở dưới thì nước ngập lên, rừng thì không có, dân thì đông, cho nên tập thể chi bộ chúng tôi mới ra nghị quyết và đưa ra cho dân thực hiện. Giờ biết là sai nên chúng tôi sẽ phải khắc phục”.

Lấn đất rừng, hay phá rừng làm nương lâu nay không phải chuyện hiếm ở Sơn La. Tuy nhiên, việc phá rừng tập thể thì gần đây mới xuất hiện. Để xảy ra tình trạng này, một phần trách nhiệm thuộc về lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn, bởi đội ngũ này có trách nhiệm bám, nắm địa bàn; đồng thời tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả.

Ông Lò Văn Thiệu, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Sông Mã cho biết: “Vụ phá rừng Mường Hung xảy ra, trách nhiệm một phần cũng do kiểm lâm địa bàn. Nguyên nhân chính là do năng lực của một số kiểm lâm địa bàn còn hạn chế, nhất là kỹ năng tham mưu, kỹ năng tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn còn hạn chế”.

Cho đến nay, các tập thể phá rừng trái phép tại Sơn La đều đã bị xử lý. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc xử lý là quá nhẹ. Đơn cử như vụ phá rừng ở Mường Hung, những người đứng đầu chỉ bị khai trừ Đảng, hoặc cảnh cáo, mà không có bất cứ ai bị xử lý hình sự. Chính việc xử lý không đủ sức răn đe đã khiến tình trạng phá rừng nhỏ lẻ diễn ra hết sức phức tạp.

Theo thống kê của ngành kiểm lâm, 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện gần 150 vụ phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép, gây thiệt hại gần 20 ha rừng; tang vật thu giữ trên 20 m3 gỗ các loại.

Theo ông Lò Thế Thi, Chi cục Phó Chi cục kiểm lâm tỉnh, mặc dù không phát hiện vụ việc phá rừng tập thể nào, song trong bối cảnh đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, diện tích đất canh tác chật hẹp, cho nên tình trạng phá rừng tập thể vẫn có nguy cơ xẩy ra.

Rút kinh nghiệm từ các vụ phá rừng tập thể xảy ra trước đó, với mục tiêu khẩn cấp ngăn chặn tình trạng này, hiện nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh đang chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực.

Ông Lò Thế Thi cho biết: “Từ những vụ việc như vậy, Chi cục kiểm lâm Sơn La xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hai là chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phải tăng cường hơn nữa việc nắm địa bàn, cơ sở. Ba là sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và năng lực tham mưu của các cán bộ kiểm lâm địa bàn cho cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Rừng là lá phổi xanh của chúng ta, chính vì vậy theo ông Thi, để ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhất là việc phá rừng có tổ chức, hay phá rừng tập thể, thì trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng kiểm lâm, mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, và hơn hết là ý thức, trách nhiệm của chính những người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, với bất cứ tổ chức, hay cá nhân nào cố tình vi phạm, thì cần bị xử lý nghiêm minh, đích đáng. Có như vậy, việc giữ rừng mới có thể phải huy hiệu quả.