Cái giá phải trả đằng sau quy hoạch năng lượng của Thái Lan

ThienNhien.Net – Hội đồng Chính sách Năng lượng Quốc gia Thái Lan mới đây đã thông qua Quy hoạch Phát triển Năng lượng của nước này trong 21 năm tới (PDP 2015). Kế hoạch đặt mục tiêu nhân đôi công suất thiết kế lên tới 70.410 Megawat trong vòng hai thập kỉ tới, chủ yếu bằng cách nhập khẩu điện từ Lào và Myanmar.

Nhà máy nhiệt điện Hongsa tại Lào (Ảnh: The Bangkok Post)
Nhà máy nhiệt điện Hongsa tại Lào (Ảnh: The Bangkok Post)

Bản quy hoạch hoạch này tuy có thể giúp Thái Lan thúc đẩy phát triển kinh tế, song những hậu quả đằng sau nó đối với Thái Lan và khu vực Mê Kông là đáng cảnh báo. Một trong những quan ngại chính từ giới khoa học và xã hội dân sự đối với bản quy hoạch này là công suất dự trữ được đặt ở mức  tối thiểu lên tới 15% mà không hề có mức trần, vượt xa so với nhu cầu thực tế của Thái Lan. Công suất dự trữ ở một số năm thậm chí còn được lên quy hoạch ở mức 39%.

Điều này có thể dẫn đến đầu tư quá mức và tăng gánh nặng kinh tế lên người tiêu dùng. Quá trình lập bản quy hoạch này còn bị  coi là thiếu minh bạch, khép cửa và không có sự tham gia của người dân.

Trong khi đó, năm 2012, hai chuyên gia năng lượng Chuenchom Sangasri Greacen và Chris Greacen dựa trên phân tích các quy hoạch năng lượng trước đó của Thái Lan đã kết luật rằng dự báo về nhu cầu năng lượng tương lai đã bị tính trội lên 13,200 MW so với nhu cầu thực tế. Đồng thời, báo cáo của các chuyên gia này cũng khẳng định Thái Lan có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện trong tương lai mà không cần nhập khẩu từ các nhà máy thủy điện hay đầu tư thêm vào các dự án than đá, điện hạt nhân nào khác.

Điều này dẫn đến một câu hỏi: Tại sao Thái lan cần quá nhiều dự án phát điện đến vậy khi sẽ chỉ tiêu thụ chưa đến một nửa nguồn điện sẵn có?

Những dự án năng lượng mới ở Thái Lan, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, điện hạt nhân và thủy điện đã phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt của cộng đồng địa phương vì những tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội. Gặp phải rào cản từ những luật lệ ngày càng chặt chẽ hơn và nhận thức ngày càng cao hơn của người dân Thái Lan, nguồn năng lượng mới được lên kế hoạch trong PDP 2015 sẽ được nhập khẩu từ Lào, Myanmar và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Công trường xây dựng đập thủy điện Xayaburi (Ảnh: The Bangkok Post)
Công trường xây dựng đập thủy điện Xayaburi (Ảnh: The Bangkok Post)

Tháng 9 năm ngoái lượng điện nhập khẩu chiếm 7% tổng công suất thiết kế của Thái Lan. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên 10-15% trong thập kỉ đầu của kế hoạch, sau đó tiếp tục lên tới 15-20% vào thập kỉ sau đó. Nguồn cung dự kiến là từ dự án thủy điện Xayaburi vốn gây tranh cãi lâu nay và nhà máy nhiệt điện Hongsa tại Lào.

Bên cạnh Xayaburi và Hongsa, Thái Lan cũng tham gia xây dựng một số đập thủy điện khác trong khu vực. Chẳng hạn như hai dự án thủy điện lớn Hat Gyi và Mong Ton (tên gọi cũ là đập Ta Sang) trên sông Salween. Khu vực này là nơi sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số từng bị di dời khỏi thủ phủ bang Shan khi quân đội Myanmar thực hiện chính sách di dời bắt buộc qui mô lớn vào những năm 1996 – 1998. Khi được xây dựng, đập Mong Ton sẽ tạo ra một hồ chứa lớn nhấn chìm nhà cửa và đất canh tác của 300.000 người vốn đã bị tổn thương nặng nề bởi xung đột vũ trang.

Khi  tỏ ra kiên quyết với kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào từ loại năng lượng “giá rẻ” này, Thái Lan hiển nhiên đã lờ đi những cái giá vô cùng đắt về môi trường, xã hội của những dự án năng lượng mà cả Thái Lan và toàn khu vực Mê Kông sẽ phải trả.

Sông Salween ở biên giới Thái Lan – Myanmar (Ảnh: The Bangkok Post)
Sông Salween ở biên giới Thái Lan – Myanmar (Ảnh: The Bangkok Post)

Thực tế, cái được gọi là năng lượng giá rẻ thực sự không hề rẻ khi tính đến môi trường bị tàn phá vĩnh viễn, cấu trúc xã hội bị phá vỡ và những hậu quả lâu dài đối với khu vực và người dân. Đã đến lúc Thái Lan cần nhận ra những tác động xuyên biên giới đối với các quốc gia láng giềng từ cơn khát năng lượng không giới hạn của mình để cân nhắc trách nhiệm khi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở quốc gia khác.

Thiết nghĩ, chỉ cần một quá trình quy hoạch năng lượng có sự tham gia, minh bạch và có trách nhiệm hơn, tính đến những chi phí môi trường và xã hội, chúng ta sẽ không cần phải phá hủy hai dòng sông Mê Kông và Salween, những con sông trinh nguyên của khu vực và sinh kế của những người dân phụ thuộc vào dòng sông.

Bởi lẽ, còn có những lựa chọn khác thay thế cho việc xây dựng đập thủy điện và những nhà máy nhiệt điện, trong khi những dòng sông là không thể thay thế.

Pianporn Deetes, Điều phối viên Chương trình Thái Lan của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế