Ô nhiễm đất do hóa chất nông nghiệp

ThienNhien.Net – Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hóa học không đúng cách, nguồn thải từ chăn nuôi… trong sản xuất nông nghiệp là những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm đất ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Khu vực xả chất thải nằm lộ thiên gây ô nhiễm. (Ảnh: baoquangtri.vn)
Khu vực xả chất thải nằm lộ thiên gây ô nhiễm. (Ảnh: baoquangtri.vn)

Đất bị “ngộ độc”

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc nhập khẩu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang gia tăng một cách đáng báo động. Số lượng thuốc BVTV nhập khẩu từ 20.000 tấn năm 2005 lên đến gần 50.000 tấn năm 2014. Cả nước có khoảng 20.000 đại lý buôn bán thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến thuốc với khoảng 30.000 – 40.000 tấn/năm. Cùng với đó, số lượng phân bón cũng tăng đáng kể. Từ năm 1985 đến nay, số lượng phân bón tiêu thụ đã tăng tới 500%. Việt Nam hiện sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm.

Tuy nhiên, kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45 – 50%. Điều đó có nghĩa là nông dân cứ bón 100 kg phân urea hoặc NPK vào đất, chỉ có 45 – 50 kg phân là được cây trồng hấp thụ và cho ra sản phẩm nông sản phục vụ mục đích gieo trồng. Số lượng phân bón bị rửa trôi mà cây không hấp thụ được chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm đất, một số loại phân bón có tồn dư axit, làm chua đất, giảm năng suất cây trồng và tăng độc tố trong đất.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc BVTV, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.

Nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV không rõ nhãn mác gây nguy hại đến sức khỏe và môi trường; việc bà con vứt bao bì thuốc BVTV tràn lan ra đồng ruộng, đây là loại rác thải nguy hại, nhưng hầu hết không được xử lý. Cùng với đó là chất thải trong sản xuất, chăn nuôi. Tất cả những nguồn này sẽ ngấm xuống đất, nước ngầm, gây ô nhiễm đất, nước và sẽ có những tác động ngược lại đến sức khỏe con người”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tìm hướng phát triển bền vững

Ô nhiễm môi trường đất được xem là một trong những loại ô nhiễm nguy hại nhất. Chất ô nhiễm sau khi thấm vào đất sẽ lưu lại, muốn xử lý ô nhiễm đất gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều công sức.

Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước… có xu hướng sẽ gia tăng. Các chuyên gia cho biết, ô nhiễm đất nói chung và ô nhiễm môi trường nói chung sẽ kéo theo nhiều hệ quả, tác động tới đời sống người dân, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, cần hướng tới phát triển bền vững để giảm ô nhiễm.

Một số ý kiến cho rằng, các chính sách ưu đãi bảo vệ môi trường mới chỉ hướng đến các chủ thể là tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã…) mà chưa chú trọng đến cá nhân người nông dân. Chính sách chi trả trực tiếp cho người nông dân để bảo vệ môi trường đã được rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển thực hiện, song tại Việt Nam chính sách này chưa được chú trọng.

Để giảm và hạn chế vấn đề ô nhiễm đất nông nghiệp, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc BVTV, phân bón… đúng cách.

Dưới góc độ môi trường, ông Hoàng Dương Tùng cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường 2014, Nghị định 179, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… đã có quy định đầy đủ hành vi vi phạm bị xử phạt, với mức phạt dành cho đối tượng vi phạm, gây ô nhiễm môi trường lên đến hàng tỉ đồng, quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở gây ô nhiễm.

“Tuy nhiên, thanh tra, xử phạt chỉ là một hình thức. Theo tôi, điều cần thiết nhất là sự phòng ngừa, tuyên truyền cho người dân hiều về tác hại ô nhiễm, hành vi nào sai và bị xử phạt. Cùng đó, giới thiệu những mô hình sản xuất tiên tiến, có chính sách ưu tiên đối với cơ sở có công nghệ sản xuất tốt… Cần cho người dân hiểu rằng, nếu hủy hoại môi trường thì chi phí phục hồi sẽ cao gấp nhiều lần, sức khỏe con người, hệ sinh thái, môi trường là những cái không thể tính được bằng tiền. Nếu thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt, chúng ta sẽ cải thiện được rất nhiều vấn đề môi trường”, ông Tùng nhấn mạnh.