Lý Sơn đối mặt rác thải

ThienNhien.Net – Trung bình mỗi ngày, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thải ra khoảng 10 tấn rác nhưng nhà máy xử lý xây xong lại… trùm mền
Dân số trên 21.000 người, cộng thêm hàng chục ngàn khách du lịch mỗi năm, trong khi diện tích chưa đến 10 km2 đang khiến huyện đảo Lý Sơn ô nhiễm trầm trọng.

Đổ rác xuống biển

Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn, mỗi ngày nơi đây thải ra khoảng 10 tấn rác sinh hoạt. Vì không có hệ thống xử lý tập trung, hầu hết rác thải đều đem đổ xuống biển.

Vì không có ai thu gom, rác thải sinh hoạt được người dân Lý Sơn đổ xuống biển. (Ảnh: Tử Trực)
Vì không có ai thu gom, rác thải sinh hoạt được người dân Lý Sơn đổ xuống biển. (Ảnh: Tử Trực)

Tại các vũng neo đậu tàu thuyền hay dọc bờ biển thuộc 2 xã An Vĩnh và An Hải, nơi nào cũng có rác. Từ chai lọ, túi ni-lông cho đến mọi thứ rác trôi lềnh bềnh trên mặt biển; nhiều nơi tạo thành ụ to, gây ô nhiễm trầm trọng. Sẽ không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân trên đảo vô tư vứt rác ra đường hay đổ xuống biển…

Ông Nguyễn Văn Quyền, ngụ xã An Vĩnh, cho biết cứ mỗi dịp có sự kiện lớn diễn ra trên đảo, các cơ quan, ban, ngành mới huy động lực lượng dọn bớt rác; còn ngày thường thì mạnh ai nấy vứt xuống biển. Nhiều lúc trưa nắng, mùi hôi tanh nồng nặc từ những đống rác lâu ngày này xộc vào nhà.

Chị Hà Thị Nguyễn, một du khách, cho biết đã nhiều lần ra Lý Sơn nhưng lúc nào cũng thấy cảnh tượng ô nhiễm làm xấu đi hình ảnh của hòn đảo này. “Lý Sơn mọi thứ rất tuyệt vời nhưng duy nhất việc xử lý ô nhiễm vẫn chưa làm được. Nhiều bãi biển, điểm du lịch khá đẹp nhưng lại ngập chìm trong rác thải, mùi hôi. Điều này khiến nhiều du khách chỉ dám đến một lần” – chị Nguyễn  băn khoăn.

Thu gom cầm chừng

Trong khi rác thải sinh hoạt đang trở thành mối đe dọa cho người dân và sự phát triển bền vững của huyện đảo Lý Sơn thì nhà máy xử lý rác với công suất 15 tấn/ngày được đầu tư kinh phí 30 tỉ đồng đang… trùm mền.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết vì thiếu kinh phí nên nhà máy xử lý rác sau khi chạy thử đến nay đã ngưng hoạt động. “Nếu có kinh phí vận hành nhà máy xử lý rác, về cơ bản, huyện sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm rác sinh hoạt. Còn lâu dài, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi xây dựng dự án xử lý rác thải bền vững để đáp ứng nhu cầu của người dân” – ông nói.

Theo ông Nguyên, trước mắt, để giải quyết vấn nạn ô nhiễm, huyện đã có đội ngũ thu gom rác nhưng hoạt động vẫn cầm chừng. “Vì nhà máy không hoạt động nên rác chủ yếu đưa về bãi chôn lấp tạm thời chỉ rộng khoảng 1.000 m2. Thế nhưng, bãi chôn lấp này cũng đang quá tải nên nếu thời tiết nắng nóng, rác sẽ được đốt, ngày mưa thì chôn lấp để tiết kiệm diện tích” – ông Nguyên cho biết.

Trong khi đợi nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động, theo nhiều người dân Lý Sơn, hệ thống nước ngầm trên đảo cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều diện tích trồng hành, tỏi (sản phẩm nổi tiếng ở Lý Sơn) cũng bị thu hẹp do lượng rác thải tràn lan.

Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề

Ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, cho biết điều đáng lo ngại nhất hiện nay là lượng rác xả ra quá nhiều, mỗi ngày càng tăng, đội thu gom xử lý không xuể.

“Không phải người dân Lý Sơn không có ý thức bảo vệ môi trường mà chủ yếu do rác không có người thu gom nên đành phải đổ xuống biển… Rác cứ để lâu ngày rất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, hệ sinh thái biển, du lịch Lý Sơn cũng bị ảnh hưởng nặng nề” – ông Bút lo ngại.