Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên bị tàn phá nặng nề

ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ (RPH) Nam Cát Tiên tại huyện Đác R’Lấp, tỉnh Đắc Nông đang bị “lâm tặc” chặt phá, khai thác gỗ trái phép tràn lan trong thời gian dài, nhưng không được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân…

Nhiều cây rừng bị đốn hạ nằm la liệt, gốc cây còn chảy mủ. (Ảnh: Nhân Dân)
Nhiều cây rừng bị đốn hạ nằm la liệt, gốc cây còn chảy mủ. (Ảnh: Nhân Dân)

Rừng bị phá công khai

Sau nhiều giờ vượt đèo, leo dốc, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường rừng bị tàn phá… ngay bên con đường mòn dẫn vào tiểu khu 1600 là một cây rừng có đường kính khoảng 0,6m vừa bị lâm tặc đốn hạ, gốc cây còn chảy mủ, “thợ rừng” đã xẻ thân cây thành hàng chục trụ tiêu nhưng chưa kịp mang đi. Tôi vội lao đến và chụp hình lia lịa, anh N.V.Đ liền lên tiếng, nhà báo không phải vội, cây này mới bị chặt hôm qua đấy, còn đi vào bên trong một chút nữa nhà báo tha hồ tác nghiệp.

Đúng như lời anh Đ nói, càng vào sâu bên trong mức độ tàn phá rừng càng khốc liệt hơn, quy mô hơn, tinh vi hơn, hàng trăm cây rừng đã bị “lâm tặc” đốn hạ nằm ngổn ngang, la liệt. Rừng ở đây không bị triệt phá tràn lan mà bọn “lâm tặc” chỉ phá tỉa theo kiểu “rút ruột”, “thợ rừng” chỉ lựa chọn những cây gỗ tốt, có đường kính lớn từ 0,4-0,6m trở lên để đốn hạ xẻ thành trụ tiêu, sau đó dùng xe máy độ chế chở mỗi lần từ 7-10 trụ tập kết ra bãi và dùng xe lớn chở ra khỏi rừng đi tiêu thụ.

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường bình quân khoảng 30-40m2 lại có một cây rừng bị đốn hạ, cá biệt có những điểm rừng bị đốn hạ hàng loạt. Cũ có, mới có, điều này cho thấy rừng không chỉ bị phá vào một thời điểm nhất định, mà rừng đã bị lâm tặc “rút ruột” trong một thời gian dài nhưng đơn vị chủ rừng vẫn cố tình che dấu hoặc không hề hay biết.

Dẫn chúng tôi đi qua nhiều khu vực rừng bị tàn phá, chứng kiến cảnh cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang, anh N.V.Đ bức xúc nói: “rừng bị tàn phá như vậy mà cơ quan chức năng khẳng định rừng không bị phá, giờ các anh vào tận nơi, chứng kiến tận mắt rồi xem dân phản ánh có đúng không? chứng kiến cảnh rừng phòng hộ bị “rút ruột” hằng ngày, chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh với Ban quản lý RPH Nam Cát Tiên nhưng không hiểu sao rừng ở đây vẫn tiếp tục bị phá, thậm chí rừng còn bị phá công khai hơn trước”. Bộc bạch xong nỗi bức xúc bấy lâu, anh Đ lại tiếp tục đưa chúng tôi rong ruổi đến nhiều khu vực rừng bị tàn phá khác, mật độ cây rừng bị đốn hạ dày đặc, bên cạnh cây rừng lớn bị đốn hạ thì hàng loạt cây khác đổ theo, tạo nên cảnh hoang tàn, xơ xác.

Tại hiện trường phá rừng, ngoài gỗ, bìa gỗ, mô cưa, “thợ rừng” còn để lại nhiều vật chứng của các vụ phá rừng như can xăng, xích máy cưa xăng, bánh xích xe độ chế… điều này chứng tỏ “lâm tặc” không hề phá rừng lén lút mà công khai dùng máy móc, xe cơ giới để tàn sát rừng.

Cách cửa rừng không xa, hàng trăm vườn tiêu trồng mới được cắm trụ gỗ dày đặc, có nhiều vườn tiêu có quy mô tới vài nghìn trụ. Trên tuyến đường duy nhất để “lâm tặc” vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, Ban quản lý RPH Nam Cát Tiên đã lập tới bốn trạm kiểm soát, với khoảng giao động từ 12 -16 nhân viên quản lý bảo vệ rừng, túc trực trạm kiểm soát cả ngày và đêm. Vậy gỗ ra khỏi rừng bằng cách nào? Chúng tôi xin nhường câu hỏi này cho các cơ quan có trách nhiệm.

Chỉ có cơ quan chức năng là không thấy

Chia tay với rừng trong tâm trạng nhiều tiếc nuối, rồi đây ai sẽ cứu những cây rừng đại ngàn thoát khỏi lưỡi cưa “thợ rừng”?… chúng tôi mang trăn trở này đến gặp các cơ quan chức năng thì nhận được câu trả lời hoàn toàn trái ngược.

Nhiều vườn tiêu mới quy mô hàng nghìn trụ mọc ngay bên cửa rừng. (Ảnh: Nhân Dân)
Nhiều vườn tiêu mới quy mô hàng nghìn trụ mọc ngay bên cửa rừng. (Ảnh: Nhân Dân)

Giám đốc Ban quản lý RPH Nam Cát Tiên, huyện Đác R’Lấp, tỉnh Đác Nông, Nguyễn Ngọc Xuân cho biết: Thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán vừa qua và cả quý I năm 2015, đơn vị chủ rừng đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên, nghiêm ngặt nên không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác gỗ, lâm sản trái phép. Cũng theo ông Xuân, thông tin RPH Nam Cát Tiên bị tàn phá là do một số đối tượng trước đây đã từng vào phá rừng, khai thác gỗ nhưng bị ngăn chặn, xử lý nên phao tin đồn thổi, trên thực tế rừng không hề bị phá. Mặc dù quả quyết “rừng không có vấn đề gì”, nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi có bao giờ ông đi kiểm tra thực tế trong rừng chưa thì ông Xuân lại cho biết: “Bản thân tôi cũng muốn đi kiểm tra nhưng không có thời gian và điều kiện nên chỉ thực hiện kiểm tra hoạt động của các trạm quản lý bảo vệ rừng chứ chưa đi vào rừng”.

Để thuyết phục chúng tôi về thông tin rừng không bị phá, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đác R’Lấp, tỉnh Đác Nông, Lê Đình Vũ cũng khẳng định: “Muốn quản lý tốt không thể nghe, dựa vào báo cáo, bản thân tôi đã nhiều lần “vi hành” trong rừng trước rồi mới về làm việc với đơn vị chủ rừng nhưng cũng không hề phát hiện rừng bị phá”, qua số liệu báo cáo cũng như kiểm tra thực tế, rừng phòng hộ Nam Cát Tiên luôn được bảo vệ tốt.

Thận trọng hơn trước khi trả lời báo chí, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông, Nguyễn Ngọc Tài đã thành lập đoàn công tác với đầy đủ thành phần, phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Đác R’Lấp, Ban quản lý RPH Nam Cát Tiên, chính quyền địa phương đi kiểm tra thực tế, sau đó khẳng định “thông tin phản ánh chưa đúng sự thật của một số báo đã làm nóng thêm tình hình và làm hoang mang tinh thần của một số đơn vị làm công tác bảo vệ rừng. Qua xác minh thông tin chỉ có 41 trụ tiêu, khối lượng 2,086 m3 bị khai thác trái phép, hiện các cơ quan chức năng đang điều tra xử lý”…

Với những “bí ẩn rừng xanh” mà chúng tôi ghi lại được qua nhiều chuyến đi, cùng với tư liệu, bằng chứng cụ thể mà chúng tôi đã thu thập được thì việc RPH Nam Cát Tiên đang bị “xẻ thịt” là đúng thực tế. Thế nhưng, rất tiếc là việc kiểm tra của các cơ quan chức năng dường như là hình thức để đối phó với dư luận, còn những nơi rừng bị tàn phá thực sự thì họ chưa bao giờ đặt chân đến. Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn lời anh N.V.Đ nói trong bức xúc: “ người dân, nhà báo đều thấy RPH Nam Cát Tiên bị tàn phá, chỉ có cơ quan chức năng là không thấy”.