Tiến tới Thỏa thuận Việt Nam-Mozambique về bảo vệ động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Lục địa châu Phi, nhất là các nước Nam phần châu Phi, đang nổi lên như một điểm nóng báo động về tình trạng săn bắn trộm, buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật động vật hoang dã.

Gấu được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên (Đồng Nai). (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Gấu được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên (Đồng Nai). (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Thời gian vừa qua, đã có một số công dân Việt Nam bị bắt giữ, thậm chí xử phạt vì liên quan đến loại hình tội phạm này, gây phương hại đến uy tín và hình ảnh của đất nước trong con mắt của bè bạn châu Phi và thế giới.

Nhằm thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này, trong các ngày 18-20/5 tại Maputo, Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique cùng Đoàn công tác liên ngành về bảo vệ động vật hoang dã do ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam dẫn đầu đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động để tích cực tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Một loạt sự kiện đã được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách của Việt Nam, qua đó nâng cao hiểu biết của các tổ chức quốc tế, NGO và nhận thức của cộng đồng người Việt về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh chống lại nạn săn bắn trộm, mua bán, vận chuyển trái phép ngà voi và sừng tê giác có xuất xứ từ châu Phi.

Đoàn công tác liên ngành Việt Nam gồm đại diện các Bộ Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngoại giao, Hải quan, Viện Kiểm sát Nhân dân, Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã (WCS) đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Môi trường Mozambique, trao đổi chuyên môn với đoàn liên ngành của Chính phủ Mozambique, tiến hành đối thoại với đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hoạt động mạnh trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, hai bên đã gặp gỡ và thông tin với báo chí địa phương và quốc tế tại Maputo, tổ chức buổi thông tin nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm ăn tại khu vực.

Phát biểu trong buổi làm việc với đoàn, Bộ trưởng Môi trường Mozambique Celso Ismael Correia nhấn mạnh Chính phủ Mozambique đặt trọng tâm cao vào công tác bảo tồn động vật hoang dã và đánh giá cao thiện chí hợp tác của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này thông qua các hoạt động phong phú của đoàn công tác liên ngành Việt Nam tại Mozambique.

Bộ trưởng Correia đề nghị hai nước thảo luận để sớm đi đến một thỏa thuận hợp tác song phương về bảo vệ động vật hoang dã.

Hai đoàn công tác đã tiến hành thảo luận và nhất trí về những nội dung cơ bản của thỏa thuận hợp tác nói trên, tiến hành tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng tại từng nước để sớm đi đến ký kết.

Bà Anselmina Liphola, Tổng Cục trưởng Quản lý môi trường Mozambique, trưởng đoàn Mozambique nhất trí các bộ, ngành chức năng hai nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kiên quyết trong các chế tài nhằm đấu tranh có hiệu quả, chống lại tệ nạn buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật của động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Thay mặt phía Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc tăng cường kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, đồng thời nhấn mạnh các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời, mở rộng sự hợp tác này ra quy mô tiểu vùng và khu vực.

Tại buổi đối thoại với các đối tác nước ngoài, với sự tham dự của 6 Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế và NGO tại Mozambique, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam Đỗ Quang Tùng cùng các thành viên trong đoàn đã có nhiều bản thuyết trình về các chiến dịch vận động nhằm giảm thiểu cầu sử dụng mẫu vật động vật hoang dã tại Việt Nam, về những quy định và văn bản pháp luật mới được ban hành nhằm nâng cao hiệu lực của công tác thực thi pháp luật, về việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực bảo tồn.

Tại buổi đối thoại, nhiều vị đại sứ rất ấn tượng trước những chuyển biến tích cực tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao các biện pháp mà Việt Nam đang tiến hành. Các tổ chức quốc tế và NGOs chia sẻ nhiều kinh nghiệm về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã.

Tại buổi Thông tin nâng cao nhận thức cộng đồng với sự tham dự của đông đảo người Việt sinh sống và làm ăn tại Mozambique, đoàn công tác liên ngành đã trình chiếu nhiều băng hình, phát tờ rơi, áo phông, tài liệu tuyên truyền về công tác bảo tồn tại Việt Nam.

Đáp ứng mối quan tâm của bà con, đoàn đã thông tin về các biện pháp của chính phủ nhằm vận động giảm nhu cầu tiêu thụ ngà voi, sừng tê giác ở trong nước, cũng như những chế tài nghiêm khắc của luật pháp Việt Nam nhằm đấu tranh chống lại nạn buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật động vật hoang dã.

Các hoạt động nói trên của Việt Nam trong nỗ lực hợp tác nhằm bảo vệ động vật hoang dã và nâng cao nhận thức cộng đồng tại địa bàn Mozambique đã tạo được sự phản hồi tích cực trong dư luận báo chí, các cơ quan chính phủ của nước bạn, cũng như các nước đang hoạt động mạnh trong lĩnh vực bảo tồn.

Ngoài Mozambique, với sự hỗ trợ của Hiệp Hội Bảo tồn động vật hoang dã, đoàn công tác liên ngành đã thăm các nước Kenya, Tanzania và Cộng hòa Nam Phi.