Chuyện của một Ủy viên Mặt trận

 

ThienNhien.Net – Gần 5 năm nay người dân 2 phường Thượng Đình và Nhân Chính hàng ngày đã quen với cảnh ông già gần 80 tuổi một ngày ít nhất hai lượt vớt rác, làm sạch sông, hồ trên địa bàn. Ông là Nguyễn Văn Tạ, Ủy viên MTTQ phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngày đều đặn 2 lần ông Tạ cần mẫn vớt rác làm sạch môi trường sông, hồ tại khu vực phường Nhân Chính. Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Ngày đều đặn 2 lần ông Tạ cần mẫn vớt rác làm sạch môi trường sông, hồ tại khu vực phường Nhân Chính. Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Không hẹn trước, chúng tôi tìm đến nhà ông Tạ vào một sớm mùa hè nhưng không được gặp ông. Người nhà cho biết, sáng sớm và chiều muộn là thời gian ông làm “công vụ”: Đi vớt rác sông, hồ. Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi đã tìm được ông Tạ đang cần mẫn vớt những túi rác cuối cùng của những người vô tâm vứt xuống hồ Cự Chính.

Ông bảo, vốn là cựu chiến binh, đã từng vào sinh ra tử. Với những người đã từng bước qua cái chết, được sống sung sướng, hạnh phúc như ngày hôm nay là điều kì diệu. “Khi vào quân ngũ, tôi đã thề trước Quốc kì, quyết hi sinh những giọt máu cuối cùng cho Tổ quốc, những điều tôi đã thề cách đây đã 70 năm vẫn còn nguyên giá trị đó là: Đã sống phải cho ra sống, phải làm điều có ích thì sống mới có ý nghĩa”, ông Tạ chia sẻ.

Bởi lẽ đó, theo ông, cái việc vớt rác ở hồ, mà với nhiều người là việc vô bổ thì với ông đó lại là một công việc ý nghĩa, dù đó là việc làm nhỏ bé. Công việc này ông đã làm từ cách đây 5 năm. Đó chính là niềm vui mà ông tìm thấy: vớt rác, góp một phần sức nhỏ bé của mình để “giải cứu” cho các hồ khỏi sự ô nhiễm.

Có rất nhiều cái lý khiến ông Tạ quyết tâm làm sạch hồ, trong đó có lý do, cách đây gần 60 năm, khi ông còn là quân nhân của Sư đoàn bảo vệ Thủ đô, ông đã cùng đồng đội tạo ra những hồ như hồ Bảy Mẫu, đường Cổ Ngư và nhiều hồ khác trên địa bàn.

Hà Nội độc đáo hơn bất kỳ Thủ đô của các quốc gia khác chính là nhờ cây xanh, mặt nước. Tại sao mình không bảo vệ sông, hồ, trả lại vẻ đẹp cho những hồ đã đi vào thơ, nhạc làm nên những nét đẹp riêng có của Hà Nội.

Giải cứu tất cả các con sông, hồ bị ô nhiễm trên địa bàn quả là việc lớn lao, cần rất nhiều dự án với những số tiền khổng lồ, nhưng chắc gì các dòng sông, hồ thoát khỏi cảnh ô nhiễm, nếu chỉ một ngày sau khi sông, hồ được làm sạch, những người dân sống xung quanh vẫn thiếu ý thức khi xả rác xuống hồ.

Nếu mỗi người dân trên địa bàn cùng ý thức sông, hồ nơi ta sinh sống là của chúng ta, nếu chúng bị ô nhiễm cũng đồng nghĩa chất lượng cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng… chắc chắn sẽ chẳng có sông, hồ nào bị ô nhiễm.

Sau khi phục viên, ông Nguyễn Văn Tạ chuyển về công tác tại Đội Cầu đường, cùng đồng nghiệp mở ra những cung đường Tây Bắc. Nghỉ hưu năm 1982, ông chuyển về sống tại phố Quan Nhân, làm công tác Mặt trận tại phường Nhân Chính từ đó tới nay. Hiện, ông là Ủy viên MTTQ phường Nhân Chính. Ông cũng đảm đương nhiệm vụ của cán bộ Thanh tra Nhân dân tại phường trong thời gian từ năm 2005 – 2013.

Từ những ý nghĩ như vậy, ông Tạ thấy rằng, chẳng còn chần chừ gì mà không quyết làm cái điều nhiều người tưởng là vô bổ! Thế là hàng ngày đều đặn ít nhất 2 lần vào lúc 6h sáng và 5h chiều, với chiếc sào có gắn một cái vợt, ông Tạ đi tìm rác ở sông, hồ quanh địa bàn.

Hồ Cự Chính là một ví dụ. Ngày nào cũng vậy, ngày nắng cũng như mưa, bất kể đông giá ông Tạ đều vớt rác ở đây. Từ một hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân không thể chịu được mùi xú uế bốc lên nay đã thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Ngày ngày, người dân sáng và chiều đến hồ tập thể dục, hóng mát, ngắm cảnh. Thậm chí, đã có người đồng cảm với công việc mà ông Tạ làm trong suốt những năm qua, tình nguyện cùng ông xách vợt lên đường tìm rác.

Chỉ ra làn nước trong vắt của hồ Cự Chính, ông Tạ nói với chúng tôi rằng, sẽ không thể tưởng tượng được đâu, hồ này tuy rộng nhưng chỉ cần mỗi ngày 23 tháng chạp khi người dân tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời rác sẽ ngập hồ. Ngày rằm, mùng 1 cũng vậy, rác theo chân người vô tư xả xuống hồ. Nếu không vớt, chẳng có hồ nào thoát khỏi cảnh ô nhiễm.

Vào những ngày cao điểm như vậy, ông Tạ phải cần mẫn cả tuần trời để “giải cứu” hồ. Giờ thì, ngay cả những ngày lễ tết những túi nilong đã không còn bị tống xuống hồ mà nó đã được bỏ vào một số chiếc sọt với những lời cảnh báo không vứt rác xuống hồ do chính tay ông Tạ làm.

Công việc ý nghĩa của ông Tạ đã lan toả tới nhiều người, và nhiều hồ khác trên địa bàn vì thế cũng có thêm những người tình nguyện mới.