Xử lý vụ phá rừng phòng hộ để nuôi tôm

ThienNhien.Net – Sau khi Báo Công an TPHCM ngày 15-4-2015 đăng bài Hợp thức hóa phá rừng phòng hộ để nuôi tôm, phản ánh hàng chục héc-ta rừng phòng hộ ven biển Vinh Mỹ bị phá để làm hồ nuôi tôm, UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã đình chỉ việc này, phạt hành chính 27 đối tượng, kiểm điểm chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ đã được san ủi. (Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh)
Nhiều diện tích rừng phòng hộ đã được san ủi. (Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh)

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ký văn bản chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc khẩn trương kiểm tra, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, kiểm điểm nghiêm về tình trạng lỏng lẻo trong quản lý, bảo vệ rừng đối với địa phương và các đơn vị liên quan.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thông khẩn trương kiểm tra, ngăn chặn, có biện pháp xử lý nghiêm, khắc phục hậu quả, tăng cường giải pháp quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển một cách hiệu quả.

Các hộ bức xúc về việc phá rừng để nuôi tôm. (Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh)
Các hộ bức xúc về việc phá rừng để nuôi tôm. (Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh)

Ông Tô Thanh Liêm – Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ – cho biết, mỗi trường hợp bị phạt hơn 5 triệu đồng. UBND huyện cũng buộc xã kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý nhà nước về đất đai, rừng phòng hộ trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc – Hồ Trọng Cầu cho biết, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và UBND xã Vinh Mỹ buộc đình chỉ vụ việc, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm tiếp theo, chờ có văn bản, hướng dẫn mới nuôi tôm trở lại.

Nhiều năm qua, UBND huyện Phú Lộc đã gửi văn bản xin tỉnh cho chuyển đổi nhưng chưa được phê duyệt, tuy nhiên lãnh đạo huyện liên tiếp có quyết định chỉ đạo việc nuôi tôm này.

Theo ông Cầu: “Việc phá rừng phòng hộ để nuôi tôm là do các hộ tự ý thực hiện. Tuy nhiên, khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã để xảy ra việc này là vi phạm và lỗi do khâu quản lý của địa phương chưa chặt chẽ”.