Hợp thức hóa việc phá rừng phòng hộ để nuôi tôm

ThienNhien.Net – Mặc dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng lãnh đạo huyện, xã đã “bật đèn xanh” cho việc phá rừng phòng hộ để nuôi tôm, khiến hàng chục héc-ta bị băm nát. Vụ việc vỡ lở, chính quyền lại đổ lỗi cho dân.

Hồ tôm thay rừng phòng hộ

Từ phản ánh của người dân về việc nhiều diện tích rừng phòng hộ bị san ủi để làm hồ nuôi tôm, PV đã về vùng biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế tìm hiểu sự việc. Bức xúc trước việc này, nhiều người dân gửi đơn thư lên chính quyền đề nghị ngăn chặn. Tuy nhiên, rừng vẫn bị tàn phá để nuôi tôm.

Nhiều người cho biết, trước đây việc khai thác titan đã phá nát nhiều diện tích rừng, bà con đã cố gắng trồng lại. Tuy nhiên sau đó huyện, xã cho quy hoạch nuôi tôm, chỉ làm giàu cho một nhóm người nhưng để lại hệ lụy quá lớn đối với xã hội: việc đánh bắt hải sản của ngư dân gần bờ gặp không ít khó khăn do việc nuôi tôm tác động đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, nước thải từ các hồ tôm đa phần không được xử lý mà xả thẳng ra biển.

Đi qua các cánh rừng dương, keo, bạch đàn trên đồi cát rộng ở sát làng vốn được quy hoạch rừng phòng hộ, chúng tôi chứng kiến  nhiều gốc cây bị xe ủi cày xới nằm la liệt; vùng cát trắng mênh mông đã được chia ô, phân thành các hồ nuôi tôm, từ đây đến bờ biển chưa đầy 200m, cách mồ mả chỉ vài chục mét. Nhiều căn nhà bằng bê tông cốt thép cũng được xây dựng để tập kết vật liệu, trông hồ tôm… Không chỉ phá rừng, các chủ hồ tiếp tục xâm lấn phần còn lại.

Ông Tô Thanh Liêm – Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ – cho biết, việc nuôi tôm trên cát đã được huyện phê duyệt. Trong thời gian chờ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một số hộ dân đã thuê đất và tự ý chuyển đổi sang nuôi tôm với diện tích 4,5ha. Xã phối hợp với các cơ quan ban, ngành lập biên bản các nhóm hộ tự ý chuyển đổi mục đích đất rừng.

Ngoài diện tích mới được quy hoạch trên, trước đây xã này có 15ha nuôi tôm trên cát, đa phần đều nằm trong phạm vi rừng phòng hộ. “Tôm được nuôi thí điểm trên cát từ năm 1997, đến năm 2004 phát triển mạnh. Trước đây bà con làm theo kiểu tự phát, gần đây mới chú trọng đầu tư, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người”, ông Liêm nhấn mạnh.

Các hồ tôm được triển khai trong rừng phòng hộ. (Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh)
Các hồ tôm được triển khai trong rừng phòng hộ. (Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh)

Làm trước, chờ giấy phép sau (!)

Mặc dù UBND huyện Phú Lộc đã gửi nhiều văn bản xin tỉnh cho chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đất rừng phòng hộ sang nuôi tôm nhưng chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện vẫn QĐ chỉ đạo việc nuôi tôm ven biển.

Ngày 14-11-2012, ông Hồ Trọng Cầu – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc ký QĐ điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở huyện đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó chuyển đổi 12ha rừng phòng hộ sang nuôi tôm thâm canh trên cát ở xã Vinh Mỹ. Ngày 17-10-2014, ông Nguyễn Thanh Hà – nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (nay là Phó giám đốc Sở Tài chính) ký QĐ phê duyệt dự án (DA) đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng cát ven biển xã Vinh Mỹ với diện tích 19,49ha, thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2015.

Đến ngày 12-12-2014, Hội đồng nhân dân tỉnh có nghị quyết về việc thông qua danh mục các công trình, DA cần thu hồi đất trên địa bàn tỉnh năm 2015; cho phép chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác để thực hiện các DA năm 2015; trong đó thống nhất quy hoạch nuôi tôm ở xã Vinh Mỹ 19,5ha.

Ông Hồ Trọng Cầu cho biết: “Các hộ tự ý phá rừng để nuôi tôm. Sau khi kiểm tra, huyện đã đình chỉ, xử lý các cá nhân vi phạm. Đối với các hồ đã nuôi tôm, huyện sẽ xin cấp trên cho tiếp tục, đồng thời buộc các chủ hồ phải hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường”.

Ông Cầu thừa nhận, khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã phá rừng để nuôi tôm là sai. Nhưng ông khéo chống chế bởi thẩm quyền thuộc UBND tỉnh, trong khi nhiều năm qua tỉnh chưa đồng ý để xã chuyển mục đích sử dụng đất, việc phá rừng phòng hộ là do dân tự ý làm chứ huyện không biết, lỗi là do khâu quản lý của địa phương chưa chặt chẽ. Ông Cầu cho biết, sau khi người dân xã Vinh Mỹ khiếu nại, huyện đã kiểm tra.

Quyết định của UBND huyện nêu rõ: UBND xã Vinh Mỹ phải phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hạt kiểm lâm thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị chuyển đổi mục đích sử đụng đất; chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện DA. Tuy nhiên nhiệm vụ này đã bị buông lỏng nên xảy ra việc phá rừng ồ ạt để nuôi tôm.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ dân vi phạm vượt quá thẩm quyền của xã, mà thuộc trách nhiệm của ngành kiểm lâm. Tuy nhiên đơn vị này vẫn chưa có động thái tích cực. Ông Tống Phước An – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc – cho biết, đơn vị đang kiểm tra, rà soát lại diện tích rừng bị phá để làm hồ nuôi tôm, hiện chưa có kết quả.